Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cam, bưởi xứ Nghệ đã “thầm yêu” phân bón Văn Điển   

16:14 04/11/2019 GMT+7

“Được bón phân Văn Điển, cây cam khỏe, đậu quả cao, không rụng quả, quả lớn đều, vỏ quả bóng đẹp, ngọt thơm, đặc biệt sâu bệnh ít, giảm 50% chi phí thuốc trừ sâu bệnh, năng suất năm nào cũng đạt từ 25 đến 30 tấn/ha” – ông  Trương Văn Nam, nông dân xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An chia sẻ.

Ảnh: Vườn bưởi Phúc Trạch của nhà ông Bùi Ngọc Dung (xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) có 100 cây, năm nay cho thu hoạch khoảng 2000 quả. Ảnh minh họa: BHT.

Không chỉ góp phần làm thay da đổi thịt cho vườn cam ở xã Thọ Hợp, phân bón Văn Điển đã được nhiều hộ dân trồng cây có múi ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đón nhận từ nhiều năm qua.

Tỉnh Nghệ An có gần 8000ha cây có múi, Hà Tĩnh có hơn 6000ha. Trong đó, cây cam chiếm đến trên 70%, còn lại là bưởi và cây có múi  khác. Địa bàn trồng cây có múi ở Nghệ An tập trung ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương. Còn ở Hà Tĩnh, Vũ Quang, Can Lộc, Hương Khê… Đất trồng cam, bưởi ở hai địa phương trên thuộc các nhóm đất đỏ bazan, đỏ vàng có tầng canh tác dày hàng mét, tương đối tơi xốp, kết cấu hạt thường là thịt nhẹ, hoặc thịt pha cát trên các vùng đồi thoải xen theo các dãy núi, dễ thoát nước. Khí hậu ở đây nóng ẩm, có cường độ ánh sáng mạnh vào mùa hè và khô hanh, lạnh về mùa đông thích hợp cho cây có múi phân hóa mầm hoa và tích lũy, đường quả.

Tuy nhiên độ màu mỡ đất bị giảm sút nhanh chóng, nhiều nơi đất bạc màu, chua tầng mặt, nghèo mùn, nghèo đến rất nghèo các loại chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây cam, bưởi, như canxi (vôi), magie, silic, lưu huỳnh, cùng vi lượng bo, kẽm, đồng…

Cải thiện chất đất, xây dựng vùng cam chất lượng cao

Trao đổi với phóng viên Làng Mới, kỹ sư Nguyễn Xuân Thự – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình cho biết: Theo kết quả điều tra các mẫu đất thu thập được tại các xã Minh Hợp (Quỳ Hợp), Nghĩa Long, Nghĩa Hồng thuộc Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), một số địa phương của các huyện Can Lộc, Hương Khê (Hà Tĩnh) cho thấy: pH < 4,0 (trong khi cây cam, bưởi cần pH 5,0 – 6,0). Hàm lượng mùn % rất nghèo < 2,0; nghèo lân, kali dễ tiêu, nghèo magie, vi lượng. Trong thời gian dài, người trồng cam, bưởi chỉ chú trọng sử dụng phân bón hóa học, có những loại chua như supe lân được bón khối lượng lớn nhằm khai thác năng suất cao, tron khi phân hữu cơ ít được đầu tư, làm giảm chất mùn trong đất. Thêm vào đó, trong quá trình canh tác, tác động của mưa bào đã bào mòn đất, rửa trôi màu mỡ theo dòng chảy ra sông, suối, làm cho đất thoái hóa rất nghiêm trọng.

Kết quả khảo sát thực tế một số nhà vườn cam ở các huyện Quỳ Hợp, Hương Khê (có sự tham gia của kỹ sư Nguyễn Xuân Thự) cho thấy: Bà con nông dân nhận thức còn hạn chế về phân bón, thích dùng đạm, dùng phân đơn hoặc dùng NPK thông thường, các loại phân này chỉ cung cấp được từ 1 – 3 thành phần N-P-K, thiếu hoàn toàn vôi, magie, silic, lưu huỳnh, vi lượng, nhiều nhà vườn bón lượng đạm rất cao làm cho cây yếu, sức đề kháng sâu bệnh giảm, năng suất, chất lượng kém, khiến thương hiệu cam Vinh, bưởi Phúc Trạch giảm phần nào chất lượng.

Nhằm tập trung phát triển cây có múi, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xây dựng các vùng sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, khôi phục lại thương hiệu nổi tiếng của cam xã Đoài, bưởi Phúc Trạch. Trong những biện pháp canh tác cây cam bưởi đang được áp dụng, phân bón Văn Điển được chọn đầu tư cho các vùng trọng điểm để phát triển năng suất, chất lượng cây có múi.

Ông  Trương Văn Nam – chủ vườn cam ở xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An chia sẻ: “Cách đây 5 năm, 400 gốc cam của gia đình tôi sử dụng hoàn toàn phân đơn. Sâu bệnh nhiều, ít quả, vào thời kỳ gần thu hoạch quả rụng thối rất nhiều. Mẫu mã quả kém, năng suất thấp, chất lượng giảm. Nhưng từ ngày tiếp cận phân bón Văn Điển đến nay đã 5 vụ cam đều cho năng suất cao gấp 2 lần so với trước đây, mẫu vỏ đẹp, ngọt đậm, không có cam mà bán vì thị trường yêu cầu nhiều”.

Phân đa yếu tố NPK 12.8.12 dùng bón cho cam rất tốt. Ảnh tư liệu

Loại phân Văn Điển mà ông Nam bón cho cây cam hiệu quả là lân nung chảy và phân đa yếu tố NPK 12.8.12, phân đa yếu tố NPK 12.7.20, phân lân Văn Điển và đa yếu tố NPK 12.8.12 được bón sau thu hoạch quả cùng với phân hữu cơ hoai mục. Các đợt bón đón hoa và sau đậu quả cũng bằng đa yếu tố NPK 12.8.12, riêng đợt bón nuôi quả lớn và đợt bón trước thu quả 40 – 50 ngày thì dùng đa yếu tố NPK 12.7.20 giá trị đầu tư thấp hơn bón phân đơn và các loại NPK thông thường từ 8 – 12%. “Phân bón Văn Điển làm thay da đổi thịt cho cây cam ở đất Thọ Hợp này” – ông Nam nhận xét.

Cây cam “trẻ lại”, năng suất đạt hơn 30 tấn/ha

Không chỉ ở xã Thọ Hợp, các vườn cam ở xã Văn Lợi (huyện Quỳ Hợp) cũng sử dụng phân Văn Điển. Chị Nguyễn Thị Thắm – nông dân ở xã Văn Lợi cho biết: “Gia đình tôi có 1,5ha cam, mấy năm trước được chọn làm mô hình bón phân Văn Điển, lúc đầu còn băn khoăn chưa tin lắm, nhưng sau khi đầu tư phân Văn Điển khép kín từ đợt bón sau thu quả, bón đón hoa, bón nuôi quả và bón thúc quả chín (trước thu quả 50 ngày bón đợt cuối), cam như trẻ lại, cây no đủ, bộ lá dày, xanh đậm, mặt lá sáng bóng, độ bền cao, sai quả, quả đồng đều, màu vỏ quả bóng, vàng đều khi chín, ăn ngọt đậm thanh, rất ít dùng thuốc sâu, chất lượng tốt, năng suất đạt hơn 30 tấn quả/ ha, tăng hơn 15% so với bón NPK thông thường”. Từ kết quả vườn cam của gia đình chị Thắm, hội nghị đầu bờ được tổ chức. Nhiều nhà vườn ở xã Văn Lợi cũng sử dụng phân Văn Điển đều cho kết quả tốt. Hiện nay trên 500 ha cam ở đây đều bón phân Văn Điển.

Đồng tình với nhận xét của bà Thắm, ông Nguyễn Văn Ngọc, một người dân khác của  xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) đánh giá: “Cam ở Minh Hợp vốn đói nhiều loại dinh dưỡng mà lâu nay chưa được cho ăn đầy đủ. Mấy năm gần đây Minh Hợp có gần 2000ha cam được tiếp cận phân bón Văn Điển, cây no đủ, khỏe mạnh, giảm sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng, nâng cao rõ rệt. Phân bón Văn Điển rất phù hợp với đồng đất, cây cam ở Minh Hợp, giá phải chăng. Tính ra, nhà vườn chỉ đầu tư tương đương như các loại phân khác, nhưng phân bón Văn Điển cho năng suất, chất lượng cao hơn, sản phẩm dễ tiêu thụ hơn, người trồng cam thu lời nhiều hơn”.

“Phân tốt, rất phù hợp với cây bưởi Phúc Trạch”

Còn ở xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nơi có gần 1.500 ha bưởi thì phân bón Văn Điển đã “bén duyên” từ lâu. Hơn chục năm nay bà con trồng bưởi Phúc Trạch đã sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển bón cho cây bưởi vào giai đoạn sau thu hoạch quả từ 2 – 4kg/cây cùng với phân hữu cơ hoai mục để kích thích cho rễ tơ phát triển. Một số nhà vườn còn bón lân nung chảy Văn Điển giai đoạn sau đậu quả. Với phân đa yếu tố NPK Văn Điển loại 12.8.12 và 12.7.20 (xem bao bì như ảnh dưới đây), người trồng bưởi Phúc Trạch thường bón đón hoa và thời kỳ nuôi quả.

Ông Nguyễn Hữu Cầu ở xã Phúc Trạch chia sẻ: “Trước đây vườn bưởi của gia đình có 0,7ha, năng suất thấp lắm, đất bạc màu, chua, bưởi đã trồng 18 năm, nhiều sâu hại phá, gia đình chưa hiểu rõ khoa học kỹ thuật nên bón quá nhiều phân đạm, thời gian sau có dùng cả NPK nữa nhưng cây vẫn còi cọc, cành khô nhiều, quả nhỏ. Sau khi tham quan mô hình bón phân Văn Điển về, tôi áp dụng ngay cả  phân lân và đa yếu tố NPK Văn Điển theo quy trình kỹ thuật. Năm đầu đã thấy ngay hiệu quả, thế là tiếp sử dụng phân Văn Điển cho đến tận bây giờ. Ở Phúc Trạch rất nhiều gia đình trồng bưởi ưa chuộng phân Văn Điển. Đây là phân tốt, rất phù hợp với cây bưởi Phúc Trạch”.

Phân lân Văn Điển, phân đa yếu tố NPK Văn Điển đều là phân chứa nhiều yếu tố dinh dưỡng: Phân lân Văn Điển có 16% P2O5 dễ tiêu, 30% vôi, 15% magie, 24% silic và 6 chất vi lượng, tan hoàn toàn trong dịch chua của rễ cây tiết ra, chậm tran trong nước nên ít rửa trôi, tốt bền đặc biệt đất đồi núi, dốc tụ trồng cây lâu năm.

Phân đa yếu tố NPK Văn Điển được sản xuất từ lân Văn Điển cộng thêm đạm, kali, lưu huỳnh trên dây chuyền hiện đại sản xuất ra các dòng sản phẩm đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Thành phần dinh dưỡng trong phân đa yếu tố (ĐYT) NPK có đầy đủ cân đối (N, P, K), có vôi (CaO), magie (MgO), silic (SiO­2), lưu huỳnh (S); cùng với dinh dưỡng vi lượng. Điều khác biệt nhất của phân bón Văn Điển về chất lượng là đầy đủ nhất về các chất dinh dưỡng, vậy nên khi bón phân Văn Điển cây trồng no đủ, sinh trưởng khỏe mạnh, sức đề kháng cao ít sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng vượt trội. Chính vì thế mà phân bón Văn Điển đã trụ vững trên đồng đất thâm canh cây cam đặc sản Quỳ Hợp (Nghệ An) và cây bưởi Phúc Trạch, Hương Khê (Hà Tĩnh) trong nhiều năm qua.

Việt Hà – Nam Phong