Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vì sao ngành du lịch tỉnh Gia Lai vẫn mãi là tiềm năng?

22:22 24/11/2018 GMT+7

Mặc dù dã có rất nhiều buổi toạ đàm, hội thảo nhằm đánh giá tiềm năng thu hút các chuyên gia, những nhà hoạch định chính sách đầu tư và phát triển du lịch tại Gia Lai. Tuy nhiên, sau những cuộc hội thảo, việc khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có để phát triển ngành công nghiệp không khói này trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn mãi quẩn quanh với điệp khúc…tiềm năng.

Khẳng định thế mạnh phát triển du lịch sinh thái

Trong xu thế hiện nay, ngày càng có nhiều du khách quan tâm tìm hiểu tự nhiên về hệ sinh thái động vật, thực vật, hệ sinh thái của núi, rừng, hồ… thì ngành du lịch tỉnh Gia Lai hội tụ nhiều ưu điểm nổi bật khi thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, với địa hình đồi núi, thác ghềnh, hệ thống sông, suối, hồ khá đa dạng.

Nhiều năm qua, nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như các ngọn thác Phú Cường, Ia Ly, Ya Ma-Yang Rung, 9 tầng…, suối Đá trắng, thung lũng Hồng, hồ Tơ Rưng, hồ Ayun Hạ…Tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng tại Gia Lai là rừng đặc dụng với đặc trưng đất đỏ bazan khu vực Tây nguyên sở hữu hệ sinh thực vật vô cùng đa dạng. Đặc biệt là 2 khu rừng nguyên sinh mang đặc trưng rừng nhiệt đới là vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Kon J’răng đang sở hữu nhiều động thực vật quý hiếm đưa vào sách đỏ của thế giới.

Ngoài những ưu đãi về thiên nhiên, Gia Lai cũng như các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương mang những bản sắc văn hoá cổ xưa độc đáo. Có thể nói, băng qua bao thăng trầm lịch sử, cuộc sống của cộng đồng các dân tộc J’rai, Bahnar…vẫn giữ được nét văn hoá đặc sắc từng cộng đồng qua văn hoá cồng chiêng, kiến trúc nhà mồ và tượng nhà mồ, cùng hàng loạt các lễ hội truyền thống mang hơi thở của những tập tục sơ khởi.

 

Văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số J’rai, Bahnar tại Gia Lai là một trong những tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái- văn hóa nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Bên cạnh đó, những di tích hào hùng ghi nhận lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm như khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo, Chiến thắng Plei Me, chiến thắng Đăk Pơ, làng kháng chiến Stơr…Gia Lai là một tỉnh hội tụ đầy đủ những ưu đãi của thiên nhiên, bản sắc văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Vì sao tiềm năng du lịch tỉnh Gia Lai chưa được đánh thức?

Mặc dù tiềm năng, ưu thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Gia Lai được khẳng định từ hàng chục năm qua. Nhưng nhiều năm qua, tốc độ phát triển của ngành du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Vài năm gần đây, lượt khách du lịch đến với Gia Lai vẫn chỉ dao động ở mức 150-180 nghìn lượt người/năm.

Điều đáng quan tâm là tổng doanh thu của ngành du lịch mỗi năm khoảng 100 – 120 tỷ đồng thì tất cả chỉ nằm trong hoạt động lưu trú tại 48 khách sạn, 1.180 phòng còn hoạt động lữ hành – đặc trưng của ngành du lịch chỉ chiếm tỷ trọng gần 8% tổng doanh thu!

Lễ hội đâm trâu của cộng đồng dân tộc J’rai  sống tại Gia Lai một tỉnh khu vực Bắc Tây Nguyên.

Du lịch sinh thái – văn hóa được xem là loại hình du lịch đặc trưng của Gia Lai nhưng nhiều năm qua vẫn quẩn quanh với các chương trình du lịch như tham quan bản làng của đồng bào J’rai, Bahnar, tổ chức các buổi dã ngoại, thăm chiến trường xưa và các chuyến tham quan lễ hội, làng nghề truyền thống.v.v… Tuy nhiên, tình trạng mất vệ sinh, thiếu mỹ quan tại nhiều điểm du lịch như xung quanh dốc Hàm Rồng, những bãi rác tọa lạc trên đường QL 25, QL 14, QL19… cùng với các hoạt động dịch vụ du lịch chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành những chuyến du lịch sinh thái hấp dẫn như xuyên rừng Quốc gia Kon Ka Kinh, hòa mình vào đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cùng với tiềm năng, ưu thế mà thiên nhiên ban tặng, bản sắc văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số, ngành du lịch Gia Lai còn đứng trước nhiều thách thức như: do có sự tương đồng về tài nguyên du lịch, văn hoá nên việc khai thác các tuyến du lịch trong khu vực sẽ không tránh được tình trạng trùng lặp; các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số phần nào đã gây khó khăn trong việc hợp tác, cung ứng các sản phẩm du lịch… Và đặc biệt là điều kiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông, điều kiện sinh hoạt ở những điểm du lịch sinh thái-văn hoá, vùng biên giới còn khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến khai thác loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hoá cộng đồng.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, những câu chuyện tưởng chừng như rất nhỏ khiến nhiều du khách lần đầu đến Gia Lai có ấn tượng không tốt như tình trạng người ăn xin đông đúc, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ngay tại Tp. Pleiku…

Tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái – văn hoá tại Gia Lai đã được khẳng định từ lâu, nhưng việc khai thác hiệu quả tiềm năng vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.

Cao Nguyên