Sáng nay, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên lần hai.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết: Từ ngày 27-28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có hội nghị tại Hà Nội. Đây là sự kiện quốc tế được quan tâm hàng đầu của các quốc gia, dư luận thế giới.
Việt Nam là quốc gia được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai. Với thời gian rất ngắn, nhưng công tác chuẩn bị hậu cần, lễ tân, an ninh… đã được hoàn tất.
Cụ thể, về an ninh, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị ở Trung ương và địa phương phối hợp với Bộ Quốc phòng và an ninh Hoa Kỳ, Triều Tiên để đảm bảo an toàn trên tuyến đường và các điểm lưu trú.
Về công tác y tế, Bộ Y tế có phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, chỉ định các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện: Hữu Nghị, Bạch Mai, Bệnh viện E, trực cấp cứu 24/24 giờ; ngoài ra có các cơ sở y tế tại các địa điểm thuộc Trung tâm hội nghị Quốc tế.
“Việt Nam rất mong muốn đóng góp trực tiếp vào quá trình giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình và đối thoại quốc tế. Qua dịp này, Việt Nam muốn tăng cường vai trò không chỉ của Việt Nam mà của cộng đồng ASEAN trong đời sống quốc tế hiện nay”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Trong dịp này, Tổng thống Donald Trump cũng có những cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng sẽ thăm chính thức Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sau 55 năm có chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cao nhất của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đến Việt Nam.
Liên quan tới công tác tác nghiệp của báo chí xung quanh Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Đến nay, có gần 3.000 phóng viên quốc tế từ trên 200 hãng thông tấn, báo chí quốc tế đến từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tác nghiệp. Về phía Việt Nam có gần 550 phóng viên.
Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên tại Hà Nội chỉ có chưa tới 10 ngày chuẩn bị, thời gian chỉ bằng gần 1/10 so với chuẩn bị cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017.
“Trung tâm Báo chí bảo đảm điều kiện hoạt động cho ít nhất 4.000 phóng viên. Khó nhất của trung tâm báo chí là trong một diện tích hẹp có rất nhiều người tác nghiệp. Việc bảo đảm tốc độ, không bị nghẽn là thách thức cho mạng viễn thông. Trung tâm báo chí sẽ được bảo đảm wifi với tốc độ ít nhất 5MGB/s; ngoài ra còn có gần 1.500 điểm truy cập Internet cố định để kết nối với laptop, tốc độ tối thiểu 20 MGB/s… Tại trung tâm cũng lắp đặt thêm 30 trạm phát sóng 2G, 3G, 4G”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Từ góc độ của Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay: Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện lớn song đây là lần đầu tiên được chọn tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai quốc gia.
Tối các ngày 26, 27 và 28/2, tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tổ chức biểu diễn nghệ thuật với những nghệ sĩ nổi tiếng. Thông tin về Hà Nội và Việt Nam được cung cấp tại Trung tâm báo chí quốc tế (IMC).
“Chính quyền thành phố Hà Nội và người dân thành phố đang làm tất cả những gì để xứng đáng với sự vinh danh của UNESCO. Hy vọng các phóng viên sẽ có thời gian trải nghiệm văn hóa đặc sắc ở Hà Nội và sẽ trở lại với Hà Nội sau sự kiện này”, ông Chung nói.