Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

TTCK: Dòng tiền có chảy vào thị trường chứng khoán khi Fed nâng lãi suất

Tú San - 07:19 01/08/2022 GMT+7
Trong ngày 27/7/2022 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành thêm 0,75% lần thứ hai liên tiếp, nâng lãi suất điều hành lên ngưỡng 2,25-2,5%. Đây là kế hoạch thắt chặt tiền tệ nhằm hạ tỷ lệ lạm phát đang tăng cao nhất lịch sử trong 40 năm qua ở Mỹ (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái), và đợt tăng lãi suất này của Fed cũng được xem là manh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2018 ở Mỹ.

Với việc điều chỉnh tăng lãi suất từ Fed, thị trường đang dự báo đây là mức tăng cao nhất và các kỳ tiếp theo mức tăng sẽ giảm dần về 0.5% và 0.25%… nhằm đưa mức lãi suất này lên ngưỡng 3 – 3.5% trong cuối năm 2022 này (và dự báo lên mức 4-5% trong năm 2023 mới kết thúc). Điều này liệu có thúc đẩy dòng tiền của khối ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thờigian tới? Tạp chí Nông Thôn Mới đã có buổi phỏng vấn Ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Funan (FNS) về những dự báo này.

 

Ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Funan (FNS)

Động thái tăng lãi suất của Fed đang ảnh hưởng đến thị trường tài chính (đặc biệt là thị trường châu Á) ra sao?

Ông Trần Đình Khánh: “ Với động thái trên của Fed, các NHTW ở châu Á áp lực buộc phải đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ, nếu không nguy cơ dòng vốn ngoại bị rút mạnh và đồng nội tệ bị giảm mạnh sẽ rất lớn. Với chi phí vốn 3,5 – 4% hay mức huy động bằng tiền USD tăng cao như vậy, buộc dòng tiền rẻ, tiền nóng tại các quốc gia châu Á sẽ có nhu cầu bị rút ra và trở về phương Tây nếu mức lãi suất của họ vẫn muốn duy trì thấp để thúc đẩy kinh tế hay sức ép tỷ giá sẽ gia tăng lên nhanh chóng do sự mạnh lên của đồng USD vì lãi suất tăng này. Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản đồng EUR với mức tăng 0,5%, chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm sau 11 năm”.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang phản ứng lại thông tin này theo hướng nào?

Ông Trần Đình Khánh: “TTCK Việt Nam cũng đã có quý II phản ánh mạnh nhất về tình trạng rút tiền của nước ngoài, dòng tiền từ ngân hàng bị hạn chế vào TTCK. Với tình trạng dòng tiền vào trái phiếu bị siết mạnh làm thị trường giảm mạnh từ vùng 1.500 điểm về vùng dưới 1.140 điểm trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Quy mô dòng vốn của quỹ ETF và quỹ chủ động cũng có dấu hiệu thu hẹp trong tháng 6. Tính chung quý II, dòng vốn ghi nhận rút ròng ở tất cả các tài sản tài chính, từ thị trường cổ phiếu (rút ròng 8 tỷ USD), các quỹ trái phiếu (rút ròng 130,5 tỷ USD) và quỹ tiền tệ (rút ròng 58,1 tỷ USD) (nguồn SSI Research). Và gần đây nhất là thông báo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giữ nguyên mức tăng trưởng tín dụng 2022 là 14% như mức đầu năm đã ra, làm room dòng tiền từ Ngân hàng chảy vào 2 thị trường trên và nền kinh tế nói chung sẽ rất hạn chế trong 6 tháng cuối năm. Việc NHNN Việt Nam cố gắng duy trì chính sách lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ tạo sức ép rất lớn lên tỷ giá VND so với USD, có những lúc giá VND/USD trên thị trường tự do đã tăng lên trên 24.000 VNĐ là 1 dấu hiệu, song song với việc NHNN tiếp tục tăng tần suất bán ngoại tệ để giữ cân bằng tỷ giá”.

Biểu đồ TTCK từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022 với biến động biên độ lớn

Ngân hàng (NH) và bất động sản (BĐS) là 2 kênh hút dòng tiền lớn của TTCK Việt Nam thời gian qua, ông nhận định thế nào về các kênh này?

Ông Trần Đình Khánh: “ Trong 2 quý cuối năm 2022, việc giám sát chặt chẽ mục đích sự dụng vốn, hạn chế cho vay vào BĐS và chứng khoán và chưa tính đến việc lãi suất sẽ tăng dần lên trong nửa cuối năm nay, dòng tiền đáo hạn trái phiếu 67 ngàn tỷ quý III/2022, room tín dụng BĐS và chứng khoán tiếp tục khó sẽ tạo áp lực thanh khoản rất lớn lên hệ thống NH, cũng như khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp vay nợ lớn, đặt biệt là nhóm BĐS. Mặc dù quy mô dư nợ margin trên TTCK đã giảm 70 ngàn tỷ (từ 210 ngàn tỷ về 140 ngàn tỷ), nhưng với nguyên tắc bình thông nhau giữa TTCK, giữa doanh nghiệp BĐS và Ngân hàng thì dòng tiền dự kiến vẫn sẽ rút ra khỏi TTCK để chảy về lại kênh ngân hàng để giảm nợ vay chung cho các doanh nghiệp BĐS. Với bức tranh tiền tệ vĩ mô chung hiện tại, dự báo từ nay đến cuối năm 2022, TTCK sẽ khó có chuyển biến tích cực, dự báo vẫn sẽ tiếp tục tích luỹ và đi ngang trong kênh giá hẹp theo hướng xuống với biến động 100-200 điểm như kênh giá hiện tại (1.150 – 1.300 điểm), dự báo có thể quay về vùng quanh 1.100 điểm trong tháng 8 tới để tìm đáy mới ở các nhịp giảm tiếp theo”.

Tuy nhiên, thị trường tuần qua đã có những phiên tăng điểm tích cực, ông nhận định thế nào về điều này?

Ông Trần Đình Khánh: “ Nhìn ngắn hạn TTCK Việt Nam trong 1-2 tuần tới, thị trường đang phản ánh tăng trở lại sau khi tin lãi suất Fed tăng 0.75 ra, được hiểu là “tin xấu ra xong là tốt”. Tâm lý và sức ép giảm giá trên TTCK đã được phản ánh trước đó và hiện hồi phục ngắn hạn theo tâm lý. Tuy nhiên, với quy mô thanh khoản trên TTCK đã sụt giảm mạnh từ mức 22-25 ngàn tỷ/phiên hồi 2021 đến hiện tại còn quanh 10 ngàn tỷ/phiên, cho thấy TTCK sẽ khó hồi phục xa được, kháng cự theo kỹ thuật gần nhất của TTCK đang lần lượt đang là 1.220 điểm và 1.300 điểm (thuộc vùng kháng cự mạnh). Để đạt mốc 1.500 điểm hay kỳ vọng 1.600 điểm như hồi đầu năm có vẻ đã quá xa với với thực tế thị trường nửa cuối năm 2022 này”.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán ông có chia sẻ thêm gì cho các nhà đầu tư trong giai đoạn sắp tới?

Ông Trần Đình Khánh: “ Với những nhà đầu tư cá nhân tham gia trading giai đoạn này nên đặc biệt chú ý kênh giá hẹp của TTCK đang trong xu hướng xuống sắp tới (với biến động giá 100-150 điểm) để tranh thủ trading sóng ngắn ăn hồi (mua tại kênh giá dưới, khi thị trường hoảng loạn và bán ở kênh giá trên, khi thị trường cao hứng). Các dòng cổ phiếu để lựa chọn nên là các nhóm ngành mang tính dẫn dắt TTCK, được hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô hiện tại và có lợi nhuận tốt trong năm 2022 này. Đơn cử, với tin Fed tăng lãi suất thì nhóm ngành bảo hiểm, ngân hàng sẽ hưởng lợi, cuộc chiến giữa Nga và Ukrainer làm khủng hoảng lương thực và thực phẩm gia tăng, nên nhóm ngành năng lượng, điện, phân bón, thực phẩm, thuỷ sản,… đã và đang tăng giá khá tốt thời gian qua. Tuy nhiên, để chiến thắng được thị trường giai đoạn nửa cuối năm 2022 này, chúng ta nên cần sự kết hợp hài hoà giữa nhóm ngành cổ phiếu tốt đã chọn, kết hợp tốt với việc chọn đúng kênh giá của TTCK đang hướng xuống và đặc biệt là giảm kỳ vọng mỗi đợt tăng giá nên về từ 20-30% sẽ phù hợp hơn với hiện tại, hạn chế tối đa dùng margin (nếu được). Một số cơ hội cổ phiếu mà tôi đang quan sát kênh giá và chờ điểm hành động mua ví dụ như: STB kênh giá 17-23; BID kênh giá 29-37; VCI kênh giá 28-40; DBC kênh giá 18-30, HBC kênh giá 16 – 22”.

Xin cảm ơn ông về nội dung phỏng vấn!

Nhận định về khả năng tác động thị trường khi Fed tăng lãi suất, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết:

“ Theo tôi, khi Fed nâng lãi suất sẽ có tác động lớn đến thị trường tài chính toàn cầu vì các nguyên nhân sau:

·      Thứ nhất khi Fed nâng lãi suất dẫn đến lãi suất của Mỹ sẽ trở nên hấp dẫn nhà đầu tư hơn so với các nước khác. Từ đó, dòng vốn từ Mỹ trước đây đang chảy về các nước khác thì nay dòng vốn quốc tế này sẽ rút khỏi thị trường các nước và quay trở lại  nước Mỹ.

·      Thứ hai, khi Fed nâng lãi suất sẽ làm đồng USD trở nên có giá hơn so với các dòng tiền khác, vì thế khi nhà đầu tư chuyển đổi từ đồng USD sang các đồng tiền khác sẽ tạo nên một khoản lỗ tiềm năng. Từ khi Fed nâng lãi suất chỉ số USD đã tăng hơn 8%. Điều này cho thấy các đồng tiền khác đang mất giá khoảng 8% so với đồng USD. Do đó, các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều có sự chững lại khi đầu tư vào các thị trường khác.

·      Thứ ba, với thị trường Việt Nam hiện nay, áp lực lên tỷ giá là có, tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay VND chỉ mất giá khoản 2% so với USD, mức này không quá lớn. Bên cạnh đó, NHNN cũng đang thực hiện nhiều chỉnh sách để tỷ giá được ổn định hoặc không tăng quá mạnh. Do đó, khoản lỗ tỷ giá trên thị trường ngoại hối của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam không quá lớn. Nên dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang có xu hướng chảy vào Việt Nam, đơn cử như trên TTCK, khối ngoại vẫn mua ròng trên thị trường và FDI vẫn đang vào Việt Nam với tần suất cao”.