Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Động lực thúc đẩy phát triển nông thôn mới

(Tapchinongthonmoi.vn) Gia tăng dân số đi kèm với nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm tăng, quá trình đô thị hoá khiến diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp. Song với đó, thời đại hội nhập đặt ra nhiều thách thức về bài toán chất lượng nông sản, vấn đề biến đổi khí hậu đang đe doạ đến đời sống kinh tế của nông dân. Nền nông nghiệp Việt Nam sẽ ra sao nếu vẫn duy trì lối sản xuất nông nghiệp manh mún, tự phát? Đây là một bài toán của nền nông nghiệp nước nhà cần có lời giải đáp.
Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Biến thách thức thành cơ hội

Thực tế cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tuy có sự tăng trưởng nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững. Đặc biệt, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực vẫn còn chậm, chưa có nhiều đột phá để tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Tình trạng sản xuất thiếu chuyên môn hoá, quy mô sản xuất nhỏ lẻ theo hướng tự phát, khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển. Nhiều sản phẩm mặt hàng nông sản có tiềm năng nhưng chưa được khai thác hợp lý và phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Đứng trước những thách thức trên, đòi hỏi nền nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cần có bước chuyển mình bằng cách thay đổi tư duy, tăng cường ứng dụng KHCN và đổi mới cách tiếp cận trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Hoạch định chủ trương, chính sách hỗ trợ và đề ra các giải pháp phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững. Biến thách thức thành cơ hội, động lực thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển đúng hướng, tạo cuộc sống ổn định và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bên cạnh những thách thức, tỉnh Thừa Thiên Huế là mảnh đất hội tụ nhiều giá trị khác biệt, có lợi thế về vị trí địa lý, địa hình đa dạng không chỉ có vùng đồng bằng mà còn hội đủ địa hình đầm phá, biển và đồi núi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Một điểm nổi bật khác, tỉnh Thừa Thiên Huế còn là một trong những trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Đại học Huế, đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ, chuyên gia đầu ngành giàu tiềm năng. Nếu tận dụng và khai thác tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao này, đây sẽ là lợi thế để tỉnh Thừa Thiên Huế thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN tập trung vào định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế còn tiềm năng rất lớn để phát triển, các quyết sách, định hướng, giải pháp phù hợp sẽ giúp “đánh thức” các tiềm năng này, đặc biệt nếu tận dụng, phát huy lợi thế khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, khẳng định vị thế thương hiệu gắn với du lịch sinh thái tạo nhiều giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường. Giúp nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái; thúc đẩy xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng tăng cường ứng dụng KH&CN và phát huy nội lực để nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, đặc sản của Thừa Thiên Huế, khẳng định thương hiệu và quy mô sản xuất để phát triển thị phần trong nước và xuất khẩu... thì việc “Ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết để tỉnh giải quyết bài toán thách thức trên cũng như phát huy đúng tầm, tiềm năng vốn có của địa phương.

Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn. Ảnh: nguồn IT

Xác định ứng dụng KH&CN là động lực then chốt phát triển nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới KHCN được xem là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. 
Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. 

Ứng dụng KHCN sẽ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, NNCNC giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Công nghệ cao được ứng dụng phổ biến là sản xuất trong nhà kính và nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt có thể kiểm soát được hoàn toàn dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng… Điển hình là mô hình trồng hoa ly ở huyện A Lưới nhờ áp dụng các quy trình công nghệ đã điều chỉnh, kiểm soát hoa nở đúng thời vụ, góp phần nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm.

Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình trồng dưa lê tại trang trại Rơm Farm, phường Hương An đã ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các khâu, từ việc làm đất, phối trộn nguyên liệu, quy trình tưới nhỏ giọt để trồng cây, phân bón, theo dõi sinh trưởng, điều chỉnh ánh sáng… kết hợp hình thành các tour tuyến tham quan du lịch, thu hút du khách đến tham quan, mua sản phẩm tại vườn. Hay mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm, nhớ áp dụng công nghệ vi sinh trong toàn bộ quy trình chăn nuôi từ các khâu giống đến chuồng trại, chăm sóc, chống lại dịch bệnh đã giải quyết được vấn đề nan giải của chăn nuôi hiện nay, giúp nâng cao năng suất, chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điều đó chứng minh rằng, KH&CN thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng. Từng bước tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, an toàn chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao 

Để phát triển nông nghiệp toàn diện cần tập trung phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng. Tập trung phát triển nông nghiệp theo định hướng, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP. Phát triển những sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương, các sản phẩm OCOP gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển du lịch.

Giải pháp về hoạt động nghiên cứu KH&CN: Tập trung các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN vào sản xuất NNCNC. Triển khai nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao. Nghiên cứu tạo ra các giống có khả năng kháng bệnh cao, chú trọng bảo tồn và phát triển giống bản địa; chọn, tạo và du nhập các giống từ nơi khác có giá trị cao.

Giải pháp về chính sách: Xây dựng, lồng ghép áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC như chính sách: Hỗ trợ phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; chính sách về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ phát triển ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC; chính sách triển khai tại Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế” triển khai thực hiện tốt các chính sách, định hướng phát triển nông nghiệp của Trung ương, áp dụng phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.  

Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đến nay, kinh tế nông thôn của tỉnh có chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp giai đoạn 2009 - 2018 bình quân trên 3,5%/năm. Các huyện, thị xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các sản phẩm chủ lực như sen, nấm, cây dược liệu, cây ăn quả đã đưa lại hiệu quả thiết thực.

Giải pháp về quy hoạch: Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên giao đất, cho thuê đất ở những vị trí thuận lợi cho sản xuất NNCNC. Hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng theo hướng công nghệ cao: vùng sản xuất lúa và giống lúa chất lượng cao; vùng sản xuất dược liệu; vùng sản xuất rau an toàn; vùng sản xuất thủy sản thâm canh; vùng sản xuất cây ăn quả công nghệ cao; vùng sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

Giải pháp huy động nguồn lực thực hiện: Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN; nguồn vốn của Quỹ Phát triển KH&CN của tỉnh; nguồn hỗ trợ của Trung ương “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” và các nguồn xã hội hóa của nhiều tổ chức, doanh nghiệp đầu tư NNCNC.

Giải pháp về thông tin, tuyên truyền: Thực hiện các chương trình truyền hình, phát thanh về các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các sản phẩm và các thiết bị, máy móc công nghệ cao cần chuyển giao cũng như từ nhu cầu đặt hàng thực tế; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm NNCNC thông qua các hội nghị, hội thảo... Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận thông tin về KH&CN.  

Giải pháp xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất NNCNC: Tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm áp dụng các quy trình công nghệ tổng hợp, công nghệ tự động hóa của quá trình trồng trọt, chăn nuôi; quy trình công nghệ thâm canh cây trồng, nuôi thâm canh, siêu thâm canh thủy sản...; các quy trình công nghệ sản xuất, tạo sản phẩm an toàn. Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và chọn tạo các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới; khung nhà, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phân phối thức ăn, thu hoạch trong chăn nuôi; hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, hệ thống điều tiết nước tuần hoàn, hệ thống ao nhân tạo trong nuôi trồng thủy sản... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong bảo quản, chế biến thực phẩm nông nghiệp, sản xuất dược liệu và năng lượng sinh học; sản xuất thử nghiệm đối với công nghệ chiếu xạ; công nghệ sấy nhanh; công nghệ sơ chế, bảo quản; công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; bảo quản lạnh nhanh; tạo màng trong bảo quản sản phẩm; công nghệ lên men…

Giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, lồng ghép kiến thức về NNCNC, nông nghiệp sạch vào hệ thống giáo dục phổ thông, đại học nhằm từng bước nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi và hình thành tư duy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường hướng dẫn, tập huấn, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, kỹ năng canh tác cho nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC, các chính sách thu hút chuyên gia, các nhà khoa học đến Huế, có khả năng đưa ra các giải pháp phát triển nông nghiệp cho tỉnh nhà. Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới nội dung và chương trình đào tạo đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ KH&CN chuyên sâu về NNCNC gắn lý thuyết với thực hành. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho nông dân về chuyển giao công nghệ cao, tổ chức triển lãm, tham quan các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Liên kết đào tạo với các trường đại học, viện nghiên cứu ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền NNCNC như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel...