Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trở thành nông dân giỏi từ nghề trồng, chế biến và kinh doanh chè hữu cơ

Bùi Ánh - 11:12 12/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhắc đến chế biến chè trên vùng đất Thanh Chương và các vùng phụ cận không ai không biết đến cái tên xưởng chế biến chè Đường Thích. Bởi cái tên này đã góp phần rất lớn trong việc tiêu thụ nguyên liệu cho bà con trồng chè cũng như giải quyết việc làm cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Thanh Mai (Thanh Chương, Nghệ An).

Chủ cơ sở chế biến này là ông Nguyễn Văn Đường (SN 1975) ở xóm Trường Sơn, xã Thanh Mai. Ông chính là một trong những người đi tiên phong trong việc thu mua chè về chế biến thành phẩm và đem nhập cho cánh thương lái với thị trường rộng lớn như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Đường - Nông dân tiêu biểu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 -2022. Ảnh: Thanh Lê

Thanh Chương vốn là mảnh đất phần lớn là đồi núi, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với giống cây vốn không dày công chăm sóc nên việc lựa chọn cây chè làm mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp là hướng đi thích hợp được người dân cũng như ngành chuyên môn lựa chọn. Hiện nay, huyện Thanh Chương đã có hơn 4.500 ha diện tích trồng chè và việc thu mua nguyên liệu của xưởng chè Đường Thích mà nhiều diện tích chè trên địa bàn được tiêu thụ một cách ổn định, xưởng chè của ông cũng đã liên kết, liên doanh với các đối tác của nước ngoài để tiêu thụ chè cho bà con

Qua trao đổi, ông Đường cho biết: “Bản thân tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Thanh Chương, gắn bó bao đời nay nên nhận thấy cây chè rất phù hợp và cho thu nhập hiệu quả ở vùng mình. Hơn nữa, trước đó gia đình cũng có truyền thống trồng chè nên kinh nghiệm để chăm sóc chè dày dặn lên, từ đó, tôi cũng như gia đình đã theo đuổi nghề này để ổn định, phát triển lâu dài. Đột biến nhất trong con đường lập nghiệp là bắt đầu từ năm 2003, tôi cùng gia đình quyết định xây dựng nhà xưởng chế biến chè mi ni và lấy tên xưởng chè Đường Thích làm tên gọi. Sau 4 năm hoạt động, do nhu cầu thị trường ngày một tăng nên tiếp tục nâng cấp và mở rộng xưởng lớn hơn”.

Hoạt động chế biến của xưởng chè đã tạo đầu ra ổn định cho bà con trồng chè. Ảnh: Bùi Ánh

Hiện tại, xưởng chế biến chè của ông ngoài phục vụ 46 ha chè trồng của hợp tác xã còn thu mua nguyên liệu ở các xã Thanh Mai, Thanh Hà, Thanh Tùng, Thanh Xuân,...và ở một số xã ngoài huyện. Đạt sản lượng sản xuất 45 tấn chè búp tươi/ngày, tổng doanh thu từ chế biến chè dao động 16 đến 22 tỷ đồng/năm.

Nhờ có chính kiến trong làm ăn và kinh nghiệm tích lũy được mà xưởng chè ngày một phát triển, không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, giúp bà con ổn định nguyên liệu đầu ra trong sản xuất nông nghiệp mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 30 lao động thời vụ với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng

 Ngoài hoạt động kinh doanh, ông còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, hàng năm kèm cặp, giúp đỡ từ 2-3 hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhiều việc làm có ý nghĩa của ông mà nay được mọi người tin tưởng bầu ông làm tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp trồng và chế biến chè.

Thời gian tới, nhà xưởng sẽ được nâng cấp và mở rộng nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng từ thị trường các nước Trung Đông. Ảnh: Bùi Ánh

Dù những ngày đầu trồng và chế biến chè còn gặp nhiều khó khăn về trình độ quản lý, vật tư, tư vấn chăm sóc cây chè khi mà người dân chưa hiểu được hết về môi trường trồng chè cũng như chất lượng chè đầu nguồn cần phải sạch, đảm bảo để qua chế biến sản phẩm đạt yêu cầu của chủ tiêu thụ. Để uy tín của xưởng ngày một được ghi nhận, sau khi tiến hành xây dựng xưởng và thu mua nguyên liệu, ông bắt đầu tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ bà con trồng chè như: truyền đạt những kiến thức mà mình học hỏi được cũng như kinh nghiệm lâu nay cho bà con, hỗ trợ phân, giống, thuốc cho những hộ gia đình có nguyên liệu nhập cho xưởng.

Sau thời gian xây dựng và trưởng thành đến nay, sản phẩm của xưởng chè Đường Thích đã có mặt trong và ngoài nước. Hiện tại, thị trường xuất khẩu chè chủ yếu là các nước Trung Đông và một ít xuất sang Đài Loan. Bình quân mỗi năm xuất khoảng 700 đến 800 tấn chè thô.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tham quan xưởng chè ông Nguyễn Văn Đường. Ảnh: Bùi Ánh

“Thời gian tới tôi dự kiến tiếp tục mở rộng, nâng cấp xưởng và để thuận lợi hơn, bản thân tôi rất mong muốn được cấp trên tạo điều kiện ủng hộ kiến thức nhằm giúp người dân hiểu biết hơn về chất lượng cây chè, về môi trường và cách chăm sóc cho tốt cốt để làm sao cây chè đạt chất lượng ngay tại nguồn. Hiện tại xưởng đã hơn 7000m2, bây giờ muốn mở rộng thêm khoảng 2000m2 nhưng còn vướng thủ tục đất đai, nguồn vốn đề đầu tư cũng hạn chế nên rất mong muốn sớm được giải quyết cho ổn để sử dụng đất đó vay vốn đầu tư”, ông Đường cho biết thêm.

Một trong những thế mạnh mà cây chè mang lại cho bà con trồng chè, nhờ những đồi chè đẹp, bắt mắt mà nay trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch tham quan mỗi năm. Cũng từ đây, cây chè không chỉ cho thu nhập từ chính sản phẩm chăm sóc chờ đến kỳ thu hoạch mà còn là điểm trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Nhờ đó, nông dân trồng chè thu lợi “kép” và hướng đến nông nghiệp sinh thái bền vững.

Qua trao đổi, ông Hà Quang Thắng – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: “Ông Nguyễn Văn Đường được nhiều người biết đến từ những  hoạt động vì người nghèo trên địa bàn của ông. Nhờ có tư duy trong phát triển sản xuất nông nghiệp mà nay ông Đường trở thành một trong những nông dân tiêu biểu của tỉnh Nghệ An. Hiện nay, xưởng của ông Đường đã giải quyết việc làm cũng như tạo đầu ra ổn định cho hàng trăm hộ dân trồng chè trên xã Thanh Mai và các xã, huyện phụ cận. Cũng nhờ đó mà cuộc sống của người dân dần khấm khá hơn, kinh tế xã hội ngày một phát triển góp phần giữ vững, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn”.