Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cây Sơn Tra – sản vật của núi rừng

13:04 03/09/2021 GMT+7

Sơn Tra (còn gọi là Táo Mèo) vốn là cây rừng mọc tự nhiên gắn với vùng đất và con người Yên Bái. Với những lợi ích kinh tế, giờ đây những cây Sơn Tra đã và đang đem lại vị ngọt ngào, trở thành công trồng chủ lực, thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Từ mọc hoang trở thành cây chủ lực thoát nghèo
Cây Sơn Tra giờ đây đã là một sản vật của núi rừng Yên Bái. Sản phẩm từ Sơn Tra như: Quả tươi, quả khô, mứt, ô mai, rượu, giấm… đã phổ biến cả nước. Giá trị từ cây Sơn Tra vừa tạo nên vẻ đẹp tự nhiên và đem lại cuộc sống đổi thay cho người dân tỉnh Yên Bái.
Dịp tháng 8 hàng năm, Sơn Tra bắt đầu cho thu hoạch. Cây Sơn Tra ở Yên Bái tập trung nhiều nhất ở các huyện vùng cao như Mù Cang Chải, Trạm Tấu và một phần huyện Văn Chấn. Cây sinh trưởng tự nhiên trong những cánh rừng có chiều cao trung bình 7 – 10m, tán lá rộng, lá sơn tra xanh pha tím thẫm, hoa sơn tra trắng muốt, cánh dày.
Sơn Tra ra hoa vào cuối mùa Xuân và cho thu hái quả vào mùa Thu (mùa quả chín rộ từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm). Khi chín quả có màu hồng trắng hoặc vàng trong, hơi dẹt. Khi ăn có vị ngọt, giòn, hơi chua và chan chát với mùi thơm hấp dẫn.
Quả Sơn Tra có rất nhiều công dụng như: Ngoài việc chế biến làm ô mai, nước giải khát, thì trong Đông y, Sơn Tra cũng là vị thuốc dùng để chữa đầy bụng, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, hạ mỡ máu… Sơn Tra là cây trồng có sức sống vô cùng mãnh liệt, bởi đây là cây mọc hoang trên các đỉnh núi, sườn đồi chính vì vậy khi người dân đem về trồng dù ở các nương rẫy bạc màu, vùng đất khô cằn… cây Sơn Tra đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại huyện Mù Cang Chải, trung bình mỗi năm, người dân thu hái được hơn 2.000 tấn quả Sơn Tra. Theo anh Giàng Páo Dê (xã Lao Chải, huyện Mù Căng Chải) cho biết: Nhiều gia đình ở Lao Chải chúng tôi có xe máy, có nhà, có ti vi… cũng là nhờ tiền bán những quả cây Sơn Tra. Trước đây chúng tôi chỉ đi nhặt quả Sơn Tra trên rừng về bán. Nhưng từ khi phát hiện ra giá trị kinh tế của loại cây này, nhiều hộ đã chủ động trồng và chăm sóc. Nhà tôi hiện có 5ha đang cho thu hoạch, mỗi năm cũng thu khoảng 200 triệu đồng.

Từ tháng 8 du khách có thể tới huyện Mù Căng Chải, huyện Trạm Tấu để khám phá những vườn quả Sơn Tra. Ảnh A Lù

Sức bật từ “Đề án”

Nhận thấy giá trị kinh tế to lớn từ cây Sơn Tra, năm 2016 để hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển, tỉnh Yên Bái đã triển khai “Đề án phát triển cây Sơn Tra tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2016 – 2020”.
Đề án đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 diện tích Sơn Tra đạt 10.000ha, sản lượng đạt trên 7.500 tấn. Diện tích trồng Sơn Tra bao gồm trồng mới trên đất chưa có rừng là 2.500ha; trồng trên đất nương rẫy kém hiệu quả 1.000ha; trồng trên đất trồng thông bị ảnh hưởng do rét đậm rét hại có thể trồng xen cây sơn tra 800ha; trồng trên đất trồng thông sau khai thác 200ha; trồng bổ sung cây Sơn Tra trong rừng tự nhiên phòng hộ nghèo kiệt đang khoán cho các hộ, nhóm hộ bảo vệ ổn định 1.700ha… Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ trồng mới 5.389,9ha, với tổng kinh phí hỗ trợ là 42.026,4 triệu đồng.

Từ khi triển khai Đề án, các hộ gia đình ở huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải đã được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sơn Tra một cách bài bản. Trở về từ những lớp tập huấn, người dân còn được hỗ trợ về cây giống, tiền công trồng, tiền công bảo vệ và được hưởng toàn bộ sản phẩm khi cây cho quả. Ngoài tiền bảo vệ rừng thì bình quân mỗi thành viên tham gia trồng Sơn Tra theo Đề án cũng có thêm thu nhập khoảng 4,5 triệu/năm, đó cũng là phần thu nhập đáng kể cho đời sống bà con vùng miền núi còn nhiều khó khăn.

Tính đến hết năm 2020, diện tích Sơn Tra toàn tỉnh Yên Bái đạt 9.369ha, tăng 5.546ha so với năm 2015; sản lượng quả đạt trên 5.000 tấn. Nếu tính giá bình quân 7.000 đồng/kg thì mỗi năm người dân Yên Bái có nguồn thu khoảng 35 tỷ đồng, chưa kể các hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác.

Cây Sơn Tra đã đem lại cuộc sống đổi thay cho nhiều hộ dân huyện Mù Căng Chải. Ảnh A Lù

Giảm nghèo bền vững

Trao đổi về hiệu quả của cây Sơn Tra trong phát triển kinh tế, ông Giàng A Sáy – Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết: Tiềm năng trong phát triển kinh tế từ cây Sơn Tra là rất lớn, chính vì vậy xã Xà Hồ đã vận động bà con trồng và phát triển cây Sơn Tra lên 100ha. Trong đó đã có 60ha cho thu hoạch. Cây Sơn Tra đã mang lại việc làm, thu nhập đặc đặc biệt là góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xã. Giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã Xà Hồ đã giảm 8,2%.

Bên cạnh nguồn lợi từ quả, việc chuyển đổi trồng Sơn Tra còn đem lại nhiều lợi ích khác như: Người dân đã thay đổi được thói quen canh tác; thay đổi ý thức trong việc bảo vệ rừng, hạn chế những vụ cháy rừng, duy trì nguồn sinh thủy cho lưu vực sông Hồng, sông Đà, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân…

Một giá trị khác từ cây Sơn Tra đã đem lại đó chính là tạo ra cảnh quan tự nhiên tươi đẹp của núi rừng Tây Bắc hùng vỹ. Hàng năm vào các mùa hoa, mùa quả Sơn Tra các huyện Mù Căng Chải, Trạm Tấu đã đón hàng vạn khách du lịch từ khắp các nơi trên cả nước từ TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… đến cả những du khác quốc tế tới thăm quan và trải nghiệm.

Cây Sơn Tra đã và đang đem lại nhiều lợi ích cho bà con các dân tộc tỉnh Yên Bái. Những cánh rừng Sơn Tra bạt ngàn đang từng ngày góp phần tạo nên một cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Yên Bái. Đây cùng là động lực để trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ hiệu quả để phát triển loại cây trồng giá trị này.

Tính đến hết năm 2020, diện tích Sơn Tra toàn tỉnh Yên Bái đạt 9.369ha, tăng 5.546ha so với năm 2015; sản lượng quả đạt trên 5.000 tấn. Nếu tính giá bình quân 7.000 đồng/kg thì mỗi năm người dân Yên Bái có nguồn thu khoảng 35 tỷ đồng.

Hoàng Tính