Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chi hội nghề nghiệp “5 cùng” thu 3 tỷ đồng/năm

07:06 30/07/2021 GMT+7

Đức Thọ (Hà Tĩnh) được biết đến với nhiều nghề truyền thống khá nổi tiếng như: Nghề làm hến, nghề đóng thuyền, nghề mộc, nghề làm bánh kẹo… Trong đó Chi hội nghề nghiệp “Sản xuất kinh doanh đồ mộc, đóng thuyền” tại Bến Đền, xã Trường Sơn được biết đến như một điểm mới trong làm ăn có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất dựa trên nguyên tắc hoạt động “5 cùng” của Chi hội.

Giải ngân nguồn vốn 1 tỷ đồng Dự án “Đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh đồ mộc” cho 10 hộ gia đình ở Bến Đền (Trường Sơn, Đức Thọ).

Đòn bẩy từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ Nông dân

Trường Sơn là xã vùng ven đê chạy dọc theo sông La với diện tích tự nhiên nhỏ, được phân bổ thành 10 khu dân cư và có lượng dân số khá đông, đứng thứ tư trong toàn huyện. Đức Thọ được biết đến là một huyện đa ngành nghề, phần lớn là thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại chiếm 70%. Trên nền tảng có sẵn và tiếp tục phát huy những lợi thế của địa phương, Hội Nông dân (ND) xã Trường Sơn đã tập trung định hướng và tuyên truyền hội viên nông dân liên kết với nhau tạo thành một chuỗi các hộ cùng một ngành nghề sản xuất kinh doanh, nhằm mang lại những lợi thế cũng như chia sẻ với nhau.

Trên tinh thần chỉ đạo chung của Hội ND cấp trên, Hội Nông dân xã Trường Sơn đã chủ động thành lập và phát triển hệ thống các chi hội nghề nghiệp phù hợp với ngành nghề, địa giới hành chính của các chi hội. Năm 2017, Chi hội nghề nghiệp “sản xuất kinh doanh đồ mộc, đóng thuyền” được thành lập với 55 hội viên. Các sản phẩm mộc dân dụng được Chi hội sản xuất như: Đóng thuyền, bàn thờ, giường, bàn ghế các loại… Sau khi ra mắt, chi hội đã ổn định tổ chức và phân chia thành 3 tổ hội theo từng lĩnh vực kinh doanh như: Tổ hội đóng thuyền, tổ hội làm mộc, tổ hội làm dịch vụ buôn bán.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND (Hỗ trợ Nông dân) Trung ương hỗ trợ vay 1 tỷ đồng cho dự án “Đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh đồ mộc” gồm 10 hộ gia đình là các hội viên thuộc Chi hội nghề nghiệp Bến Đền đã mua sắm, đầu tư các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất mộc dân dụng như máy cưa, phay, máy tiện, máy bào… Với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, sáng kiến, sáng tạo, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm làm ra, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân và thu hút đông đảo nông dân vào Hội. Thông qua dự án vận động số hộ nông dân trong xã đóng góp xây dựng Quỹ HTND, từ đó nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã, toàn huyện, toàn tỉnh, qua đó nâng cao đời sống cho người dân, nâng cao vai trò của tổ chức Hội.

Chia sẻ về nguồn vốn Quỹ hiện có của tỉnh, ông Phan Văn Hùng – Trưởng ban điều hành Quỹ HTND tỉnh cho biết: “Hiện nay, tổng số vốn Quỹ HTND toàn tỉnh quản lý là: 42,788 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ủy thác của Trung ương là 14,4 tỷ đồng, cho 40 dự án vay với 371 hộ. Nguồn Quỹ cấp tỉnh là 8,475 tỷ đồng, cho vay 26 dự án với 263 hộ vay. Nguồn Quỹ cấp huyện là 13/13 huyện, thành thị quản lý với số tiền 19,913 tỷ đồng, trong đó năm 2020 các đơn vị được ngân sách cấp là 2,25 tỷ, nguồn xã vận động là 2,101 tỷ đồng. Đến nay có 4 đơn vị có Quỹ cấp huyện trên 1 tỷ đồng, có 7 đơn vị có Quỹ cấp huyện trên từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, có 2 đơn vị có Quỹ cấp huyện dưới 500 triệu đồng”.

Xưởng chuyên sản xuất đồ mộc dân dụng như bàn ghế, giường, tủ,… của chi hội nghề nghiệp Bến Đền.

Nguồn vốn vay phát huy hiệu quả

Có thể khẳng định từ nguồn vốn của Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho hội viên, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại xã Trường Sơn. Điển hình như các mô hình sản xuất kinh doanh mộc cao cấp của các hội viên Thái Ngọc Hải, Thái Văn Thỏa, Nguyễn Văn Minh… Chính sự đoàn kết của các thành viên đã đem lại những ưu thế cho quá trình phát triển cho chi hội. Sự liên kết “5 cùng” này chính là nền tảng để các hộ sản xuất kinh doanh đứng vững trong xu thế thị trường có nhiều biến động do dịch bệnh như hiện nay.

Chia sẻ về quá trình sử dụng nguồn vốn trong đầu tư sản xuất, ông Nguyễn Văn Minh cho biết: “Sau khi được tiếp cận nguồn vốn Quỹ HTND các hộ trong tổ đã đầu tư máy móc, đầu tư công nghệ, tạo thành dây chuyền sản xuất đồ mộc cao cấp, từ lựa chọn nguyên liệu đến cưa xẻ, tiện, chạm trổ, lắp ráp, phun bóng, mở rộng phân xưởng, đầu tư tay nghề… Đặc biệt, các thành viên trong Chi hội đã mở điểm trưng bày sản phẩm dọc trục đường liên xã để giới thiệu sản phẩm. Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ luôn được đầu tư mẫu mã mới, đa dạng, sang trọng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người mua nên thị trường đang ngày được mở rộng và ưa chuộng nhiều”.

Với Chi hội nghề nghiệp “sản xuất kinh doanh đồ mộc, đóng thuyền” tại thôn Bến Đền, xã Trường Sơn đã được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND là mô hình hiệu quả nhất trong sản xuất kinh doanh đồ mộc, đóng thuyền nhằm tạo việc làm cho người lao động địa phương và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Hiện nay, các đơn đặt hàng không chỉ còn trong địa phương mà đã mở rộng ra các địa phương khác, trong đó có những đơn hàng từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Sau khi có nguồn vốn Quỹ hỗ trợ, máy móc được đầu tư bài bản có hệ thống, sản phẩm làm ra đa dạng mẫu mã và có chỗ đứng vững trong thị trường, dự án đã cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm. Bình quân mỗi hộ thu tiền từ “Dự án sản xuất kinh doanh đồ mộc” gần 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động, thu nhập bình quân từ 8 – 10 triệu đồng/ người/tháng.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND cho vay đã tạo thêm động lực để hội viên yên tâm sản xuất, tin tưởng tổ chức Hội. Đến nay, Chi hội nghề nghiệp “Sản xuất kinh doanh đồ mộc, đóng thuyền” Bến Đền đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu nghề truyền thống đóng thuyền của xã Trường Sơn. Quy mô và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, việc làm của hội viên ổn định và phát triển, thu nhập của hội viên dần được nâng cao.
Ông Phan Văn Hùng – Trưởng ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh Hà Tĩnh.

Bài, ảnh: Bùi Ánh