Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Các giải pháp nâng cao năng lực, hoạt động hiệu quả cho cán bộ Hội

Trong mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác cán bộ, coi đó là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…
Ông Phạm Xuân Hồng.

Thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ Hội 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định mục tiêu tổng quát: …Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc...  

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của tổ chức Hội Nông dân, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng và củng cố tổ chức Hội Nông dân các cấp vững mạnh về mọi mặt; tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Đảng ta đã xác định chủ thể của nông nghiệp, nông thôn là giai cấp Nông dân, chính vì vậy, Đảng đã rất coi trọng việc xây dựng và củng cố tổ chức Hội Nông dân. Ngày 15/12/2000 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 59-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục khẳng định: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố Hội Nông dân các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức để Hội thật sự là lực lượng nòng cốt của phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới. Đối với công tác cán bộ Hội, Chỉ thị đã chỉ rõ: Căn cứ vào Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Bảy (khoá VIII) và chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam, các cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền bố trí biên chế cán bộ Hội ở các cấp với cơ cấu hợp lý, bảo đảm chất lượng. Trong quy hoạch cán bộ của Đảng, cần chú trọng quy hoạch cán bộ Hội Nông dân... 

Quan điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội về xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp được khẳng định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba (khóa VII): Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta, để làm tốt công tác cán bộ nhằm xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh vì mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Công tác cán bộ có vai trò quyết định đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng Hội, có ý nghĩa quyết định sự thành công của công tác Hội và phong trào nông dân, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Nông dân Việt Nam. 

Thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, trong những năm qua các cấp ủy Đảng đã luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trưởng thành về nhiều mặt, trình độ học vấn và phương pháp vận động quần chúng từng bước được nâng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức cách mạng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với giai cấp Nông dân, có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhìn chung đội ngũ cán bộ Hội gương mẫu, nói đi đôi với làm và sâu sát cơ sở, hiểu nông dân, có trách nhiệm cao với nông dân, nhiều đồng chí lãnh đạo, quản lý của Hội có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tạo nên những mô hình tiêu biểu trong công tác Hội và phong trào nông dân, được cấp ủy và cán bộ, hội viên nông dân tín nhiệm, đánh giá cao. 

Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới, trước xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ của Hội hiện nay cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Hội. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Hội cũng còn một số hạn chế, bất cập, đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp Hội chưa được đào tạo bài bản, có hệ thống về công tác vận động quần chúng; trình độ ngoại ngữ, kiến thức sản xuất nông nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tin học còn hạn chế; nhiều cán bộ Hội thiếu thực tiễn; năng lực của đội ngũ cán bộ một số tổ chức Hội chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Ông Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao các Quyết định về công tác cán bộ.

9 giải pháp để nâng cao năng lực, hoạt động hiệu quả cho cán bộ Hội 

Xuất phát từ thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ Hội, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hoạt động hiệu quả cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam.

Thứ nhất, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội: Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ Hội cần tập trung nâng cao năng lực theo các nhóm: (1) Năng lực đạo đức công vụ. (2) Năng lực am hiểu địa phương. (3)Năng lực chuyên môn công tác Hội, khả năng nghiên cứu, đề xuất chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (4) Năng lực quản lý điều hành, lập kế hoạch và tổ chức công việc. (5) Năng lực quản trị nhân sự, xây dựng đội ngũ, tạo động lực cho cấp dưới, kiểm tra, giám sát cấp dưới. (6) Năng lực quản trị bản thân, phân tích và giải quyết vấn đề.

Thứ hai, về công tác tuyển chọn, bố trí sử dụng cán bộ: Thực hiện chặt chẽ quy trình xét tuyển, thi tuyển, tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tự chủ cho người đứng đầu cơ quan. Có chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, đã qua thực tiễn và sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ. Hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông, liên kết giữa các khâu trong công tác cán bộ Hội. Hoàn thiện và triển khai hệ thống danh mục, vị trí việc làm, khung năng lực cán bộ Hội gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ Hội các cấp, bảo đảm bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc. Đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Thí điểm thi tuyển cấp lãnh đạo quản lý Hội các cấp. 

Thứ ba, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Đẩy mạnh đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng và tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đổi mới, cập nhật nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng, đảm bảo tính khoa học, liên thông và có tính kế thừa, phù hợp với đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội. Thúc đẩy phong trào tự học tập, tự nghiên cứu, trao đổi kỹ năng nghiệp vụ.

Thứ tư, về công tác điều động, luân chuyển cán bộ: Phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển, điều động với ổn định; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Quan tâm cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; lựa chọn, phát hiện cán bộ trẻ có năng lực nổi trội. Tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn, rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm; đồng thời quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển.

Xây dựng Đề án luân chuyển cán bộ đi địa phương, cơ sở: Đối với Trung ương Hội, phối hợp với cấp ủy, thí điểm luân chuyển xuống tỉnh 3 năm để rèn luyện thêm kinh nghiệm. Đối với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố: Trước mắt thí điểm luân chuyển dọc theo hệ thống, phối hợp và thống nhất với cấp ủy địa phương đưa cán bộ Hội Nông dân cấp huyện hoặc Hội Nông dân cấp tỉnh về làm chủ tịch Hội cơ sở hoặc chủ tịch Hội cơ sở lên công tác tại Hội Nông dân cấp huyện hoặc Hội Nông dân cấp tỉnh có thời hạn (6 tháng, 1 năm).

Thứ năm, tạo môi trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua hoạt động thực tiễn: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy và cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu quả; tập trung vào các nội dung đổi mới đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền gắn với tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân; định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với hội viên, nông dân; phát động, tổ chức các phong trào, hoạt động thiết thực, cụ thể của Hội Nông dân cơ sở để cán bộ được rèn luyện và trưởng thành.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ: Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể đối với cán bộ Hội ở từng cấp, đánh giá đúng thực chất, công tâm, khách quan. Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Hội. Rà soát, sàng lọc kỹ để kịp thời thay thế những người năng lực hạn chế, uy tín thấp. Triển khai thí điểm đánh giá đối với người đứng đầu thông qua các bài thi sát hạch cuối năm. 

Thứ bảy, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ Hội: Chú trọng đưa vào qui hoạch những cán bộ đã được rèn luyện, thử thách, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Quy hoạch phải sát với thực tiễn, trên cơ sở nắm chắc cán bộ hiện có và nguồn cán bộ, dự báo được yêu cầu sắp đến, đề ra được các biện pháp tích cực, khả thi, hiệu quả. Hằng năm đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; phát hiện, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển.

Thứ tám, tiếp tục quan tâm chế độ chính sách đối với cán bộ Hội: Về chính sách đào tạo bồi dưỡng, Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thành Hội, cần tích cực tham mưu, đề xuất để tăng nguồn kinh phí cho việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, trong đó ưu tiên đối với cán bộ người dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, nơi có đông hội viên, nông dân theo đạo và cán bộ nữ…

Đề nghị thực hiện bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; vị trí phó chủ tịch Hội Nông dân cơ sở bố trí kiêm nhiệm một vài vị trí khác để tăng tiền lương, phụ cấp cho cán bộ Hội cơ sở. 

Thứ chín, giải pháp về tổ chức thực hiện: Xây dựng khung yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh cho từng vị trí công tác ở mỗi cấp Hội để làm cơ sở phân loại, đánh giá cán bộ một cách thực chất. Ban hành Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm đối với công chức, viên chức Hội Nông dân. Tập trung xây dựng người đứng đầu Hội các cấp thật sự gương mẫu; công tâm, liêm chính; quyết liệt trong hành động; bản lĩnh vững vàng, quan điểm đúng đắn, quyết đáp, linh hoạt, nhạy bén trong xử lý tình huống, “ đúng vai, thuộc bài”. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng thông qua hoạt động thực tiễn và hướng dẫn kèm cặp. Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng xác định người học là trung tâm; nâng cao năng lực thông qua hoạt động thực tiễn và hướng dẫn kèm cặp. Triển khai xây dựng Đề án Đào tạo, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ chuyên trách Hội Nông dân Việt Nam. 

Từ thực tiễn công tác xây dựng tổ chức bộ máy cán bộ, Hội Nông dân Việt Nam đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có liên quan một số nội dung sau:

Thứ nhất, kiến nghị, đề xuất với Trung ương: Sửa đổi, bổ sung Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư. Trong đó đối với tổ chức bộ máy Hội Nông dân cấp tỉnh: Đổi tên Trung tâm Hỗ trợ nông dân để các Trung tâm tổ chức dạy nghề cho nông dân theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thành lập thêm đầu mối đơn vị Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân và từng bước chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập có thu để thực tốt chức năng, nhiệm vụ. Ban hành Quy định về luân chuyển cán bộ, trong đó quy định cụ thể về luân chuyển cán bộ khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sang khối các cơ quan đảng, chính quyền các cấp. 

Thứ hai, kiến nghị, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền: Quan tâm xây dựng quy hoạch cán bộ Hội trong tổng thể quy hoạch về cán bộ của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Thực hiện luân chuyển cán bộ trong hệ thống tổ chức Hội Nông dân. Bố trí cán bộ chủ chốt Hội Nông dân các cấp tham gia cấp uỷ và Hội đồng Nhân dân các cấp. Quan tâm chế độ chính sách nhất là phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách Hội Nông dân cơ sở: Phó Chủ tịch và Chi hội trưởng Nông dân để cán bộ yên tâm công tác, cống hiến.