Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Tôi cảnh giới tại Bắc Bộ phủ ngày 19/8”

07:02 19/08/2021 GMT+7

Năm nay đã 92 tuổi nhưng Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa vẫn nhớ như in những ngày tham gia cướp chính quyền19/8 tại Bắc Bộ phủ và Lễ Quốc khánh 2/9/1945 là những ngày không bao giờ quên được.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa – Nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Ông xúc động kể với chúng tôi: Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hữu Hòa, tổng Thanh Trì, Hà Đông. Bố tôi là một nông dân nghèo, mẹ tôi buôn bán nhỏ. Khoảng tháng 2 năm 1945, một người anh giới thiệu tôi vào học tại Trường Kỹ nghệ Đông Dương. Trường Kỹ nghệ Đông Dương lúc đó có 2 hệ: Sơ cấp và trung cấp. Tôi xin được vào học hệ sơ cấp. Ngày đó Trường Kỹ nghệ Đông Dương là nơi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ trong sinh viên. Rất nhiều học sinh ở đây đã tham gia vào hoạt động bí mật từ rất sớm. Sống trong một cái nôi cách mạng như vậy, tất nhiên tôi cũng được giác ngộ do ảnh hưởng từ anh tôi và một sinh viên năm trên là đồng chí Trần Vỹ (sau là Chủ tịch thành phố Hà Nội).

Không khí Hà Nội nóng từng ngày. Tháng 8/1945 báo trước những cuộc biến động long trời lở đất. Anh em chúng tôi cũng hội họp chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh cấp trên. Tuy chưa có vũ khí nhưng ai cũng hăng hái. Ngày 16/8, một cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra tại Hà Nội. Danh nghĩa là do Hội Viên chức Việt Nam tổ chức. Nhưng bất ngờ khi cuộc mít tinh diễn ra nửa chừng bỗng một người phụ nữ vụt lên phía trước rồi rút ra một lá cờ đỏ sao vàng. Rồi tiếp tục nhiều lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện liên tiếp trong đoàn biểu tình. Thế là cuộc mít tinh này biến thành cuộc diễu hành của Việt Minh. Chúng tôi xuất phát từ Nhà hát lớn đi qua hồ Hoàn Kiếm, rồi Hàng Đào, Hàng Bông. Một dòng thác cờ cuồn cuộn. Ngày hôm sau, 17/8 rất nhiều dân quân ở ngoại ô kéo về Hà Nội. Nhiều thanh niên cầm loa , cờ đỏ sao vàng đi tuyên truyền khắp phố phường, kêu gọi nhân dân nhất tề vùng lên giành chính quyền. Một không khí náo nức chưa từng thấy tràn ngập phố phường. Quân Nhật im lặng án binh bất động.

Ngày 19/8 lịch sử đã đến. Từ sáng sớm chúng tôi tập trung tại Nhà hát lớn, một số anh em có trang bị vũ khí thô sơ như dao, mác, gậy gộc… Cuộc mít tinh được nửa chừng thì biến thành tuần hành. Đoàn biểu tình tiến tới Bắc Bộ phủ, nơi đây lúc này có một trung đội lính khố xanh. Cửa không chịu mở, anh em quyết định trèo qua tường vào. Anh Trần Vỹ bảo tôi: “Cậu đứng đây cảnh giới để mọi người trèo vào”. Tôi đứng quay người lại cánh cổng sắt và nhìn ra phía ngoài để cảnh giới cho anh em. Một đội viên ở đâu chạy đến nói: “Cậu cúi vai xuống để tôi dẫm nhờ lên”. Tôi hơi cúi vai xuống và anh ta dẫm lên để trèo vào trong. Thấy vậy, mấy đồng chí khác cũng chạy tới dẫm nhờ lên vai của tôi, cũng khá đau!. Lát sau cánh cổng được mở. Mọi người tràn vào và tịch thu vũ khí của đội lính khố xanh, thu được mấy chục khẩu súng trường Mutcôtong. Tiếp đó chúng tôi lại đi xuống Bảo An Binh. Đó là trung tâm của lính khố xanh. Ở đây thường có một tiểu đoàn đóng. Tại trại Bảo An Binh sau một hồi đàm phán, Chánh quản Việt Nam ra đầu hàng và chuyển giao vũ khí. Tiếp đó đoàn đi sang Tòa đốc lý (nay là UBND TP. Hà Nội), rồi Phủ toàn quyền. Cuối ngày 19/8 thì hầu như mọi cơ quan công quyền đều được chuyển giao cho cách mạng.

Sau những ngày lịch sử đó, tôi chuyển sang làm tự vệ của khu vực Đông Kinh nghĩa thục (Khu phố cổ Hà Nội hiện nay), được phát 1 khẩu súng trường Mutcôtong và 5 viên đạn. Rồi tôi chính thức trở thành vệ quốc đoàn của Tiểu đoàn 523 thuộc tỉnh đội Hà Đông. Tiểu đoàn trưởng là ông An Giao. Ở đây tôi gặp đồng chí Lê Trọng Tấn mà sau này là vị tướng nổi tiếng trong quân đội ta. Anh Tấn lúc đó là Tiểu đoàn trưởng.

Ngày 2/9/1945, chúng tôi dậy từ sớm ăn mặc quân phục với vũ khí cầm tay có mặt ở quảng trường từ 5h. Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ làm tiêu binh tại Quảng trường Ba Đình. Tôi không thể quên được giây phút nhìn thấy Hồ Chủ tịch trên lễ đài. Sau bao nhiêu năm tháng là nô lệ, cuối cùng dân tộc ta đã lấy lại tên mình trên bản đồ thế giới kể từ ngày hôm nay. Lời của Bác vang lên thấm vào lòng chúng tôi từng câu từng chữ. Nhiều năm sau mặc dù đã đi qua hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ, lăn lộn khắp các chiến trường nhưng tôi vẫn nhớ như in giây phút của ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945.

Thiên Việt (ghi)