Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Vua sáng chế” hoài bão về dự án 4.0 cho đồng lúa

15:56 29/09/2020 GMT+7
Với 30 năm miệt mài sáng tạo, kỹ sư Hoàng Thanh Liêm, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm thiết thực hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo giới thiệu của Hội Nông dân (ND) huyện Thới Lai chúng tôi tìm gặp

Với 30 năm miệt mài sáng tạo, kỹ sư Hoàng Thanh Liêm, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm thiết thực hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Kỹ sư Hoàng Thanh Liêm đang hoàn thiện những chiếc “Máy xúc lúa và nông sản vào bao” để kịp giao cho bà con nông dân.

Theo giới thiệu của Hội Nông dân (ND) huyện Thới Lai chúng tôi tìm gặp kỹ sư Hoàng Thanh Liêm, nông dân sang chế được T.Ư Hội ND Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Nông dân Việt Nam sáng tạo”.
Những sản phẩm do kỹ sư Liêm chế tạo từng nhiều lần đạt giải cao trong các kỳ thi sáng tạo kỹ thuật, vinh dự được nhận Huân chương, Bằng khen, giấy khen của các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, nhưng niềm vui lớn nhất của ông là phục vụ bà con nông dân.

Ông Hoàng Thanh Liêm kể, năm 1989 tốt nghiệp Kỹ sư tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, sau đó về giảng dạy tại Trường Công nhân Kỹ thuật Cần Thơ, nay là Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ. Đến 1993 chuyển công tác về làm Phó Giám đốc kỹ thuật cho công ty xuất nhập khẩu lâm sản Châu Á thuộc Tổng Công ty UBEPIMEX tỉnh Bến Tre cho tới năm 2002 thì xin nghỉ về làm kinh tế gia đình.

“Hồi đó công việc trong Công ty ít, tính năng động nên chân tay thấy ngứa ngáy lắm. Nhận thấy nông dân mình còn nhiều khó khăn trong sản xuất nên tôi quyết định trở về quê với dự định sáng chế những sản phẩm hữu ích giúp đỡ bà con”. Ông Liêm chia sẻ.

Sau khi nghỉ việc nhà nước, ông bắt đầu từ sáng chế lò sấy lúa lưới rằn là sản phẩm đầu tay, từng đoạt giải 3 tại hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ năm 1990. Có lẽ niềm vui lớn nhất của ông khi công nghệ phơi sấy thời điểm đó không có, phải đem lúa ra phơi ngoài đường và máy sấy lúa của ông đã thay thế giúp cho bà con nông dân khỏi lo mưa nắng. Chính những niềm vui đó đã giúp ông có động lực tiếp tục nghiên cứu, sáng chế. Cứ thế mỗi năm sản phẩm mới lại ra đời.
Đến nay đã có 18 công trình nghiên cứu khoa học cho ra đời 18 sáng chế, 18 giải pháp thực tiễn đi vào phục vụ cuộc sống thực tế như: Lò sấy lúa lưới rằn; dụng cụ tỉa hạt; máy tỉa bắp, đậu; Máy trồng khoai lang dây; Máy xúc lúa và nông sản vào bao; Máy phun xịt bảo vệ thực vật tự chạy và điều khiển bằng tay lái; Máy diệt bướm, diệt sâu rầy….

Trong 18 sáng chế có được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế và 4 thông báo chấp nhận đơn sáng chế hợp lệ, nhưng thiết bị ấn tượng và cuốn hút chúng tôi nhất phải kể đến: “Thiết bị diệt ốc bươu vàng bằng sóng siêu âm”, “Thiết bị cảm biến phát ánh sáng lạnh tiêu diệt rầy mới đến di trú trong ruộng lúa di chuyển trên cáp dẫn điều khiển từ xa qua mạng intenet” và “thiết bị cảm biến phát siêu âm, siêu âm đất phân hủy rơm rạ”.

Chia sẻ về những sáng chế vượt bậc này ông Liêm cho biết: Trước khi sáng chế thì đầu tiên mình phải có ý tưởng sau đó tìm hiểu, nghiên cứu thực tế, chứ không phải suy nghĩ mơ hồ, ảo tưởng. Ý tưởng mà tôi áp dụng khoa học công nghệ vào sản phẩm này là để cải tiến phù với công cuộc đổi mới trong sản xuất nông nghiệp mà Chính phủ đang khuyến khích áp dụng công nghệ 4.0. Hiện tôi đang hoàn thiện một dự án mới để áp dụng vào “Cánh đồng mẫu lớn”, dự án này dựa trên nền tảng thành công từ 3 thiết bị trên.

“Kỹ sư Hoàng Thanh Liêm, là người niềm đam mê sáng tạo, từ những kiến thức, kinh nghiệm đã nghiên cứu, sáng chế ra các loại máy móc, nông cụ phục vụ nông nghiệp có tính ứng dụng cao, tiện lợi, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, xứng đáng là một trong những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ nông dân trong thời đại mới”.
Ông Lương Duy Khanh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Lai.

Hoàng Tuấn