Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bộ GD&ĐT lên tiếng trước đề nghị bỏ phương thức xét học bạ vào đại học

13:10 10/02/2023 GMT+7
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ. Cử tri cho rằng hiện nay, nhiều tiêu cực nảy sinh để "chạy điểm", "làm đẹp" học bạ ở các trường THPT.

Bộ GD&ĐT lên tiếng trước ý kiến đề nghị bỏ phương thức xét học bạ vào ĐH - Ảnh 1.

Bộ GD&ĐT bác kiến nghị bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ - Ảnh minh họa

Trường THPT phải đảm bảo đánh giá đúng kết quả của người học

Trong công văn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai.

Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD&ĐT ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

Theo Bộ GD&ĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.

Từ năm 2016 đến nay, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển đại học phổ biến, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết trong số hơn 240 trường đại học, học viện trên cả nước dành chỉ tiêu cho phương thức này.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. 

Tỉ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ hai trong 18 phương thức, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (52,3%).

Lộ trình thu học phí: Thực hiện theo đúng quy định

Ngoài các kiến nghị về tuyển sinh, cử tri Thanh Hóa cũng nêu vấn đề nhiều trường đại học, nhất là các ngành kỹ thuật, khối ngành y, dược tăng học phí rất cao, ảnh hưởng đến nguyện vọng và nhu cầu của nhiều gia đình và chưa phù hợp với mức thu nhập bình quân thực tế của người dân; Bộ GD&ĐT cần quan tâm điều chỉnh lộ trình thu học phí theo hướng tăng dần theo mức trần và quy định cụ thể về mặt thời gian để hoàn thành việc tăng học phí.

Bộ GD&ĐT trả lời: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81 quy định mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập năm học 2021-2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020-2021 nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Từ năm học 2022-2023, mức trần học phí điều chỉnh căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí đào tạo.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Theo đó giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức học phí năm học 2021-2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình phụ huynh giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống.

Theo Chinhphu.vn