Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thủy sản Cà Mau chỉ lên đến được Cần Thơ, vùng nuôi ứ thừa, siêu thị khan hiếm

11:00 19/09/2021 GMT+7

Hướng vào thị trường nội địa, xây dựng các chuỗi tiêu thụ đa dạng, không phụ thuộc quá nhiều vào thương lái,… là những biện pháp trước mắt gỡ khó cho thị trường thủy sản tỉnh Cà Mau.

Cà Mau là tỉnh có nhiều lợi thế trong ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm với sản lượng 200.000 tấn/năm với hệ thống chế biến rộng, xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính và kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt 1 tỷ USD. Cà Mau có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường nhưng do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên quá trình sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông, thủy sản của tỉnh cũng gặp khó khăn nhất định.

Chuỗi cung ứng gián đoạn khiến thiếu hụt sản phẩm ở siêu thị, thừa ở vùng nuôi

Giám đốc đối ngoại của Mega Market Trần Kim Nga cho biết, hiện nay hệ thống siêu thị có 29 nhà cung cấp hải sản nhưng phải tạm ngưng hoạt động do tình hình dịch Covid-19.

“Mega Market đã có nhiều hợp đồng với doanh nghiệp của tỉnh Cà Mau và hợp tác rất ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, do Covid-19, hàng hóa và các sản phẩm của Cà Mau đang gặp khó khăn trong vấn đề cung cấp cho Mega Market, cụ thể sản lượng sản phẩm đông lạnh chỉ đạt 15-20%, gây khó khăn cho cả bán lẻ và xuất khẩu” – bà Trần Kim Nga cho biết.

Với các mặt hàng tươi sống, nhiều quy định phòng chống dịch của các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gây khó khăn cho chuỗi cung ứng, như vận chuyển chỉ tới được Cần Thơ chứ không lên được TP.HCM. Khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và nhu cầu mua sắm của khách hàng”, bà Trần Kim Nga cho biết thêm.

Theo bà Trần Kim Nga, Cà Mau chia sẻ thêm với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, có thêm các giải pháp để không làm gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản. Chúng ta phải tránh được tình trạng dư thừa ở vùng nuôi nhưng lại thiếu hụt ở siêu thị. Các sản phẩm tươi sống như tôm sú, tôm thẻ hay cua Cà Mau hoàn toàn không thể đến được với khách hàng của Mega Market thời gian qua.

Chuỗi cung ứng gián đoạn khiến thiếu hụt sản phẩm ở siêu thị, thừa ở vùng nuôi.

Chi phí trung gian vẫn cao, khó khăn hơn khi dịch bệnh phức tạp

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, với tinh thần làm cầu nối sản xuất và tiêu dùng, thời gian qua các nhà bán lẻ đã rất nỗ lực để hoạt động mặc dù gặp nhiều khó khăn do quy định chống dịch của các địa phương. Với Cà Mau, các sản phẩm đặc sản của tỉnh được người tiêu dùng của cả nước biết đến nhưng vấn đề hiện nay là chi phí trung gian còn cao khi vận chuyển đến TP.HCM hay Hà Nội.

“Đường đi của sản phẩm đến điểm bán thuận tiện hơn, giảm chi phí trung gian. Địa phương thành lập những chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ một cách tốt nhất. Khi đó, nhà bán lẻ sẽ mua được từ gốc với các sản phẩm chất lượng, chi phí trung gian thấp” – bà Vũ Thị Hậu nói.

Sản phẩm đặc sản của Cà Mau chủ yếu được tiêu thụ trong kênh nhà hàng nên sau khi tình hình dịch được kiểm soát thì sẽ lưu thông tốt trở lại. Trong giai đoạn hiện nay, Tổ công tác 970 và tỉnh đã kêu gọi được các nhà chế biến để tăng cường các sản phẩm đông lạnh, sấy khô, hấp phục vụ nhu cầu bán lẻ. Sau khi dịch được kiểm soát, các nhà sản xuất, chế biến và bán lẻ nên kết hợp với nhau để tạo ra những chương trình khuyến mại để đẩy mạnh thương hiệu cho sản phẩm, bà Vũ Thị Hậu nêu ý kiến.

Đặc sản sò huyết của Cà Mau cũng roi vào tình trạng rớt giá.

Chú trọng thị trường nội địa, xây dựng thương hiệu tôm – lúa hữu cơ

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, các tỉnh, thành phố nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng, hiện vẫn giữ thói quen phụ thuộc chặt chẽ vào hệ thống thương lái, nhằm hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất liên kết bị đứt gãy, buộc nhiều ngành sản xuất nông nghiệp quay lại thị trường trong nước.

“Cà Mau cũng như các tỉnh ĐBSCL, giám sát chất lượng, sản lượng định kỳ, đồng thời chia rõ số lượng xuất khẩu, số lượng dành cho thị trường nội địa, tránh hiện tượng được mùa mất giá, hoặc một số doanh nghiệp thu mua thủy sản từ những hộ nhỏ lẻ nhằm đón đầu khi giá tăng. Doanh nghiệp cần tính kỹ đến vấn đề này, hướng đến chiến lược phát triển dài hơi, bền vững” – ông Lê Thanh Hòa nói.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, Cà Mau là vùng đất có nhiều đặc sản, trong đó có tôm – lúa. Cà Mau cần có hướng phát triển tôm – lúa thành sản phẩm hữu cơ, quảng bá, đa dạng hóa thông tin để đưa tôm – lúa đến siêu thị ngày một nhiều.

“Cà Mau cần sớm gắn truy xuất nguồn gốc theo hình thức điện tử. Đây sẽ là cách giúp các kho lưu trữ, siêu thị yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Ngoài tôm – lúa, đặc sản tôm rừng tại Cà Mau cũng cần được chú trọng. Đây là sản phẩm chưa được nhiều người dân Việt Nam biết đến. Do đó, Cà Mau cần kết hợp cả xuất khẩu, lẫn giới thiệu để nhiều người tiêu dùng trong nước hình thành nhu cầu tiêu dùng” – ông Trần Đình Luân nói.

Bên cạnh năng suất, sản lượng, các vùng nguyên liệu cần gắn với hệ thống tiêu thụ ở Hà Nội, TP.HCM. Để đảm bảo quá trình lưu thông, phân phối thông suốt, các HTX liên kết chặt chẽ với siêu thị, ông Trần Đình Luân đề nghị./.

(Theo VOV)