Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cảnh giác tai nạn thương tích trẻ thường gặp phải trong những ngày nghỉ Tết

07:34 20/01/2023 GMT+7
Dịp Tết, trẻ được nghỉ học dài ngày trong khi người lớn tất bật với công việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa, buôn bán, mua sắm… ít có thời gian trông trẻ nên thời điểm này trẻ rất dễ bị tai nạn thương tích. Theo các bác sĩ, các tai nạn thương tích trẻ gặp phải nhiều nhất trong những ngày nghỉ lễ Tết như hóc dị vật, tại nạn giao thông, bị té ngã, bỏng…

Tai nạn chấn thương

Theo các bác sĩ, té ngã là một trong những tai nạn trẻ thường gặp phải trong những ngày Tết. Nguyên nhân trẻ chạy nhảy, leo trèo cây, cầu thang… lúc người lớn không để ý hoặc chạy nhảy vào khu vực trơn trượt khi người lớn đang lau nhà, tổng vệ sinh nhà khi ăn Tết. Những chấn thương trẻ gặp phải khi té ngã có thể bị chấn thương phần mềm, xây xát da tại chỗ, còn nặng hơn trẻ có thể bị gãy xương, chấn thương não…

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, thời điểm Tết, phụ huynh có thể chưng các cây kiểng có gai, đào mai giả gắn cành cây khô bằng kẽm sắc nhọn dễ gây thương tích. Trẻ nhỏ cũng có thể làm đổ những chậu kiểng, bình bông kê ở vị trí trẻ có thể với tới, bình rơi vỡ có thể khiến trẻ chấn thương.

Những ngày Tết, trẻ cũng không được ăn uống nề nếp như ngày thường, hay vừa ăn vừa chơi nên nhiều trường hợp trẻ cầm muỗng, đũa ăn và chạy chơi bị ngã, xốc vào miệng/mũi gây tổn thương vùng hầu họng.

Theo đó, để phòng trẻ bị các chấn thương, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không cho trẻ chơi ở ao, hồ, sông, suối, lòng đường và các bề mặt trơn trợt.

Hóc dị vật

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, Tết đến, tai nạn hóc sặc dị vật trở nên phổ biến ở trẻ em. Một số trường hợp có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ bởi dị vật nguy hiểm như pin hoặc các loại đậu, hạt đầu nhọn dễ bít lòng, trầy xước, tổn thương và tắc nghẽn đường thở.

Chẳng hạn như mới đây, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhi 11 tuổi, ngụ Tiền Giang, nhập viện trong tình trạng khó thở nặng, ho nhiều sặc sụa và sốt nhẹ… Kết quả chụp chiếu cho thấy bé bị hóc dị vật đường thở. Bác sĩ nội soi kết hợp gây mê gắp ra chiếc đầu bút đang nằm bít phế quản trung gian phổi.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến trẻ bị hóc dị vật đường thở tăng vào những ngày nghỉ Tết là do thời điểm này trẻ dễ tiếp xúc với các loại hạt như hạt hướng dương, hạt bí, bánh kẹo… Khi không có sự giám sát của người lớn, trẻ ở lứa tuổi từ 1 đến 3 thường hiếu động, tò mò và hay có thói quen đưa vật lạ vào miệng ngậm, có thể dẫn tới hóc dị vật.

Bác sĩ khuyến cáo, phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn trên hoặc khi ăn phải lấy hết hột ra. Khi trẻ ăn uống, cha mẹ cần quan sát con và hướng dẫn con ăn chậm, nhai kỹ…

Bỏng nước sôi và điện giật

Dịp Tết, các gia đình thường diễn ra nhiều hoạt động nấu nướng cho các bữa tiệc tất niên, tân niên, cúng gia tiên… Đặc biệt nấu bánh chưng, bánh tét với những nồi nước sôi khổng lồ, lửa cháy bập bùng. Nhiều trẻ chạy nhảy không quan sát dễ dẫn đến bỏng lửa hay làm đổ nước sôi hoặc lọt thỏm vào nồi nước. Ngoài ra, trẻ còn bị bỏng do nhang, đèn dầu, đèn cầy thắp khi cúng hoặc bỏng do bàn ủi khi phụ huynh ủi đồ chuẩn bị mặc đi chơi tết, bất cẩn để nguyên bàn ủi rồi đi làm việc gì khác, trẻ chạy chơi đụng trúng.

Ngày Tết, trẻ còn có nguy cơ bị điện giật bởi các gia đình hay trang trí nhà cửa bằng các loại dây đèn nhấp nháy nhiều màu trên cành đào, cành mai. Đồng thời, các thiết bị điện, ổ cắm điện không có dụng cụ bảo vệ dễ gây nguy hiểm với trẻ nhỏ. Hậu quả điện giật khiến trẻ bị thương nặng, bỏng điện, tử vong ngay lập tức.

Các cha mẹ cần phòng ngừa bằng cách hạn chế trang trí đèn nhấp nháy hoặc để ở xa tầm với trẻ. Các ổ điện được che kín bằng các nút nhựa an toàn.

Ngộc độc hóa chất và ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc hóa chất là một trong những tai nạn thường gặp trong dịp Tết nguyên Đán. Nguyên nhân do nhiều gia đình mua các loại hóa chất về lau dọn, sơn sửa nhà cửa và các hóa chất này phụ huynh để vào các chai nước suối, nước ngọt… trong tầm tay của trẻ, trẻ vô tình uống phải.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Thị Oanh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, đáng lo ngại nhất là trẻ uống nhầm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Những hóa chất này chỉ cần uống một lượng nhỏ, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, ngày Tết trẻ thường ăn uống quá nhiều thức ăn, đặc biệt là các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ và đường; nguồn thực phẩm không sạch và nước có gas ngày Tết càng khiến trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm. Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ thường có cảm giác buồn nôn, nôn ra máu, đau bụng, tiêu chảy… Khi trẻ có dấu hiệu ngộ độc thức ăn, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Nếu thấy trẻ nôn trên 5 lần, tiêu chảy trên 5 lần, sốt cao, khô môi, mắt trũng, khát nước… cần đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Phòng ngừa tai nạn này bằng cách không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát hoặc các hóa chất phải để xa tầm với và tầm nhìn của trẻ. Bên cạnh đó, cho trẻ dùng thực phẩm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo TTXVN/Vietnam+