Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bình Phước: Đón nhận văn bằng bảo hộ CDĐL cho hạt điều

11:00 22/05/2018 GMT+7

Chiều ngày 22 – 5, UBND tỉnh Bình Phước đã long trọng tổ chức lễ đón nhận văn bằng bảo hộ “Hạt điều Bình Phước” do Bộ KH&CN công nhận.

Đến dự buổi lễ có đại diện Bộ KH&CN; lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Sở ban ngành, đại diện hiệp hội điều Việt Nam và Bình Phước cùng với các doanh nghiệp trong, ngoài  tỉnh.

Ông Lê Ngọc Lâm – phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và công nghệ trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” .

Phát biểu tại buổi lễ T.S Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN  cho hay: Chỉ dẫn địa lý là một dạng tài sản vô hình để phát triển “thủ phủ” điều Bình Phước và giúp cho bà con có cuộc sống ấm no hơn.  TS. Lâm đề nghị, UBND tỉnh Bình Phước cần tập trung củng cố và nâng cao cũng cố hoạt động của tổ chức hội điều trong tỉnh; chủ động và sáng tạo hơn trong quản lý quản lý hoạt động ngành điều; tổ chức và phát huy chuỗi các giá trị trong liên kết sản xuất, tích cực hỗ trợ nguồn lực… để ngành điều vượt khó, giữ vững thương hiệu gắn liền với chỉ dẫn địa lý.

Chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước gồm có hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân, hạt điều rang muối. Hạt điều nguyên liệu Bình Phước chắc, mẩy, cuống hạt phình to, bề mặt vỏ cứng sáng, mịn, bóng, lắc hạt ít kêu hoặc không kêu, thân hạt điều nguyên liệu dày… Chỉ dẫn địa lý sẽ kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, quảng bá hình ảnh.

Đặc biệt, những người sản xuất kinh doanh, nhất là nông dân trồng điều hưởng lợi từ sản phẩm làm ra xứng đáng với công sức lao động của mình.  Do đó, chỉ dẫn địa lý sẽ tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của địa phương và giá trị hạt điều sẽ ngày càng được nâng cao về chất lượng cũng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm hạt điều Bình Phước.

Buổi sáng cùng ngày, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội thảo giải pháp phát triển ngành hàng điều gắn với quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL) hạt điều Bình Phước. Tại hội nghị, đa số các tham luận tập trung vào các vấn đề như: Giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngành điều Việt Nam và ngành điều Bình Phước, thúc đẩy quản lý CDĐL hạt điều Bình Phước trong bối cảnh hội nhập, chiến lược xúc tiến thương mai cho sản phẩm mang CDĐL hạt điều Bình Phước,

Cụ thể, dự án này thuộc Quỹ tăng cường Năng lực Thương mai (FRCC) do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ, Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam cải thiện hệ thống đăng ký và quản lý CDĐL thông qua cách tiếp cận mới cả về phương pháp luận đến các vấn đề chính sách và thực tiễn. Trên cơ sở kinh nghiệp phát triển CDĐL của Châu Âu, tiến gần đến sự hội nhập trong đăng ký và quản lý CDĐL với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các hoạt động của dự án được triển khai dựa trên các tiếp cận từ lý luận đến thực tiễn, chọn lọc kinh nghiệm kết hợp với điều kiện thực tế về chính sách, thể chế, hoạt động tổ chức sản xuất, cấu trúc và đặc điểm thị trường nông sản Việt Nam.

Hạt điều Bình Phước được coi là ngon nhất thế giới do được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cùng kinh nghiệm tích lũy qua quá trình canh tác, chế biến của dân bản địa. Tuy nhiên ít người biết xuất xứ và nguồn gốc nên phát triển ngành điều gắn với bảo hộ chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước là vấn đề cấp thiết.

Được mệnh danh là “thủ phủ” ngành điều của cả nước, các sản phẩm được chế biến từ nhân điều Bình Phước được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng. Năm 2018 diện tích điều toàn tỉnh có 174.018ha,  năng suất 1,1 tấn/ha cho sản lượng 191.419,8 tấn chiếm gần 33% trên tổng diện tích cây nông nghiệp lâu năm và chiếm hơn 30,03% so với tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Ngành điều đã giải quyết cho hơn 50 ngàn lao động, hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến điều cùng hàng ngàn lao động trực tiếp trong sản xuất và thu mua tại vườn.  Nhờ đó góp phần ổn định cuộc sống cho 71.612 hộ trồng điều trên tổng số 187.881 hộ nông dân của tỉnh.

Hoàng Tuấn