Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tỷ phú cá Koi ở vùng nước nhiễm phèn Bình Lợi

17:04 27/08/2020 GMT+7

Vốn quen nghề nuôi cá thương phẩm nhưng do nguồn nước nhiễm phèn, cá không phát triển, anh Nguyễn Tấn Phong (ngụ ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi cá cảnh. Mô hình nuôi cá Koi đã đem lại doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm cho gia đình anh, đồng thời mở hướng làm giàu cho rất nhiều nông dân khác.

Xã Bình Lợi với lợi thế có hệ thống kênh rạch bao phủ nên người dân phát triển mạnh nghề nuôi cá giống và cá thịt. Nhưng rồi, hiệu quả kinh tế ngày càng suy giảm do nguồn nước bị nhiễm phèn. Hội Nông dân cùng chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu bằng những cây trồng, vật nuôi mới, đã tạo bước ngoặt trong phát triển kinh tế.

Theo anh Nguyễn Tấn Phong, “nuôi cá kiểng này có đạt kinh tế hay không trước hết là con cá phải đạt chất lượng, điều đó phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuột nuôi”.

Bỏ cá thịt nuôi cá kiểng

Để tìm hiểu về hiệu quả của mô hình chuyển đổi này, chúng tôi đã đến thăm trang trại cá Koi của anh Nguyễn Tấn Phong (ngụ ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh). Anh Nguyễn Tấn Phong cho biết: Tôi được nối nghiệp từ ông, cha, trước đây thì chuyên sản xuất cá giống và cá thịt như cá tra, trê, lóc, điêu hồng… nghề này sống được nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2008, nhận thấy phong trào nuôi cá kiểng ở một số địa phương khác “ăn nên làm ra” nên anh đi tham quan. Do từng có thâm niên với nghề thuỷ sản nên nhận thấy loại cá này phù hợp với điều kiện của gia đình, dù vậy anh chỉ dám mua 2.000 con về thử nghiệm một phần trên tổng diện tích 1ha ao nuôi của gia đình.

Lúc đầu nuôi cá Koi cũng gặp rất nhiều khó khăn vì nuôi cá thịt rất khác so với cá kiểng. Không thể áp dụng vào nuôi cá kiểng nên tôi phải học hỏi từ từ và rút kinh nghiệm. Đến năm 2012, được sự quan tâm hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Bình Chánh cho đi tập huấn, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Hội ND huyện tạo điều kiện đi tham quan về mô hình cá Koi hiệu quả ở những địa phương khác. Khi nắm vững về đặc tính của chúng, có kỹ thuật trong tay tôi chính thức mở rộng toàn bộ 1ha diện tích ao để nuôi loại cá này.

Cá Koi, loại cá được nhiều người ưa chuộng.

Theo anh Phong, cá Koi được nhiều người ưa chuộng, lại có thể xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Bởi vậy, gia đình anh đã thuê đất mở rộng lên 2ha, rồi tăng lên 5ha. Đến nay anh có tổng cộng 9ha, trong đó 3ha giành để làm giống, 6ha nuôi thương phẩm, mang lại doanh thu hơn 5 tỷ đồng mỗi năm.

“Nuôi cá kiểng muốn đạt hiệu quả kinh tế cao trước hết là con cá phải đạt chất lượng, điều đó phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật nuôi. Với 1ha nuôi thương phẩm, cứ bốn tháng 1 vụ thì trung bình mỗi năm sau khi trừ đi tất cả chi phí còn lợi nhuận 250 triệu đồng. Hiện gia đình tôi đang liên kết, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ giống cho các hộ dân tại địa phương nâng diện tích nuôi cá Koi trên địa bàn xã gần 50ha. Ngoài ra, còn xuất giống cho nhiều hộ nuôi ở các tỉnh như Đồng Nai và một số tỉnh miền Tây. Hiện nay, trang trại không những tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn đem lại công việc ổn định cho 5 nhân công ăn ở tại chỗ và hơn 30 lao động mỗi khi đến vụ thu hoạch”, anh Phong chia sẻ.

Giúp nhau cùng phát triển

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quốc Trường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi cho biết: Địa bàn xã có 1.550ha đất nông nghiệp chiếm 81% diện tích tự nhiên của xã, nhưng chủ yếu là trồng mía, lúa, nuôi cá thịt… nên kinh tế không cao. Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, người dân đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Hiện nay, địa phương đã chọn lựa con cá cảnh và cây mai vàng vì có hiệu quả kinh tế cao hợp với thổ những của địa phương.

Ông Trường đánh giá, hộ anh Phong là một trong những hộ chuyển đổi nuôi cá Koi thành công. Thấy cá cảnh được thị trường ưa chuộng anh phát triển mô hình đồng thời cùng Hội Nông dân xã vận động các hộ dân trên địa bàn chuyển sang nuôi loại cá này. Mô hình của anh Phong là một điển hình, không những tạo ra được sản phẩm có giá trị kinh tế cao cho gia đình, anh còn hỗ trợ các hộ khác cùng nhau phát triển, ổn định kinh tế.

“Để phát triển mô hình có hiệu quả và bền vững, giúp nông dân có tay nghề nuôi cá cảnh, hàng năm, Hội Nông dân mở các lớp nghề ngắn hạn đào tạo kỹ thuật nuôi cá cảnh chuyên đề “nuôi cá chép Koi, cá chép Nhật và cá chép Nam Dương”. Hội cũng đưa nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá cảnh trong và ngoài thành phố. Đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân tổ chức các lớp tập huấn, triển khai các mô hình trình diễn nuôi cá cảnh trên địa bàn qua đó nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá cảnh” ông Trường nói.

Ông Nguyễn Văn Ba – một hộ nuôi cá Koi tại ấp 1, cho biết, gia đình ông có 2ha, trước đây nuôi cá thịt nhưng không hiệu quả. Năm 2015 khi thấy nhà anh Phong nuôi cá Koi đạt kinh tế cao, ông đã mạnh dạn học cách làm theo. Được anh Phong cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, từ đó đến nay gia đình ông luôn ổn định về kinh tế.

Với hộ ông Lê Văn Nghĩa, có 1,5ha, trước đây chuyên sản xuất cá mồi để làm thức ăn cho cá, cung ứng cho các hộ nuôi cá thịt tại địa phương. Từ khi đa số chuyển đổi sang nuôi cá kiểng thì không còn phù hợp nữa. “Gia đình tôi được Hội Nông dân vận động chuyển đổi và được anh Phong hướng dẫn kỹ thuật nên đã mạnh dạn vay thêm vốn cải tạo ao hồ chuyển sang nuôi cá Koi, sau khi trừ mọi chi phí gia đình tôi thu nhập ổn định khoảng gần 200 triệu mỗi năm”, ông Nghĩa vui vẻ cho biết.

Không chỉ thành công loại cá Koi này, anh Phong tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm nhiều đối tượng cá khác phù hợp với nguồn nước địa phương. Hiện anh đang xúc tiến thuê thêm 03ha nữa để phát triển thêm giống cá kiểng mới, có giá trị kinh tế cao bắt nhịp với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

“Hộ anh Phong là một trong những hộ chuyển đổi nuôi cá Koi thành công. Thấy cá cảnh được thị trường ưa chuộng anh phát triển mô hình đồng thời cùng Hội Nông dân xã vận động các hộ dân trên địa bàn chuyển sang nuôi loại cá này. Mô hình của anh Phong là một điển hình, không những tạo ra được sản phẩm có giá trị kinh tế cao cho gia đình, anh còn hỗ trợ các hộ khác cùng nhau phát triển, ổn định kinh tế”.
Ông Hồ Quốc Trường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi.

Bài, ảnh: Hoàng Tuấn