Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Nhà khoa học” ươm mầm xanh trên đất Đăk Nông

07:51 13/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với diện tích hơn 5.000m2, mỗi năm vườn ươm giống cây trồng Hoàng Chương do ông Đặng Khắc Chương, sinh năm 1976 (Bính Thìn) làm chủ có thể cung cấp ra thị trường hơn 30 vạn cây giống các loại chất lượng cao như cà phê, bơ, sầu riêng…, giúp bà con nông dân phát triển sản xuất.

Mỗi năm vườn ươm giống cây trồng do ông Đặng Khắc Chương làm chủ cung cấp ra thị trường hơn 30 vạn cây giống các loại chất lượng cao như cà phê, bơ, sầu riêng...

Ông Chương quê ở Nghệ An, lập nghiệp ở thôn Thuận Nam (xã Thuận An, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông). Năm 2018, ông Đặng Khắc Chương được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”. Nhân dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Khắc Chương.
Ông trở thành chủ vườn ươm cây giống này như thế nào?
Đăk Mil là huyện biên giới giáp với Vương quốc Capuchia, nông dân chiếm tỷ lệ trên 90% dân số, diện tích canh tác của toàn huyện là 48 ngàn héc ta; trong đó cây cà phê là 22 ngàn héc ta, còn lại cây hoa màu hàng năm... Tuy nhiên, do giống cây trồng không được tuyển chọn, nhất là cây cà phê Robosta đã được nông dân trồng cách đây hơn 40 năm giờ trở nên già cỗi, hạt nhỏ, năng suất thấp, chỉ đạt từ 1,5 đến 2 tấn nhân xô/héc ta/năm. 
Năm 2003, tôi được Hội Nông dân huyện cử đi theo học các lớp quản lý vườn ươm và nhân giống vô tính cây ăn quả của Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, tiếp đó là lớp quản lý vườn ươm và đào tạo nhân giống cà phê thuộc chương trình chuyển đổi nông, lâm nghiệp bền vững Việt Nam do Vinasat Đăk Nông tổ chức năm 2006. Nhờ được học các kỹ thuật về nhân giống, ươm cây và cộng với niềm đam mê của bản thân, tôi đã tự tìm hiểu học hỏi để nhân giống cây cà phê phù hợp với mảnh đất của quê hương. Ban đầu, tôi nhân giống phục vụ cho gia đình, khi có kết quả mới bắt đầu nhân rộng. Năm 2017, vườn ươm của tôi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận số 09/NN-CNVU, ngày 03/10/2017 về chứng nhận vườn ươm cà phê đủ tiêu chuẩn.
Cây cà phê do ông nhân giống có gì khác biệt so với loại thông thường? Và ngoài nhân giống cà phê ông còn nhân được giống cây gì khác?
Trên cơ sở kỹ thuật đã được tiếp thu, tôi đã tự nghiên cứu, tuyển chọn và nhân ra giống cây cà phê “dây” với đặc điểm cành nhỏ, dẻo dai, sai quả, kháng bệnh, chịu hạn tốt, được nông dân ưa thích, được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận. Đặc biệt, giống cây này cho năng suất vượt trội từ 7 tấn đến 9 tấn, thậm chí 10 tấn/ha. Một ưu điểm nữa là nhân to 680 đến 689 hạt/kg, đủ tiêu chuẩn cao xuất khẩu (cà phê thường 1.125 đến 1.200 hạt/kg, bình quân từ 1,5 tấn đến 3 tấn/ha). Hiện nay, cây cà phê dây đã được cấp chứng chỉ cây cà phê đầu dòng. 
Tính đến nay, tôi đã có gần 10 năm thực hiện nhân giống, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi giống do tôi nhân tạo, hàng năm cung cấp cho nông dân trên dưới 20 vạn cây cà phê giống các loại. Đến nay, diện tích cà phê tái canh của huyện đã đạt gần 9/22 ngàn héc ta. Ngoài địa bàn của huyện Đăk Mil, tôi còn cung cấp cho các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum và nước láng giềng Campuchia.

Người dân tham quan, mua giống ở cơ sở của ông Chương.
Ngoài việc nghiên cứu, nhân tạo giống cà phê cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, tôi còn thực hiện nhân giống các loại cây ăn quả như cây sầu riêng Thái cơm vàng hạt lép; sầu riêng Dona được ưa chuộng trên thị trường; các loại cây bơ 034; bơ boots 6; bơ boots 7 và các giống bơ địa phương có ưu thế vượt trội như bơ tứ quý; bơ trái vụ; các loại cây giống hồ tiêu kháng bệnh, năng suất cao như hồ tiêu Sirilanka, hồ tiêu Ấn Độ, hồ tiêu Phú Quốc; cây chanh dây cao sản… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Nông nghiệp huyện trong việc đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài việc cung cấp giống đạt chất lượng cao, ông còn hỗ trợ cho bà con nông dân như nào?
Để thay đổi tập quán canh tác độc canh, hiệu quả kinh tế thấp, tôi đã chủ động hướng dẫn bà con nông dân xây dựng mô hình canh tác xen canh: cà phê + sầu riêng; cà phê + bơ; cà phê + tiêu; cà phê + sầu riêng + tiêu... để cho thu nhập cao từ 60 triệu/ha lên 500 triệu thậm chí 1,2 tỷ đồng/ha. Nhiều mô hình trên địa bàn đã thành công trở thành mô hình điểm để nông dân khác học tập, nhân rộng.
Đối với những hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn, tôi còn hỗ trợ cây giống để bà con có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hiện nay, trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng giống cây trồng, hàng năm, tôi đã sản xuất và cung ứng trên 30 vạn cây giống các loại chất lượng cao cho bà con nông dân. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập 8- 9 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn nhiều lao động thời vụ với mức tiền công từ 300-400 nghìn đồng/ngày.
Được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” năm 2018, ông nghĩ như thế nào về sự tương tác của tổ chức Hội đối với thành quả cá nhân thời gian qua?  
Kết quả đạt được của bản thân tôi trong thời gian qua đó là nhờ sự chỉ đạo, động viên kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt đối với Hội Nông dân các cấp luôn giúp đỡ tôi về nhiều mặt như nâng cao kỹ năng chuyên môn, cho vay vốn ưu đãi, hướng dẫn định hướng sản xuất... và sự đồng hành của các cấp lãnh đạo và bà con nông dân địa phương trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và cung ứng cây giống, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. 
Bản thân tôi cũng đã không ngừng tự học hỏi để nâng cao năng lực chuyên môn, tập hợp tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng với đội ngũ công nhân trong việc nghiên cứu, chăm sóc vườn ươm, góp phần mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp.
Ông có nguyện vọng như thế nào đối với “năm con rồng” 2024?
Năm 2024 là năm Giáp Thìn, có quan niệm là "năm tuổi" của người sinh năm Thìn như tôi, nhưng tôi không có quan niệm về năm tuổi, tôi thấy bình thường như mọi năm. Mấy năm gần đây cà phê được giá, tôi cũng mừng cho bà con nông dân. Tuy nhiên, việc sản xuất ở đây vẫn chỉ là các hộ đơn lẻ, việc tiêu thụ vẫn trông chờ vào các chủ cơ sở thu gom, vì vậy rất cần có sự liên kết sản xuất theo nhóm, theo chuỗi. Chính vì thế, tôi mong nhà nước quan tâm hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi, đảm bảo các điều kiện xuất khẩu, có đầu ra ổn định giúp bà con yên tâm sản xuất. 
Và một điều quan trọng nữa là, muốn mở rộng đầu tư, sản xuất theo chuỗi thì rất cần đến nguồn vốn, Nhà nước cũng nên có những chính sách ưu đãi cho vay đối với những vùng nghèo, vùng khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào những địa phương này.
Xin cảm ơn ông!

Quang Tú (thực hiện)