Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

'Trung Quốc rất coi trọng và chào đón chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội'

07:20 07/04/2024 GMT+7
Theo Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Nhận lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 7 đến ngày 12/4/2024.

ttxvn_dai_su_trung_quoc_tra_loi_phong_van_bao_chi_viet_nam_0604.jpeg
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam. (Ảnh: Việt Đức/TTXVN) 

Nhân dịp này, phóng viên đã thực hiện phỏng vấn Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba về những nội dung liên quan đến chuyến thăm.

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong vài ngày tới. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ hai nước?

Đại sứ Hùng Ba: Chuyến thăm này là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Trung Quốc rất coi trọng và nồng nhiệt chào đón chuyến thăm. 

Chuyến thăm là sự tương tác quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng và hai nước nhằm duy trì, tăng cường trao đổi chiến lược, với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đẩy nhanh việc thực hiện hàng loạt nhận thức chung quan trọng đã đạt được giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, đặc biệt là những nhận thức chung quan trọng đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái. Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được hàng loạt nhận thức chung quan trọng mới, trong đó quan trọng nhất là duy trì trao đổi cấp cao giữa hai Đảng. Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chính là một hành động cụ thể nhằm duy trì trao đổi cấp cao.

Đồng thời, đây cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi hai bên tuyên bố xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Bên cạnh đó, đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của các cơ quan lập pháp của hai nước sau khi hai bên tuyên bố xây dựng cộng đồng Việt Nam-Trung Quốc cùng chia sẻ tương lai; điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước và tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý đất nước, thúc đẩy hợp tác then chốt trên nhiều lĩnh vực, làm sâu sắc thêm sự trao đổi giữa các cơ quan lập pháp của hai nước.

Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ ký thỏa thuận hợp tác mới giữa các cơ quan lập pháp của hai nước và thiết lập cơ chế đối thoại cấp cao mới giữa các cơ quan lập pháp. Nhìn chung, chuyến thăm này có ý nghĩa rất quan trọng và chúng tôi kỳ vọng rằng chuyến thăm sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp.

- Theo Đại sứ, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển chung của quan hệ hai nước thời gian qua?

Đại sứ Hùng Ba: Giao lưu giữa các cơ quan lập pháp của hai nước là một bộ phận cấu thành quan trọng trong mối quan hệ giữa hai Đảng và hai nước. Trong quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước, các cơ quan lập pháp của hai nước duy trì trao đổi mật thiết.

ttxvn_chu_tich_quoc_hoi_vuong_dinh_hue_bat_dau_tham_Trung_quoc_07_5.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 

Vào tháng 3 năm ngoái, sau khi bầu Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIV, Ủy viên trưởng Triệu Lạc Tế đã có cuộc gặp trực tuyến lần đầu tiên với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị Ủy viên trưởng Nhân đại. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng là sự tiếp nối những trao đổi mật thiết giữa cơ quan lập pháp hai nước.

- Đại sứ có đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của quan hệ hai nước trong thời gian tới?

Đại sứ Hùng Ba: Trước hết, giống như bất kỳ mối quan hệ song phương nào, quan hệ Trung Quốc-Việt Nam cùng tồn tại cơ hội và thách thức, không thể chỉ có cơ hội mà không có thách thức. Tôi nghĩ đặc điểm nổi bật nhất của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam là cơ hội vượt xa thách thức và thông qua nỗ lực của cả hai bên, một số thách thức có thể được quản lý một cách hiệu quả và chuyển hóa thành cơ hội hợp tác trong những điều kiện nhất định.

Nói về cơ hội, cơ hội lớn nhất hay còn gọi là lợi thế cơ bản nhất của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam là cả hai bên đều kiên trì thực hiện chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo cao nhất của hai Đảng và sự dẫn dắt chính trị trong quan hệ giữa hai Đảng đối với quan hệ hai nước.

Cả hai bên đều coi việc duy trì an ninh chính trị, tức là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự an toàn của chế độ xã hội chủ nghĩa là lợi ích chiến lược cơ bản của mình. Hai bên coi trọng việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng Đảng, quản lý nhà nước và xây dựng đất nước, hỗ trợ chương trình nghị sự chính trị lớn của nhau, ủng hộ thực hiện các mục tiêu phát triển trung và dài hạn mà hai Đảng đề ra.

Ngoài ra, tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam được các thế hệ lãnh đạo tiền bối của hai Đảng, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân xây dựng và dày công vun đắp là tài sản quý báu của hai bên, góp phần giúp hai bên không ngừng tăng cường hợp tác, và trở thành sức mạnh tinh thần mạnh mẽ để chúng ta cùng nhau thúc đẩy sự nghiệp phát triển.

Trung Quốc và Việt Nam là đối tác kinh tế, thương mại vô cùng quan trọng của nhau. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi năm vừa qua Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc. Hai bên có mối liên hệ kinh tế, thương mại, đầu tư chặt chẽ. Hai nước còn có lợi thế về địa lý núi sông liền một dải, giao thông thuận tiện, văn hóa tương đồng, giao lưu nhân dân gần gũi. Tất cả những yếu tố này đều là những cơ hội lớn để phát triển quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.

Tuy nhiên, hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên vẫn chưa tương xứng với những điều kiện thuận lợi và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Tập Cận Bình năm ngoái, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã đạt được mục tiêu “quản lý và kiểm soát bất đồng tốt hơn.” Trong một chuyến thăm cấp cao, việc đạt được nhận thức chung như vậy là hết sức hiếm có. Điều này cho thấy ý chí, quyết tâm và niềm tin của Trung Quốc và Việt Nam trong việc thẳng thắn nhìn nhận và giải quyết thỏa đáng những bất đồng.

- Hợp tác thương mại, đầu tư luôn là động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai nước. Đại sứ có đánh giá thế nào về thành quả, tiến triển của sự hợp tác thiết thực giữa hai nước?

Đại sứ Hùng Ba: Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước luôn duy trì đà phát triển mạnh mẽ. Trước những biến động và thách thức phức tạp của thế giới, việc duy trì được đà phát triển này là không hề đơn giản. Trong năm qua, trong bối cảnh môi trường bên ngoài phức tạp, phát triển kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam gặp nhiều thách thức nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 5%, đây là thành tích rất đáng ghi nhận.

Trong khi đó, thương mại song phương không bị sụt giảm quá mức. Theo thống kê của Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 229,8 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 4,8%.

ttxvn_xuat_khau_trung-quoc_0604.jpg
Xe chở quả vải tươi chờ làm thủ tục tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN) 

Tôi muốn nhấn mạnh là mặc dù xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là rau quả chiếm tỷ trọng không lớn nhưng rất quan trọng trong thương mại song phương, và được các nhà lãnh đạo Việt Nam rất coi trọng. Trung Quốc cũng rất coi trọng việc tăng cường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Trong năm qua, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 139,5%, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 500.000 tấn, với tổng giá trị 2,1 tỷ USD. Chúng tôi tin tưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ này trong năm nay.

Tình hình xuất khẩu trong quý 1 năm nay rất thuận lợi.Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh. Năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 4 về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái, hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về tăng cường hợp tác thực chất, trong đó ưu tiên hàng đầu là đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông.

Cũng trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, Trung Quốc kiên định ủng hộ Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sẵn sàng tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Lãnh đạo của rất nhiều công ty năng lượng và sản xuất điện lớn của Trung Quốc đã sang Việt Nam khảo sát thị trường. 

Việc đẩy nhanh chuyển đổi và nâng cấp năng lượng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam trong các lĩnh vực tư vấn chính sách, dịch vụ kỹ thuật chuyển đổi năng lượng và phát triển điện năng cũng như việc phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng, năng lượng hydro và các nguồn năng lượng mới khác.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Theo TTXVN/Vietnam+