Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, biến thách thức thành cơ hội

12:00 18/06/2019 GMT+7
Sáng 18/06/2019 tại Tp.Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là chuyên đề nằm trong khuôn khổ “Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực

Sáng 18/06/2019 tại Tp.Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là chuyên đề nằm trong khuôn khổ “Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu và chủ trì diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Đại sứ Hà Lan Carel Richter; Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp;  cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP. HCM, các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế…

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Trần Hồng Hà cho biết: “Sau gần 2 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 120; nhìn lại 2 năm các chương trình hành động thực hiện nghị quyết, đã xác định giải pháp trước mắt và lâu dài cho ĐBSCL; vùng chịu áp lực của BĐKH, tác động kép nội tại trong sự phát triển, phát triển quá mức không theo quy hoạch; tài nguyên nước được coi là vấn đề cốt lõi để xem xét các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 120″.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà:“Diễn biến của BĐKH đang đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản mà chúng ta dự báo. Nên cần đánh giá lại hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển, bờ sông đang diễn ra như thế nào để giải quyết bờ sông, bờ biển dựa trên các quy hoạch…và khai thác tài nguyên nước sao cho hợp lý, nhất là kịch bản sống chung với biến đổi khí hậu”.

Tình trạng sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển ở ĐBSCL đang diễn ra ở mức báo động.

Báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước – Bộ TN&MT và Tổng cục phòng chống thiên tai – Bộ NN&PTNT, ĐBSCL trong những năm gần đây, do BĐKH và nguồn nước thượng lưu sông Mê Công về ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu, dẫn đến xâm nhập mặn có những thay đổi lớn, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Số liệu năm 2018 cho thấy đồng bằng sông Cửu Long có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149 km (bờ sông có 26 vị trí sạt lở với tổng chiều dài 65km, bờ biển 16 vị trí sạt lở với tổng chiêu dài 84 km.

Theo số liệu thống kê từ năm 2000 đến nay, có 4 năm xảy ra lũ lớn, 6 năm lũ vừa và 7 năm lũ nhỏ. Lũ có xu hướng đến muộn hơn so với trước. Trước năm 2010, đỉnh lũ chính vụ hầu hết xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Thời gian xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 1 đến 1,5 tháng. Giai đoạn trước năm 2012, mặn thường xâm nhập đáng kể từ tháng 2 đến tháng 4, đỉnh mặn xuất hiện vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4 (là tháng có dòng chảy kiệt nhất). Những năm gần đây thường xuyên xuất hiện dòng chảy thượng nguồn đầu mùa khô về thấp, xâm nhập mặn bắt đầu từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn xuất hiện vào tháng 2; hoặc đầu tháng 3 năm sau.

Phạm vi xâm nhập mặn tăng, trước đây vào năm bị xâm nhập cao ở các cửa sông Cửu Long chỉ xâm nhập sâu khoảng 60 km, còn điển hình năm 2016, xâm nhập mặn cao nhất lên tới 90 km.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra nguyên nhân là do việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện thượng nguồn, tác động mạnh mẽ đến chế độ dòng chảy gây tác động về xâm nhập mặn lớn nhất, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Tình hình sạt lở tại các tỉnh ĐBSCL do biến đổi khí hậu và nước biển dâng cùng với việc tăng tần suất và cường độ của bão, áp thấp nhiệt đới tác động đến bờ và gây xói lở, lũ lớn, hạn hán cũng làm gia tăng sạt lở. Một nguyên nhân nữa cũng phải nói đến là tình trạng khai thác cát vượt quá khối lượng cho phép, khai thác không đúng quy hoạch đang diễn ra phức tạp. Khi lượng cát khai thác vượt quá lượng cát từ thượng nguồn chuyển về sẽ gây ra hiện tượng xói lở lòng sông hoặc lở bờ.

Quang cảnh buổi diễn đàn.

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu tham gia đóng góp các ý kiến, các giải pháp nhằm đưa ra những định hướng phát triển tài nguyên nước; tăng cường các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực ĐBSCL nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện đồng bộ các giải pháp liên kết vùng. Đồng thời, xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội.

Trong khuôn khổ hội nghị, Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hồ Ninh – Anh Vũ