Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tinh thần doanh nghiệp của nông dân Việt Nam

Trần Quốc Dân - 07:03 08/01/2022 GMT+7
Tinh thần doanh nghiệp là một giá trị định hướng của văn hóa kinh doanh Việt Nam thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tinh thần doanh nghiệp sẽ giúp người nông dân Việt Nam có sự chuyển biến sâu sắc về thái độ, trách nhiệm đối với công việc sản xuất, kinh doanh, trong làm giàu, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thu hoạch rau trồng theo phương pháp thủy canh tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (phường Mạo Khê, TX Đông Triều). Ảnh: Nguyễn Thanh

Tinh thần doanh nghiệp

Tinh thần doanh nghiệp được hiểu là thái độ, trách nhiệm, ý nghĩ, tình cảm sâu sắc của con người đối với công việc kinh doanh, là ý chí ham muốn thành công, định hướng cho khát vọng cháy bỏng trong làm giàu, tính bền bỉ, kiến trì với ý tưởng sáng tạo, kiên quyết, dám chấp nhận mạo hiểm. 

Tinh thần doanh nghiệp là một thuật ngữ để chỉ một giá trị văn hóa mới xuất hiện ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XXI. Tinh thần doanh nghiệp nói đến thái độ, ý nghĩ, tình cảm của con người đối với công việc kinh doanh. Tinh thần doanh nghiệp là một trong những điều kiện tiên quyết để một người nào đó có thể trở thành doanh nhân. Người có tinh thần doanh nghiệp là người có những tố chất sau đây:

Một là, có đầu óc doanh nghiệp, tức là trong một tình huống nhất định, họ biết kết hợp khả năng vốn có của cá nhân với những nguồn lực khác mà họ có được vào công việc kinh doanh.

Hai là, nhạy bén với những cơ hội kinh doanh, tức là họ biết phát hiện và đánh giá những cơ hội xuất hiện trong công việc làm ăn, tìm ra những phương tiện và nguồn lực cần thiết tổ chức thực hiện để bảo đảm thành công.

Ba là, ý chí ham muốn thành công, họ là con người của hành động, có ý thức rõ ràng về công việc và kết quả đạt được, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chấp nhận mạo hiểm và rủi ro để đạt tới mục tiêu đã định.

Bốn là, khát vọng làm giàu, chính là sự mong muốn, khát khao vượt lên chiến thắng cảnh nghèo hèn, đạt đến sự giàu sang, phú quí cho chính bản thân mình, gia đình và xã hội, dù biết rằng con đường làm giàu không hề bằng phẳng, có nhiều chông gai và nhiều khi cũng phải chấp nhận trả giá.

Năm là, tầm nhìn xa trông rộng, tức là suy nghĩ và hoạch định về tương lai thông qua trí tưởng tượng của chính họ. Từ đó, họ luôn có những dự báo cùng với những phương án làm ăn căn cơ, lâu dài. Tầm nhìn của người chủ doanh nghiệp chính là lý tưởng cho tương lai, là con đường phát triển và hướng đi lâu dài cho doanh nghiệp của mình.

Người có tinh thần doanh nghiệp thường có nhân cách mạnh mẽ: 1) Tinh thần hợp tác, làm việc nhóm, thuyết phục mọi người cùng đồng tâm, hiệp lực cho mục tiêu đã định; 2) Có năng lực quyết đoán trên cơ sở thực tiễn và khoa học, không dựa theo ý chí chủ quan để lựa chọn phương án tối ưu, bảo đảm khả năng thành công cao nhất; 3) Có năng lực tổ chức, biết tập hợp, quy tụ, phát huy thế mạnh của từng người, hiểu biết, chia sẻ và thông cảm với mọi người, biết tổ chức và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; 4) Niềm tin khi giao quyền cho người khác và có phương pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả; 5) Dám chịu trách nhiệm với cấp trên, cấp dưới, với khách hàng và xã hội; 6) Giỏi ứng biến, thích ứng với mọi hoàn cảnh, năng động, linh hoạt, không bảo thủ, cố chấp; 7) Dám đổi mới và sáng tạo, có năng lực tiếp thu cái mới; 8) Dám mạo hiểm, dám chịu trách nhiệm về những rủi ro, có ý chí và lòng tin vào thành công; 9) Tôn trọng mọi người, lắng nghe, phân tích và tiếp thu các ý kiến của người khác; 10) Nêu gương về đạo đức, lối sống, phong cách có vai trò dẫn dắt mọi người làm theo.

Mẫu nhân cách của người có tinh thần doanh nghiệp nêu trên không phải là cái bất biến. Trong quá trình phát triển, tinh thần ấy vẫn giữ cái cốt lõi và luôn biến đổi phù hợp với các giá trị văn hóa và chuẩn mực xã hội đương thời. Mặt khác, sự thay đổi mẫu nhân cách của người có tinh thần doanh nghiệp theo không gian và thời gian, theo ngành nghề và lĩnh vực hoạt động vì bản tính cầu tiến, tự hoàn thiện bản thân của con người. Những nét đặc trưng về nhân cách ấy có mối quan hệ chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau, người có lòng tự tin thường sẵn sàng chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Trong thực tế, ít khi gặp được một người nào đó tập trung ở mình đầy đủ những yêu cầu nhân cách trên đây, nhưng có rất nhiều người ở mức độ cao có phần lớn những nét đặc trưng đó. Chính nhân cách của họ giúp ta thấy rõ sự khác biệt giữa họ và người khác.
Qua phân tích ở trên có thể hiểu “Tinh thần doanh nghiệp là thái độ trách nhiệm, ý nghĩ, tình cảm sâu sắc của con người đối với công việc kinh doanh, là ý chí ham muốn thành công, định hướng cho khát vọng cháy bỏng trong làm giàu, tính bền bỉ, kiên trì với ý tưởng sáng tạo, kiên quyết, dám chấp nhận mạo hiểm. Nó là cái sâu sắc nhất, cốt lõi nhất của hoạt động kinh doanh”(1)

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, đã tạo môi trường rất thuận lợi cho việc khơi dậy và phát huy tinh thần doanh nghiệp của người dân, trong đó có nông dân. Khi tinh thần doanh nghiệp trở thành giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người mới, đến lượt mình sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tinh thần doanh nghiệp là sự kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống như cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, dũng cảm vượt qua khó khăn, khiêm tốn, giản dị, khoan dung, yêu nước, yêu con người và sống thích ứng. Trong xã hội ta hiện nay có rất nhiều người có tinh thần doanh nghiệp. Trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhưng cốt lõi tố chất và nhân cách của người có tinh thần doanh nghiệp cơ bản là giống nhau. Họ là những người đầu óc kinh doanh, bước đầu thực hiện được khát vọng làm giàu và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Họ là những người thẫm đẫm giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Thanh long là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tinh thần doanh nghiệp của NDVN từ khi đổi mới đến nay

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21/02/2013, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ V khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Kết luận số 97-KL/TW, ngày 09/5/2014, của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VII khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Kết luận số 54-KL/TW, ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Luật Hợp tác xã và các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể… đã thể hiện quan điểm của Đảng ta đối với sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Thực tiễn 35 năm đổi mới đã chứng minh đường lối đúng dắn của Đảng ta về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước. 

Những thành tựu to lớn của nông nghiệp, nông thôn trong 35 năm đổi mới có thể khái quát như sau:

Một là, nông nghiệp phát triển với nhịp độ khá cao, ổn định trong một thời gian khá dài theo hướng hiện đại, bền vững, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh. 

Hai là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương.

Ba là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng; ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến tích cực.

Bốn là, công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn. Đời sống nông dân và bộ mặt kinh tế nông thôn có những đổi thay rõ rệt. 

Năm là, nền văn hóa nông nghiệp sản xuất lớn dần được hình thành và bước đầu phát triển; xuất hiện thế hệ những người nông dân mới mang trong mình tinh thần doanh nghiệp, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đổi mới, vươn lên làm chủ thể thực sự của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.

Việc xuất hiện thế hệ những người nông dân mới mang trong mình tinh thần doanh nghiệp, đại diện cho nền văn hóa nông nghiệp sản xuất lớn là thành tựu quan trọng nhất của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn trong 35 năm đổi mới. Con người bao giờ cũng là nhân tố quyết định. Người nông dân mới với tinh thần doanh nghiệp là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn ở nước ta. 

Thế hệ những người nông dân mới mang trong mình tinh thần doanh nghiệp xuất hiện trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đây là thành quả có ý nghĩa chính trị - kinh tế - xã hội sâu sắc và có sức lan tỏa rộng lớn, thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần doanh nghiệp, bản lĩnh và năng lực sản xuất, kinh doanh của người nông dân được hình thành, củng cố và phát triển trong quá trình hoạt động, từ đó góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân, dám thay đổi cái cũ và tiếp nhận cái mới; chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại; từ coi trọng năng suất sang coi trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Những tấm gương điển hình của những người nông dân Việt Nam mới có sức lan tỏa rộng lớn, khích lệ, động viên, cổ vũ nông dân cả nước thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phấn đấu vươn lên làm giàu cho bản thân, cho xã hội, đồng thời đoàn kết, hỗ trợ tư vấn, chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm, kỹ thuật… giúp nhau cùng làm giàu, giúp đỡ các hộ còn khó khăn vươn lên thoát nghèo. Theo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hội Nông dân Việt Nam cho thấy “bình quân hàng năm, có hơn 6,2 triệu hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, gần 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu”(2). Từ thực tiễn hoạt động sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, “đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi; nông dân sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao”(3)

Ngày 13/10/2020, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 -14/10/2020), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương tổ chức Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020. Kết quả bình chọn 63 nông dân tiêu biểu, trong đó có 53 nam, 8 nữ; có 7 người là đồng bào dân tộc thiểu số; có 2 người cao tuổi nhất, đều sinh năm 1950 là ông Huỳnh Văn Bé (tỉnh Đồng Tháp) và ông Trần Ngọc Hòa (tỉnh Lâm Đồng); người trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Ngọc Thạch, sinh năm 1987 (tỉnh Lạng Sơn). Họ đã mang đến bức tranh toàn cảnh về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam với nhiều mô hình của các nông dân xuất sắc cho thu nhập cao, với lợi nhuận thấp nhất cũng đạt từ 500 triệu đồng/năm trở lên, đa số các nông dân đều có lợi nhuận từ 1 tỷ đồng mỗi năm trở lên. Điển hình như mô hình trồng nấm công nghệ Hàn Quốc của anh Triệu Quang Trung ở xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội với doanh thu 33 tỷ đồng/năm; ông Phan Khắc Nhật Tiến sinh năm 1976, ở phường 5, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, có mô hình nuôi tôm, cá trên diện tích 30ha, đạt sản lượng 300 tấn/năm, thu về lợi nhuận 10 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Hữu Tá sinh năm 1972, trú tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như cá giống, cá thịt, thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản  đạt tổng thu nhập 35 tỷ đồng/năm; ông Phạm Văn Lượng ở Hồng Phong, An Dương (TP. Hải Phòng) với mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học có liên kết với nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố đạt doanh thu 110 tỷ đồng/năm (5).

 Đây là năm thứ 8 liên tiếp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” nhằm cổ vũ những tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, có sáng kiến, cống hiến trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Những nông dân đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” hằng năm là đại biểu cho thế hệ nông dân Việt Nam mới, mang trong mình “Tinh thần doanh nghiệp”, có trách nhiệm, ý nghĩ, tình cảm sâu sắc đối với công việc kinh doanh, có ý chí ham muốn thành công, định hướng cho khát vọng cháy bỏng trong làm giàu, tính bền bỉ, kiến trì với ý tưởng sáng tạo, kiên quyết, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận mạo hiểm. Họ cũng là hiện thân của nền văn hóa sản xuất lớn đã, đang và sẽ phát triển để dần thay thế những hạn chế văn hóa sản xuất nhỏ (văn hóa tiểu nông). Họ cũng là hiện thân của thế hệ con người Việt Nam mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Công nhân của  Công ty Cổ phần Long Đỉnh (tỉnh Lâm Đồng) thu hái chè . Ảnh: H.S

Khơi dậy và phát huy tinh thần doanh nghiệp của NDVN 

Quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn sau 35 năm đổi mới đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết để khơi dậy và phát huy tinh thần doanh nghiệp của nông dân Việt Nam hiện nay như sau:

Một là, quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là trong giai đoạn nước ta chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008, đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn hạn chế. Nông thôn phát triển chưa đồng đều, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị yếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm so với yêu cầu đặt ra. Trình độ khoa học và công nghệ của nông nghiệp nước ta còn thấp, nhất là so với các nước tiên tiến trong khu vực. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiệu quả chưa cao. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân và dân cư nông thôn còn thấp, bấp bênh, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; xây dựng đời sống văn hóa, xã hội nông thôn còn nhiều hạn chế, tồn tại nhiều vấn đề bức xúc; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp, ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng.

Hai là, người nông dân bước đầu đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình nên tích cực tham gia vào quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đa số nông dân nước ta vẫn là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội, tích lũy thấp và phân hóa giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Nông dân chưa được hưởng lợi tương xứng với những công sức lao động cũng như những chính sách mà Đảng và Nhà nước đề ra; còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống; nông dân thiếu và khó tiếp cận vốn, thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và thị trường để đầu tư phục vụ sản xuất hàng hóa tập trung; sản xuất còn phân tán, manh mún, quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, hiệu quả thấp, mang tính tự phát, chưa có sự phối hợp, hướng dẫn chung về định hướng và quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại sản phẩm. Trình độ sản xuất, quản lý của người nông dân chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu của sản xuất hàng hóa. Trong quan hệ sản xuất, người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế, hầu như không được đưa ra các quyết định trong chuỗi sản xuất và quản lý xã hội nông thôn; việc liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản còn rời rạc, chưa chặt chẽ; nông dân không tự quyết định được giá bán nông sản của mình mà do thương lái quyết định nên thường bị ép giá. Sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức gay gắt do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nên tâm trạng nông dân vẫn còn nhiều băn khoăn, bức xúc dẫn tới hiện tượng nông dân bỏ hoang ruộng đất ở nhiều tỉnh, thành phố.

Ba là, đào tạo nghề cho người nông dân nhằm góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập. Trong quá trình đào tạo nghề, người nông dân được trang bị kiến thức về sản xuất, kinh doanh, kiến thức về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thị trường, hội nhập... Đó là những tri thức quan trọng giúp khơi dậy và phát huy tinh thần doanh nghiệp của người nông dân, từng bước cải tiến phương thức sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại để từ đó thay đổi vị thế chính trị - xã hội của mình. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho người nông dân vẫn còn hạn chế, bất cập. Cụ thể: 1) Đào tạo nghề cho nông dân chưa thiết thực, hiệu quả bởi công tác đào tạo nghề cho nông dân còn chưa gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa bám sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh để đạt được hiệu quả thiết thực, chưa gắn với nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và của xã hội; 2) Đào tạo nghề cho nông dân chưa áp dụng các phương pháp giảng dạy hợp lý, linh hoạt gắn với trình độ và đặc điểm của lao động địa phương. Nội dung đào tạo nghề còn nặng về lý thuyết và các kiến thức sách vở mà chưa gắn lý thuyết với thực hành, sử dụng các giáo cụ trực quan sao cho dễ nắm bắt, dễ vận dụng; 3) Việc ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào quá trình đào tạo nghề cho nông dân còn hạn chế, vì vậy không tạo động lực để nông dân tích cực tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; 4) Đào tạo nghề cho nông dân chưa gắn liền với công tác định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nên nhiều lao động đã qua đào tạo vẫn không có việc làm, hoặc làm việc trái với ngành nghề được đào tạo. 

Bốn là, những năm gần đây, nông thôn Việt Nam đang có nhiều biến đổi mạnh mẽ do trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn. Những vấn đề xã hội đã xuất hiện như: 1) Thiếu việc làm cho người lao động. Mặc dù sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã đem lại sự đa dạng hoá việc làm, nguồn thu cho người lao động, nhưng tình trạng người lao động thiếu việc làm lại là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các vùng nông thôn. Do không đủ việc làm, phần lớn thanh niên đến độ tuổi lao động đều đi ra ngoài kiếm sống, tình trạng ly nông kéo theo ly hương, cơ cấu dân số mất cân đối nghiêm trọng. Trong khi đó, việc triển khai đào tạo nghề cho người lao động còn chậm, chưa phù hợp với đối tượng lao động ở nông thôn, nên kém hiệu quả. Việc đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động ở nông thôn cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Thiếu việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến thu thập thấp, không ổn định; 2) Tệ nạn xã hội gia tăng là do thiếu việc làm, thanh niên buộc phải ra ngoài làm ăn, tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, ra thành thị tìm việc làm, kiếm vốn làm ăn lâu dài. Xa nhà, tự do, lại ở trong môi trường xã hội đầy rẫy cám dỗ, tệ nạn xã hội. Thiếu việc làm nên “nhàn cư vi bất thiện”. Công việc đồng áng bây giờ không còn là nỗi vất vả của nhà nông. Thời gian nhàn rỗi sinh ra cờ bạc, rượu chè, rồi cũng thành thói quen khó sửa của nhiều người. Do phát triển kinh tế thị trường, sự giao lưu kinh tế, văn hoá giữa nông thôn và thành thị diễn ra mạnh mẽ. Sự giao lưu này kéo theo sự du nhập những tệ nạn xã hội; 3) Những giá trị của văn hoá làng xã ngày càng mờ nhạt, đô thị hoá càng nhanh thì văn hoá làng quê cũng càng nhanh biến mất khỏi đời sống người dân. Điều này gần như trở thành vấn đề mang tính quy luật trong quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn; 4) Ô nhiễm môi trường sống nông thôn, bao gồm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí và ô nhiễm môi trường văn hoá, xã hội ngày càng gay gắt, trong khi ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mình còn rất hạn chế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống bền vững của người dân nói riêng mà còn ảnh hưởng đến chất lượng phát triển kinh tế - xã hội nói chung; 5) Xuất hiện mâu thuẫn giữa người dân địa phương với các nhà đầu tư trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài, người dân ngăn cản các nhà đầu tư, tố cáo về bồi thường giải phóng mặt bằng có xu hướng gia tăng. Mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với nhân dân, giữa các nhà đầu tư với nhân dân… đã cản trở nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án và cũng gây tâm lý bất bình đối với người dân.

Năm là, vai trò của một số cấp trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam trong việc khơi dậy và phát huy tinh thần doanh nghiệp của nông dân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho nông dân có nơi chưa đi vào chiều sâu, chưa làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên, vẫn còn một bộ phận nông dân trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực thi đua sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của địa phương mình để phát triển sản xuất, xóa bỏ đói nghèo, vươn lên làm giàu. Hoạt động hỗ trợ người nông dân khởi nghiệp còn bất cập, chưa giúp nông dân hoàn thiện những ý tưởng kinh doanh mới và tìm kiếm cơ hội đầu tư, từ đó ươm mầm thế hệ doanh nhân nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập còn nhiều khó khăn. Việc hình thành các doanh nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại... từ các chủ thể là nông dân đều đơn lẻ, tự phát, hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa có sự liên kết để nhân lên sức mạnh, mở rộng quy mô và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Việc xây dựng và tổ chức nhân rộng mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi còn thiếu nguồn lực. Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi quy mô còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát; trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và quản lý còn yếu; chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường; chưa thể hiện rõ nét vai trò liên kết giúp nhau trong sản xuất và đời sống…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn đã làm biến đổi sâu sắc nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó sản sinh ra người nông dân mới có tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ. Với tinh thần doanh nghiệp, người nông dân sẽ là lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; lực lượng chính trị - xã hội vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trình độ và năng lực làm chủ quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn; lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn; được hưởng thụ xứng đáng với những công sức của mình và những đóng góp đối với đất nước. 

Theo Thông cáo báo chí về kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 Tổng cục Thống kê cho thấy những số liệu đáng mừng về tinh thần doanh nghiệp của nông dân Việt Nam, đã biến họ từ người nông dân nông nghiệp thành doanh nhân nông nghiệp: “1) Cơ sở sản xuất công nghiệp: 5.771 xã có hộ/cơ sở chuyên chế biến nông, lâm, thủy sản, chiếm 69,56% tổng số xã khu vực nông thôn; 2) Doanh nghiệp khu vực nông thôn: 2.869 xã có doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 34,58% tổng số xã khu vực nông thôn; 3) Làng nghề: 1.011 xã và 2.436 thôn có làng nghề, chiếm 12,19% tổng số xã và 3,68% tổng số thôn khu vực nông thôn; 4) Trang trại: có 20.611 trang trại, bao gồm: 5.910 trang trại trồng trọt, chiếm 28,67% tổng số trang trại; 11.688 trang trại chăn nuôi, chiếm 56,71%; 2.782 trang trại nuôi trồng thủy sản, chiếm 13,50%; 139 trang trại lâm nghiệp, chiếm 0,67% và 53 trang trại tổng hợp, chiếm 0,26%; 5) Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong đó có việc sử dụng ngày càng phổ biến nhà kính, nhà lưới, nhà màng: 56,01 nghìn hecta, gấp 13,70 lần năm 2016”(4).

Tài liệu tham khảo:
(1) Trần Quốc Dân: Tinh thần doanh nghiệp giá trị định hướng của văn hóa kinh doanh Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.37.
(2), (3) Hội Nông dân Việt Nam: Báo cáo số 424-BC/HNDTW ngày 30/7/2021 của Hội Nông dân Việt Nam về Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
(4) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn giữa kỳ năm 2020.
(5) Trang web: http://dangcongsan.vn