Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thúc đẩy nông dân tham gia chuỗi giá trị nông sản

11:15 13/11/2019 GMT+7
Ngày 11/11/2019, tại tỉnh Trà Vinh, Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Nội dung, giải pháp Hội Nông dân tham gia xây dựng Nông thôn mới” và chuyên đề: “Hội Nông dân Việt Nam tham gia

Ngày 11/11/2019, tại tỉnh Trà Vinh, Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Nội dung, giải pháp Hội Nông dân tham gia xây dựng Nông thôn mới” và chuyên đề: “Hội Nông dân Việt Nam tham gia xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các Hợp tác xã góp phần thúc đẩy nông dân tham gia chuỗi giá trị nông sản”.

Nên triển khai cổng thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử cho các hợp tác xã (HTX)

Tại Hội thảo một số vấn đề đưa ra thảo luận như: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là quy mô nhỏ, thiếu liên kết, thiếu cơ chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao cho người nông dân và doanh nghiệp. Việc quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch chưa được chặt chẽ,  công tác thống kê, dự báo, định hướng chưa bám sát nhu cầu thị trường, sản xuất còn mang tính tự phát, còn chạy theo sản lượng. Mô hình liên kết sản xuất, kinh tế hợp tác kiểu mới chưa phát triển; việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân chưa tốt.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Vân Nguyễn

Theo ông Nguyễn Khắc Toàn – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Kinh tế T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Hiện nay, phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa bền vững, năng suất lao động thấp. Kết nối nông thôn với đô thị còn yếu, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm; trình độ khoa học công nghệ còn thấp, thu nhập của phần lớn nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; xây dựng đời sống văn hóa xã hội còn nhiều hạn chế, tồn tại nhiều vấn đề bức xúc…Giá cả vật tư nông nghiệp ngày tăng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại, tiêu thụ nông sản khó khăn, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn thường xuyên xảy ra gây nhiều khó khăn bất ổn cho người dân khu vực nông thôn nói riêng và cả nước nói chung.

Một số giải pháp được đưa ra tại Hội thảo sẽ nhằm khắc phục những tồn động hiện nay là phải ưu tiên chọn sản phẩm theo thế mạnh của địa phương. Chỉ sản xuất cái mà thị trường cần. Ưu tiên lựa chọn các loại sản phẩm đã và đang có loại giống tốt, có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất quy mô lớn; phù hợp với năng lực tài chính và điều kiện tổ chức sản xuất của cá nhân, gia đình và tập thể.

Từ những thất bại, hạn chế từ việc thiếu liên kết các cán bộ Hội, HTX, tổ hợp tác, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, nhà phân phối… nên hướng dẫn nông dân và người đại diện thực hiện các thủ tục đăng ký mã vùng sản xuất khi đủ các điều kiện. Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, chăn thả gia súc, gia cầm trong bên trong vùng trồng. Không trồng xen các loại cây trồng cùng họ với cây trồng chính hoặc các cây ký chủ của các loài dịch hại là đối tượng được kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại. Tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm thị trường, xây dựng thương hiệu, chế biến, bảo quản, bao bì, đóng gói sản phẩm và dịch vụ logictic… Nhằm tăng sức cạnh tranh, nông sản hàng hóa không bị ép giá.

“Hiện nay, nhà nước đã có nhiều chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đối với cán bộ quản lý HTX, Liên hiệp HTX, thành viên HTX. Các dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn được ưu đãi về lãi suất và bảo lãnh tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Ngoài các yếu tố trên, việc xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử cho các HTX, Liên hiệp HTX là việc làm thiết thực nhất cần phải ưu tiên triển khai hàng đầu” ông Toàn nhấn mạnh.

Mô hình HTX kiểu mới điển hình sản xuất theo chuỗi giá trị

HTX Nông nghiệp Mai Anh (xã Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) chuyên tập trung sản xuất rau, củ, quả sạch… Quy trình sản xuất ở đây hiện nay đều đạt tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn rau an toàn.. HTX đã thành công khi cung cấp đồng bộ giống cây, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng như bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các xã viên. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã cung ứng cho hệ thống siêu thị Vinmark.

HTX Nông nghiệp Hoa Đào, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai ngoài sản xuất rau, củ, quả còn trồng hoa. Cây trồng chủ lực của HTX là su su, hoa hồng, hoa lan… Su su hiện được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực phẩm. HTX  đã xây dựng được nhận diện sản phẩm và đã có bao bì, nhãn hiệu, tem truy suất nguồn gốc.

HTX dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng hoạt động chủ yếu là chăn nuôi lợn, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ thịt lợn. HTX đã thực hiện các phương án chăn nuôi an toàn và bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX hiện cung ứng đầu vào lợn giống, thức ăn… và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên. Sản phẩm thịt của HTX đang có mặt tại nhiều bếp ăn tập thể trên địa bàn và là sản phẩm được tin dùng tại các khu chợ truyền thống.

Tuy đạt được một số thành quả nhất định để làm mô hình mẫu cho các đơn vị khác học tập nhưng các đơn vị trên đều rất mong muốn sự hỗ trợ nhiều hơn nữa về vốn để mở rộng khu sản xuất, xây dựngcơ sở vật chât, máy móc thiết bị, đồng thời liên kết với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, xây dựng một chuỗi các cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Vân Nguyễn