Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thị trường Chứng khoán: Nhóm cổ phiếu ngành thuỷ sản, logistic tăng vượt bậc tuần đầu tháng 5

Tú San - 15:52 08/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mặc dù thị trường chỉ giao dịch 3 phiên trong tuần vừa rồi nhưng lại đem đến cho nhà đầu tư nhiều cảm xúc trái chiều khi chỉ số thì tăng giảm đan xen nhau nhưng cổ phiếu đa phần lại đi xuống. Có rất ít cổ phiếu tăng giá trong tuần và tập trung đúng vào các ngành được đánh giá tích cực như Thủy sản, Logistic, Phân bón, Hóa chất.

Cổ phiếu ngành Thuỷ sản đang chiếm lợi thế

Thị trường trải qua một tuần giao dịch khá ngắn do có 2 ngày nghỉ lễ, biến động giá các phiên giao dịch trước và sau kỳ nghỉ nhuốm màu ảm đạm, chỉ số gần như đi ngang với biên độ dao động hẹp. Chỉ đến 2 phiên cuối tuần diễn biến giá mới có phần “kịch tính” trở lại, tuy nhiên thật không may lại theo thiên hướng khá tiêu cực. Nhịp phục hồi kỹ thuật đang có dấu hiệu chững lại. Cổ phiếu các nhóm ngành sau nhịp phục hồi từ đáy ngắn hạn tiếp tục phân hóa mạnh trong các phiên gần đây, nhưng nhìn chung ngành Thủy sản, Logistic và Phân bón vẫn là điểm sáng khi các điều kiện kinh doanh có nhiều thuận lợi. Các cổ phiếu VHC, ANV, HAH, VSC đã phá đỉnh và các cổ phiếu trong ngành đã tăng tiệm cận lại đỉnh cũ như ACL, GMD hoặc chỉ giảm nhẹ so với mặt bằng chung của thị trường như DPM, DCM, DGC, CSV.

Một số cổ phiếu nhóm ngành Thuỷ sản, Phân bón, Logictic đang tăng trưởng mạnh mẽ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới, ông Lê Hoàng Tân – Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Asean nhận định: “ Tôi cho rằng ngành Thủy sản và Logistic sẽ tiếp tục là điểm sáng khi các điều kiện kinh doanh có nhiều thuận lợi, cụ thể: Với ngành Thủy sản, tôi đánh giá cao các doanh nghiệp cá tra khi giá cá nguyên liệu ổn định ở mức cao khoảng 32.000 đồng/kg, xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng 3 con số, tỷ giá thuận lợi. Với ngành Logistic thì chỉ số BDI đang có xu hướng phục hồi và giá cho thuê tàu, phí dịch vụ cảng vẫn neo ở mức cao trong khi lưu lượng hàng hóa lại tăng mạnh nhờ kinh tế phục hồi và tăng trưởng xuất nhập khẩu”.

Cùng nhận định trên, ông Trần Đình Khánh – Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Funan cho biết thêm: “Những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng kinh doanh tốt trong năm nay gần như đều đã lộ diện và có giai đoạn phản ánh vào giá cổ phiếu: Hóa chất, thủy sản, năng lượng, cảng biển - logistics. Riêng nhóm ngành Thuỷ sản, cụ thể là chế biến xuất khẩu đang có những lợi thế tốt với kim ngạch xuất khẩu Quý 1/2022 của ngành tôm tăng 37%, ngành cá tra tăng trưởng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôi cho rằng ngành cá tra sẽ tiếp tục hưởng lợi trong thời gian tới vì các yếu tố như đứt gãy chuỗi cung ứng cá tra gây thiếu hụt nguồn cung, giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... đều phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, giá cá tra trong nước tiếp tục tăng mạnh, hưởng lợi từ thuế suất 0% của các doanh nghiệp đầu ngành cá tra (POR 17). Các cổ phiếu đầu ngành đều có có mức tăng trưởng EPS 4 quý khá ấn tượng VHC (+38%), ANV (+112%), IDI(131%), CMX (74%).”

Bức tranh thị trường vẫn chưa thể sáng sủa

Tuy có những điểm sáng từ một số ít ngành đang tăng trưởng trở lại, nhưng nhìn chung toàn thị trường chứng khoán vẫn nhuốm màu ảm đạm khi nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán đã giảm rất sâu, đặc biệt là các cổ phiếu bất động sản và chứng khoán đã có phiên giảm sàn hàng loạt vào ngày 6.5.2022. Nhận định về bước tiếp theo của thị trường sắp tới, ông Tân cho biết: “Bước sang tuần giao dịch mới, tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục “test” lại ngưỡng hỗ trợ 1.280 – 1.320 điểm trước khi hình thành xu hướng mới. Chúng ta tạm thời chưa nên kỳ vọng thị trường sẽ quay lại đỉnh cũ vì điều đó là hết sức khó khăn. Kịch bản lạc quan hiện nay là thị trường sẽ tích lũy ở vùng hỗ trợ và cổ phiếu sẽ phân hóa. Khi đó cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư sẽ khả thi hơn nếu chọn được các cổ phiếu tốt. Một điều tôi xin lưu ý với anh/chị nhà đầu tư là bức tranh kinh tế vĩ mô hiện nay đã rất khác, mọi thứ không còn thuận lợi như 2 năm qua khi "kỷ nguyên tiền rẻ" khả năng đã chấm dứt. Hàng loạt các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất như Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ… và lãi suất luôn là kẻ thù của thị trường chứng khoán. Ở giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên chú trọng việc cơ cấu danh mục và đánh giá lại các cổ phiếu tiềm năng để khi thị trường phục hồi, cơ hội tăng trưởng cho danh mục sẽ mạnh hơn mặt bằng chung.”

Thị trường vẫn cần một thời gian dài tích luỹ để trở về đỉnh cũ.

Riêng ông Khánh cho rằng: “Vấn đề lớn lớn mà nhà đầu tư trên thị trường quan tâm trong giai đoạn tới xoay quanh việc thanh khoản giảm sút, khối lượng giao dịch sàn HOSE liên tục duy trì ở mức thấp kỷ lục kể từ giai đoạn tháng 8 năm ngoái. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho việc này: dòng tiền phân bổ sang hoạt động sản xuất kinh doanh theo định hướng chính sách của nhà nước, giai đoạn nhạy cảm với nhiều thông tin vĩ mô biến động cả thế giới và trong nước (lộ trình tăng lãi suất ngăn lạm phát, khủng hoảng năng lượng - lương thực toàn cầu, chuỗi cung ứng đứt gãy, diễn biến trong nước thêm phần phức tạp khi nhiều quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý), thói quen hạn chế giải ngân trước kỳ nghỉ của dòng vốn cá nhân, nhịp giảm sốc vừa tạm ngưng khiến bộ phận nhà đầu tư có tâm lý e ngại tham gia thị trường…”.

Có thể nói, khả năng biến động của thị trường chứng khoán trong thời gian tới là khá cao, mặc dù có những tín hiệu sáng lên của số ít mã cổ phiếu khiến tâm lý nhà đầu tư có thể bớt hoang mang, nhưng thị trường vẫn cần phải tích luỹ thêm một thời gian khá dài để có thể trở lại đỉnh cũ.