Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tôm Việt trước sức ép giảm giá mạnh từ sản lượng tăng

15:54 28/12/2018 GMT+7

Tháng 11/2018, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang các thị trường lớn đều giảm mạnh như EU (-36,6%), Trung Quốc (-25,7%), Hàn Quốc (-20,7%), Mỹ (-2,8%), chỉ riêng thị trường Nhật Bản tăng 11%. VASEP dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2018 sẽ đạt khoảng gần 3,8 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với năm 2017.

Sản lượng tăng, nhu cầu thấp

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), XK tôm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái là do giá tôm trong nước và thế giới giảm, nhu cầu nhập khẩu thấp từ các thị trường chính. Hơn nữa, nguồn cung từ các nước gia tăng, tôm tồn kho tại Mỹ cao, nên tôm Việt Nam không thể xuất mạnh sang thị trường này mặc dù đơn hàng còn nhiều.

Được biết, dù biến động về giá và chi phí sản xuất cao nhưng sản lượng tôm toàn cầu vẫn tăng khoảng 5,7% mỗi năm. Theo dự báo, các vùng sản xuất tôm chính của thế giới là Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi có sản lượng sẽ tăng từ 6-19,4% đến năm 2020 so với năm 2015.

Trung Quốc siết chặt kiểm soát XK tiểu ngạch ở khu vực biên giới, nên các mặt hàng tôm của Ấn Độ, Ecuador đưa vào Việt Nam và xuất qua đường tiểu ngạch bị chững lại. Điều này làm cho lượng tôm tồn kho của các nước này tăng, và họ chuyển hướng đẩy mạnh bán vào các thị trường khác, dẫn đến nguồn cung tăng lên.

Các nước đều gia tăng sản lượng tôm dẫn đến áp lực làm giảm giá.

Ông Kumar Yellanki -Chủ tịch Hiệp hội nuôi trồng thủy sản Ấn Độ, cho biết: Nước này dự kiến vượt Trung Quốc để giành vị trí dẫn đầu về nuôi tôm năm 2019-2020. Riêng năm 2018, sản lượng tôm của Ấn Độ đã vào khoảng 650.000 tấn, tăng 20% so với năm 2017.

Sản lượng tôm ở Ecuador trong năm nay tăng trên 10%, và sản lượng tôm ở Việt Nam cũng tương tự như vậy. Chính vì nguồn cung tăng, nhu cầu tuy cũng tăng nhưng tăng ít hơn khiến cho giá tôm giảm.

Về đối tượng nuôi, tôm thẻ chân trắng sẽ chiếm khoảng 77% tổng sản lượng, tôm sú và tôm càng xanh chiếm phần còn lại. Đáng chú ý, nhu cầu ở thị trường Mỹ chủ yếu là tôm cỡ lớn, trong khi hầu hết các nước vẫn sản xuất tôm cỡ nhỏ.

Xuất khẩu tôm Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi

VASEP cho biết, tháng 11/2018, XK tôm Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi, tiếp tục giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 304,3 triệu USD.

Theo biểu đồ giá tôm tại Mỹ của trang tin Urner Barry (UB), trong tuần thứ 3 của tháng 11/2018, chỉ số giá tôm nuôi tại thị trường này đạt mức thấp nhất trong 3 năm qua.

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,8% tổng XK tôm của Việt Nam đi các thị trường. Hai quý đầu năm 2018, XK tôm Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh trong bối cảnh XK tôm sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sụt giảm.

Tuy nhiên bước sang quý III, XK tôm sang thị trường này bắt đầu sụt giảm. Tháng 11 năm nay, XK tôm sang EU giảm mạnh 36,3% với giá trị XK sang 3 thị trường lớn nhất trong khối đều giảm ở mức 2 con số.

Do vậy, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU tính tới tháng 11 năm nay giảm nhẹ 0,1%, đạt 779,7 triệu USD. Anh, Hà Lan và Đức là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm của Việt Nam trong khối EU. Tính tới tháng 11 năm nay, XK tôm sang Anh và Đức tăng lần lượt 15,3% và 10,8% trong khi XK sang Hà Lan giảm 8,9%.

Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 18,1% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam đi các thị trường. Sau khi XK tôm Việt Nam sang Mỹ giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 7/2018, XK sang thị trường này đã phục hồi tăng trưởng dương trong 3 tháng 8, 9 và 10/2018. Tuy nhiên, XK tôm sang Mỹ trong tháng 11 lại giảm nhẹ 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

XK tôm Việt Nam sang Mỹ tính tới tháng 11 năm nay đạt 593,7 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp tôm của Việt Nam đẩy mạnh XK vào thị trường này, do Mỹ có thể áp thuế 25% đối với tôm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hải Vân