Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

300 hội viên nông dân xuất sắc được tôn vinh năm 2022

Lương Thủy - 11:56 13/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 13/9/2022, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI (giai đoạn 2017 – 2022), tôn vinh 300 hội viên, nông dân xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên toàn quốc.
Ông Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Hưng

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng; ông Lê Văn Thành - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo của các ban, ngành, đoàn thể có liên quan; cùng nhiều cán bộ, nguyên lãnh đạo, lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN); lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội; lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và đặc biệt là sự có mặt của 300 đại biểu là hội viên nông dân xuất sắc trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Giai đoạn 2017 – 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức do tác động ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt là những tác động ảnh hưởng từ sự cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, xung đột chính trị, quân sự, biến đổi khí hậu và sự bùng phát của đại dịch Covid-19... Song, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cả nước đã nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện tốt các Phong trào nông dân. Các cấp Hội đã đẩy mạnh tổ chức hoạt động tư vấn, dịch vụ, đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư đầu vào trong sản xuất, chuyển giao khoa học và công nghệ mới; xây dựng và nhân rộng mô hình làm ăn hiệu quả, xây dựng thương hiệu sản phẩm; phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh tạo sự lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" ngày càng phát triển.

Ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Văn Hưng

Ông Lương Quốc Đoàn cũng khẳng định: Phong trào đã trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh trong nông dân, nông thôn và của từng địa phương; phát huy nội lực, trí tuệ của từng hộ gia đình nông dân; góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, hiệu quả, các hình thức hợp tác, hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả; thu hút ngày càng nhiều trí thức trẻ trở về tham gia làm nông nghiệp…

Từ thực tế sinh động của Phong trào đã xây dựng được một đội ngũ nông dân mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách; mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; biết khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện; vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng rõ và được thực hiện hiệu quả hơn….

Nhờ đó, từ những kết quả của Phong trào đã tăng cường sự tin tưởng, gắn bó giữa hội viên, nông dân với tổ chức Hội, thúc đẩy việc đổi mới phương thức tập hợp nông dân, nâng cao hiệu quả các hoạt động công tác và chất lượng tổ chức Hội Nông dân các cấp. Hội Nông dân Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; xứng đáng là chỗ dựa đáng tin cậy cho hội viên và nông dân. Thông qua tổ chức và chỉ đạo Phong trào, đội ngũ cán bộ Hội ngày càng được trưởng thành hơn trong thực tiễn.

Theo báo cáo của Hội NDVN, hàng năm Phong trào thu hút 6,21 triệu hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Tổng số hộ nông dân được công nhận danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hàng năm của giai đoạn 2017 – 2022 là 3,61 triệu hộ, chiếm 58,1% số hộ đăng ký (so với giai đoạn 2021 – 2017, số hộ đạt danh hiệu Hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng 60 nghìn hộ).

Bên cạnh đó, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là hạt nhân, nòng cốt, đi đầu trong tổ chức lại sản xuất, thành lập mới hợp tác xã, doanh nghiệp trong nông nghiệp. Trong 5 năm qua, thông qua các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động tư vấn, hướng dẫn, thành lập được 15.772 mô hình kinh tế tập thể; thành lập 78.081 tổ vay vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh…

Không chỉ có vậy, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi còn tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nông dân. Trong 5 năm qua, các hộ đã giúp trên 815 nghìn lượt hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp… ; đã có trên 108 nghìn hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả; đóng góp xây dựng hàng nghìn căn nhà tình thương, mái ấm cho trên 1,2 triệu hộ nghèo….

Bà Hoàng Thị Chắp. Ảnh: L.T

Bà Hoàng Thị Chắp – dân tộc Giáy - hội viên nông dân xã Cốc San (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) là một trong những điển hình xuất sắc của Phong trào. Với mô hình nuôi cá bông thương phẩm kết hợp cung ứng cá giống các loại, mỗi năm gia đình bà thu lãi 1,6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động, 40-50 lao động mùa vụ với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.

“Trong thời gian tới, tôi dự định liên kết với các hộ trong thôn, xã thành lập Tổ hội nghề nghiệp để mở rộng diện tích sản xuất cá giống và cá thương phẩm. Vì vậy, tôi mong muốn Đảng, Chính phủ và bộ, ngành có những chính sách linh hoạt ưu đãi hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật và quảng bá tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi thủy sản; Tham dự Hội nghị lần này, tôi đề nghị Trung ương Hội NDVN, Hội ND tỉnh hàng năm tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để giúp nông dân có kiến thức vận dụng vào trồng trọt và chăn nuôi, tổ chức cho hội viên nông dân chúng tôi được đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình tiêu biểu trong và ngoài tỉnh” – bà Hoàng Thị Chắp chia sẻ.

Ông Đinh Ngọc Khương. Ảnh: LT

Là một trong số 27 đại biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ông Đinh Ngọc Khương ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương với mô hình nuôi gà đẻ trứng và gà thương phẩm, trồng cà phê, sầu riêng mỗi năm có doanh thu trên 100 tỷ đồng đã bày tỏ: “Hôm nay, tôi cảm thấy vui mừng và phấn khởi vì Đảng, Nhà nước và Hội Nông dân đã quan tâm đến người nông dân. Được nhận Bằng khen của Thủ tướng là niềm vinh dự đối với tôi, tôi sẽ cố gắng phấn đấu để đạt được nhiều thành tích hơn, và giúp đỡ được nhiều nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương mình và cả những nơi khác”.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoan nghênh và biểu dương những kết quả của Hội Nông dân, giai cấp Nông dân Việt Nam và 300 nông dân tiêu biểu xuất sắc đại diện cho 3,6 triệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc đã đạt được trong 5 năm qua.

Ông Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh: Bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, bước vào giai đoạn mới, nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp là phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm; thu nhập của cư dân nông thôn gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%...

10 đại biểu được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Ảnh: Văn Hưng

Ông Trần Tuấn Anh hoan nghênh các nhiệm vụ và giải pháp của Hội Nông dân đã nêu và nhấn mạnh một số nhiệm vụ sau:

Một là, các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chỉ thị số 16 - CT/TW, ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028... để mỗi cán bộ, hội viên nông dân nhận thức sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng: Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, gắn xây dựng giai cấp Nông dân với quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp hoá, hiện đại hóa và đô thị hoá.

Hai là, các cấp Hội cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi duy trì và phát triển; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, nhà khoa học, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền; tăng cường hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế để mở mang nguồn lực; tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi làm nòng cốt xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn...

Ba là, tiếp tục tập trung chỉ đạo Phong trào để ngày càng phát huy hiệu quả sâu rộng, có sức lan tỏa lớn, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân. Hội cần có các giải pháp quan tâm đào tạo nâng cao trình độ, kiến thức và năng lực tổ chức sản xuất cho nông dân; khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thông minh... Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tăng cường củng cố các cơ sở, chi, tổ Hội, phát triển chi, tổ Hội nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng hội viên; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm thực tế tạo ra bước đột phá mới trong công tác Hội và phong trào nông dân.

Các đại biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Văn Hưng

Bốn là, để tiếp tục thực hiện thắng lợi Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Không ai khác, chính là người nông dân, chủ nhân của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cũng là người trực tiếp hưởng thụ kết quả từ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đề nghị 300 nông dân tiêu biểu xuất sắc được vinh danh ngày hôm nay, tiếp tục phát huy vai trò điển hình tiên tiến, cống hiến sức lực, trí tuệ, tiếp tục có cách làm mới, sáng tạo hơn nữa; truyền cảm hứng, giúp đỡ bà con nông dân trong cộng đồng phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.

Năm là, các bộ, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia; Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; Phối hợp trong định hướng dẫn dắt, hỗ trợ bà con nông dân sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; làm tốt công tác qui hoạch, dự báo thị trường, bảo đảm sản xuất, tiêu thụ và thu nhập ổn định cho người nông dân.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Hội Nông dân Việt Nam có điều kiện phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ; có cơ chế, chính sách kịp thời để hỗ trợ thúc đẩy Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của Hội Nông dân tại địa phương.

Nông dân giàu góp sức cho đất nước mạnh
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trước thềm Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Toàn quốc lần thứ VI (giai đoạn 2017 - 2022), đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có bài viết quan trọng về chủ đề này. Tạp chí Nông thôn mới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.