Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chế tài xử lý hành vi giết mổ động vật bị bệnh để bán, để chế biến thực phẩm bán

07:28 04/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Dịp cuối năm, nhất là dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thịt trâu, bò, lợn, gà… tăng lên rất nhiều thì nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tăng lên. Nhiều bạn đọc bày tỏ băn khoăn về những nguy cơ đó. Chúng tôi xin trích đăng một số câu hỏi và giải đáp của tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai (giảng viên Học viện Tư pháp) xung quanh vấn đề này.
Cán bộ kiểm soát giết mổ của T.P Thái Nguyên đóng dấu cho động vật đủ điều kiện trước khi xuất ra thị trường.

Bạn đọc Hoàng Hải (Vĩnh Long): Vận chuyển lợn, gà chết để mang đi bán bị xử lý thế nào?

Theo Khoản 5, Điều 20, văn bản số 02/VBHN-BNNPTN ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y” thì: Hành vi vận chuyển động vật chết, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng. Ngoài ra còn bị buộc tiêu huỷ toàn bộ số lợn, gà đó.

Bạn đọc Bùi Xuân Trường (Hà Nội): Giết mổ động vật bị bệnh, bị chết để bán bị xử lý ra sao?

Căn cứ điểm b, Khoản 9, Điều 20 văn bản số 02/VBHN-BNNPTN thì: Giết mổ động vật mắc bệnh, kinh doanh sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục các bệnh cấm giết mổ, chữa bệnh theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Bên cạnh đó còn bị buộc tiêu huỷ động vật, sản phẩm động vật.

Bạn đọc Phạm Cao Doanh (Đà Nẵng): Dùng thịt động vật như thịt lợn, gà… không đảm bảo vệ sinh hoặc bị chết do bệnh, dịch để chế biến ra thực phẩm hoặc bán thực phẩm có nguồn gốc từ  thịt lợn, gà… chết do bệnh, dịch bị phạt thế nào?

Trường hợp này người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP. Cụ thể là:

 - Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.

- Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 * Các bạn lưu ý, người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 lần đến 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động sản xuất chế biến…và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm…theo quy định tại Khoản 6,7 Điều 4 Nghị định số  115/2018/NĐ-CP.

Bạn đọc Trần Đức Ninh (TP. Hồ Chí Minh): Đề nghị cho biết chế tài xử lý đối với việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ lợn, gà chứa chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản?

Theo quy định tại khoản 11, Điều 20, văn bản số 02/VBHN-BNNPTN thì: Hành vi vận chuyển, kinh doanh, lưu giữ, giết mổ động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Bên cạnh đó còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu, tiêu huỷ số lợn, gà đó.

Bạn đọc Hoàng Thế Vinh (Quảng Ninh): Thịt lợn, gà có chứa chất cấm trong chăn nuôi là điều người tiêu dùng lo ngại nhất. Vậy người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử lý ra sao? Khi nào người có hành vi vi phạm trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử lý hình sự?

Căn cứ Khoản 4, Điều 28, Nghị định 14/2021/NĐ-CP  ngày 01.03.2021 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi” và Khoản 15 Điều 4 Nghị định 07/2022/NĐ-CP  thì:

Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án. Bên cạnh đó còn bị buộc tiêu hủy chất cấm và vật nuôi đã sử dụng chất cấm.

Các bạn lưu ý, các mức xử phạt nêu trên là áp dụng đối với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt tiền gấp đôi.

Bạn Chu Hồng (Cần Thơ): Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hay bán thịt lợn, gà… chết do bệnh, dịch rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Vậy họ có bị xử lý hình sự không?

Không chỉ bị xử phạt hành chính, người có hành vi vi phạm như đã nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội:  Sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193) theo quy định tại BLHS năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2017

Đối với việc sử dụng chất cấm, sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh để chế biến thực phẩm còn bị xử lý về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”  theo Điều 317, BLHS năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Cụ thể là: 

 “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;...”

Lê Chiên (ghi)