Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tổng kết 10 năm công tác Hội và phong trào nông dân vùng đồng bào có đạo

Kim Phụng - 07:32 06/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 4/8, Hội Nông dân TP.HCM tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 123-KL/HNDTW ngày 23/02/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa V) về tiếp tục đẩy mạnh công tác Hội và phong trào nông dân ở vùng đồng bào có đạo.

Tham dự Hội nghị có bà Trần Thị Hồng Nguyệt, Trưởng Phòng Dân vận của hệ thống chính trị, Ban Dân vận Thành ủy; bà Nguyễn Thanh Xuân, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM

Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 123-KL/HNDTW với nhiều nỗ lực đáng khích lệ, biểu dương, khen thưởng của cả hệ thống Hội từ Thành phố đến cơ sở. Đó là kết quả từ sự quan tâm đầu tư đổi mới nội dung và phương thức thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên nông dân gắn với quán triệt các nội dung có liên quan trên lĩnh vực tôn giáo.

Xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Hội nghị đã báo cáo tóm tắt các kết quả nổi bật qua hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 123-KL/HNDTW với nhiều nỗ lực đáng khích lệ, biểu dương, khen thưởng của cả hệ thống Hội từ thành phố đến cơ sở; với sự quan tâm đầu tư đổi mới nội dung và phương thức thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên nông dân gắn với quán triệt các nội dung có liên quan trên lĩnh vực tôn giáo.

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM ghi nhận những kết quả nổi bật đặc biệt là tại các cơ sở Hội, các cán bộ hội đã quan tâm xây dựng và phát huy vai trò lực lượng nòng cốt chính trị, cốt cán trong tôn giáo tại địa phương; thực hiện tốt công tác vận động, quản lý cán bộ, hội viên nông dân có đạo; tích cực phát động hội viên nông dân có đạo tham gia các phong trào, các cuộc vận động, các hoạt động chăm lo an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện,... nhất là tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Nông dân tham gia xây dựng và phát triển nền nông nghiệp đô thị”; “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh”…

Các cấp Hội Nông dân từ thành phố đến cơ sở đã chủ động và phối hợp tổ chức 109 buổi tuyên truyền, quán triệt các nội dung trọng tâm của Kết luận số 123-KL/HNDTW với 12.729 lượt cán bộ Hội chủ chốt, lực lượng nòng cốt chính trị, cốt cán tôn giáo, hội viên nông dân có đạo tham gia với nhiều hình thức: thông qua sinh hoạt chi bộ, hội nghị cán bộ Hội chủ chốt, hội nghị Ban Chấp hành, sinh hoạt chi, tổ hội, trang tin điện tử của Hội, trang mạng xã hội, bản tin vành đai xanh của Hội. Theo đó, công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan, nhất là phối hợp Ban Dân tộc Thành phố trong tuyên truyền, vận động hội viên nông dân các dân tộc thiểu số, hội viên nông dân có đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, lan tỏa phương châm sống “tốt đời – đẹp đạo”, tham gia giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố thông qua các hoạt động như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay cho hội viên nông dân là đồng bào dân tộc, tôn giáo phát triển sản xuất, kinh doanh, chăm lo an sinh xã hội, bảo trợ học tập toàn phần cho 20 trẻ em, học sinh mồ côi do đại dịch Covid-19 (trong đó có 1 em Châu Mohamed Amin là người dân tộc Chăm, tín đồ đạo Hồi).

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM nhấn mạnh: “Mặc dù số hội viên, nông dân có đạo trên địa bàn Thành phố hiện nay chỉ có 2.147 hội viên, chiếm khoảng 3,7% trên tổng số hội viên nông dân Thành phố, nhưng vì tính chất đặc biệt và yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của cả hệ thống chính trị, nên trong bất kỳ giai đoạn nào, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố cũng luôn xác định tầm quan trọng đối với công tác dân tộc, tôn giáo”.

Hội cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân, đặc biệt là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, nông dân có đạo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình mới; đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, những hành vi lợi dụng vấn đến dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước; đề phòng cảnh giác với những biểu hiện tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo phản văn hóa, đi ngược truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Hội cũng đã phối hợp dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 879 lượt hội viên nông dân có đạo; tích cực vận động hội viên, nông dân là đồng bào các tôn giáo tham gia vào quá trình phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Trung ương, Thành phố về nông nghiệp đô thị; tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả theo hướng nông nghiệp đô thị do Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân Thành phố, Trạm Thú y quận… tổ chức. Xây dựng nhiều mô hình mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, mô hình phát triển kinh tế tập thể trong nông dân đều có hội viên tôn giáo tham gia…

6 giải pháp công tác Hội trong thời gian tới

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cũng mạnh dạn nhìn nhận các hạn chế còn tồn tại và đề nghị các cấp Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở, cán bộ, hội viên nông dân Thành phố cần tập trung triển khai các giải pháp khắc phục triệt để các hạn chế đã chỉ ra, đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp sau:

1. Tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định giúp Chính phủ bổ sung, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng đã được thể hiện trong Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới...

 3. Tiếp tục phát động cán bộ, hội viên nông dân là đồng bào các tôn giáo tích cực học tập và làm theo Bác gắn Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với thực hiện tiêu chí “Người nông dân mới TP.HCM”. Tăng cường phát hiện và tuyên dương nông dân tiêu biểu thành phố, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là đồng bào có đạo…

4. Kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân là đồng bào các tôn giáo và có phương hướng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo. 

5. Xây dựng lực lượng nòng cốt trong tôn giáo tạo nguồn lực cần thiết khi xử lý các vấn đề phức tạp trong tôn giáo.

6. Chủ động phối hợp với các Ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và xử lý, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền các vụ việc liên quan; tập trung tháo gỡ những vướng mắc, “điểm nóng” ngay từ cơ sở, không để phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp; gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tạl buổitổng kết, Hội Nông dân TP.HCM đã tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 4 cá nhân xuất sắc tiêu biểu khi thực hiện Kết luận số 123-KL/HNDTW. Cùng ngày, Hội Nông dân TP.HCM cũng tổ chức Hội nghị tập huấn công tác dân tộc, tôn giáo năm 2022.