Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cách làm hay trong xử lý rác ở nông thôn

Hoàng Tính - 07:27 19/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) - Xử lý rác thải sinh hoạt ở các địa phương miền núi vốn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố từ: Kinh tế, vận chuyển… chính vì vậy Hội Nông dân thị trấn Nguyên Bình (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã tuyên truyền và phối hợp với các tổ chức đoàn thể để xây dựng lò đốt rác mi ni, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết rác ở địa phương và đảm bảo nâng cao tiêu chí môi trường.

Để xử lý rác thải góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian qua Hội Nông dân thị trấn Nguyên Bình đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nhân dân tham gia làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng lò đốt rác thải mi ni. Bước đầu thực hiện đã đem lại kết quả tích cực góp phần quan trọng trong tiêu chí môi trường ở địa phương.

Lò đốt rác mini đã góp phần vào công tác bảo vệ môi trường của bà con nông dân. Ảnh: HND Thị trấn Nguyên Bình

Ông Hà Văn Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nguyên Bình cho biết: Để đảm bảo tiêu chí môi trường trên địa bàn thị trấn, thời gian qua Hội Nông dân đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con phân loại rác hữu cơ và cô cơ. Rác hữu cơ thì đem đi ủ, chôn lấp để làm phân bón cho cây trồng; còn lại rác vô cơ thì đem xử lý đốt. Để hỗ trợ người dân xây dựng lò đốt rác mini, tại xóm Nà Gọn (Thị trấn Nguyên Bình) Hội Nông dân đã hỗ trợ xây dựng và bàn giao 04 lò đốt rác trong tháng 5/2022.

Với phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, Hội Nông dân thị trấn Nguyên Bình đã cùng các đoàn thể của thị trấn đã hỗ trợ nguyên vật liệu trị giá trên 4.000.000 đồng; bao gồm: gạch, xi măng, cát sỏi, tấm lợp, sắt thép còn các hộ nông dân tự nguyện đóng góp ngày công lao động để xây dựng lò.

Lò đốt rác đi vào sử dụng đã góp phần xử lý hiệu quả nguồn rác thải vô cơ của các hộ gia đình trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời nâng cao ý thức, thói quen phân loại, xử lý rác cho người dân, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên, nhân dân; giúp cho môi trường nông thôn sạch đẹp.

Chia sẻ về hiệu quả của lò đốt rác mi ni chị Nông Thị Uyên (người dân xóm Nà Gọn) cho hay: Trước đây khi chưa có lò đốt rác, gia đình chị thường gom các loại rác vứt ở góc vườn, khi nào nhiều thì mới đốt, những hôm trời mưa, trời ẩm rất là mất vệ sinh, nay có lò đốt rác mọi việc đã thuận lợi rất nhiều.

Cùng suy nghĩ với chị Uyên, anh Đàm Văn Dũng cho biết: Từ khi có lò đốt rác, gia đình tôi cũng chủ động phân loại rác ngay trong sinh hoạt hàng ngày. Rác hữu cơ như: Cọng rau, vỏ trứng, vỏ hoa quả… thì được đem chôn lấp, ủ trong vườn làm phân bón. Còn rác vô cơ như vỏ bánh kẹo, túi bóng… được gom lại để riêng, cứ 1 tuần tối lại đem ra lò đốt 1 lần chỉ từ 10-15 phút là cháy hết, rất nhanh.

Có thể nói, việc triển khai mô hình lò đốt rác mini ở xóm Nà Gọn đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, tạo thói quen phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn.