Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chính quyền buộc kiểm đếm đất đai để hợp thức sai phạm?

09:38 29/10/2018 GMT+7

Ngày 26/10/2018, chính quyền huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã tiến hành bắt buộc kiểm đếm phần diện tích đất giải tỏa ở gia đình bà Bùi Thị Nuôi (Hà Lam, Thăng Bình), với lý do người dân không hợp tác. Song theo hộ dân, đây là cách hợp thức hóa các sai phạm của địa phương, không những ảnh hưởng quyền lợi người dân mà còn có dấu hiệu vi phạm về đền bù giải tỏa đất đai.

Hộ dân bức xúc với việc chính quyền cắm mốc đo đất giải tỏa nhưng sai diện tích .

Ông Huỳnh Hữu Bửu, con trai bà Nuôi thổ lộ, chuyện giải tỏa dùng dằng ở nhà ông gần 2 năm qua, là do chính quyền Thăng Bình sau khi đo đạc đền bù, đã thông báo sai diện tích đất. Với mảnh đất rộng 1.976 m2, qua 2 lần thu hồi 274,8 m2 và 1030,3 m2, thực tế gia đình bà Nuôi còn 670,9 m2, nhưng chính quyền thông báo chỉ còn 605,4 m2.

Dân không chịu vì… đo sai quá

Chúng tôi không hiểu vì sao một phép trừ đơn giản như vậy, huyện cũng tính thiếu 65,5 m2. Nếu gia đình đồng ý với thông báo, sẽ thiệt 65,5 m2 đất thực tế, áp giá đền bù 4,8 triệu đồng/m2 là mất đi hơn 314 triệu đồng. Thậm chí căn cứ trích lục bản đồ địa chính cấp cho gia đình, sai số này là đến 115,8 m2, tính ra mất 552 triệu đồng”. Ông Bửu phân tích như vậy.

Theo văn bản của chính quyền huyện Thăng Bình (Quảng Nam), mảnh đất sở hữu của gia đình bà Nuôi phải giải tỏa phục vụ dự án đường tránh QL1A với đường cứu nạn cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Dự án này yêu cầu hoàn thành sớm để phục vụ cho tuyến đường cao tốc hoạt động, nhưng vì giải tỏa chậm, nên cao tốc đã khánh thành mà đường tránh cứu nạn vẫn “treo lơ lửng”. Lý do những người dân địa phương, trong đó có gia đình bà Nuôi không chịu di dời, là giá đền bù chưa thỏa đáng, và cụ thể với gia đình bà, là diện tích đất tính sai.

Chính quyền đã nhiều lần thực hiện kiểm đếm tuy nhiên kết quả đều sai lệch, không thỏa đáng gây bức xúc trong lòng dân khiến người dân không thể chấp nhận để ký vào biên bản dời đi.

Gia đình bà Bùi Thị Nuôi từ chối ký vào các văn bản kiểm đếm đất đai mà theo họ, chỉ nhằm khóa lấp sai trái của chính quyền.

Vấn đề nằm ở chỗ, căn cứ theo những giấy tờ hợp pháp ban đầu đã được chính quyền công nhận, phần diện tích đất còn lại mà chính quyền thông báo hiện nay cho gia đình bà Nuôi là không ăn khớp và hoàn toàn sai lệch. Nhưng thay vì nhận sai sót, chỉnh lại con số, UBND huyện Thăng Bình liên tục có các văn bản yêu cầu kiểm đếm, đo lại diện tích, và thu hồi cả quyết định xử lý các đơn thư khiếu kiện của gia đình này. Theo gia đình cho biết, mỗi lần cán bộ đo đạc đến, địa phương lại có một phương cách cắm mốc khác với mốc cắm có từ hàng chục năm trước, kể cả mốc cắm “ăn sâu” vào diện tích đất nhà dân. Cho nên, lần nào gia đình bà Nuôi cũng từ chối kết quả đo đạc.

Chính quyền buộc kiểm đếm để… lấp liếm sai phạm?

Nhìn nhận sự việc, ông Trương Văn Thân, con rể bà Nuôi, đại diện quyền lợi gia đình này khẳng định, những chỉ đạo từ chính quyền huyện Thăng Bình đều có dấu hiệu “lấp liếm sai phạm”.

Họ nói gia đình chúng tôi không hợp tác, mà thực tế chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hợp tác, để cùng chính quyền giải quyết vấn đề nhanh chóng nhất có thể. Nhưng mỗi lần cán bộ địa chính xuống, là lại báo cho gia đình chúng tôi một diện tích đất khác hẳn. Ví dụ, ban đầu huyện thông báo giải tỏa gia đình 1.030,3 m2, thì đợt kiểm đếm này chỉ còn 1.001 m2. Phần diện tích gia đình sở hữu theo các văn bản lâu nay là 1.751,5 m2, giờ theo số liệu đưa ra chỉ còn 1.624,9 m2. Con số cứ đổi như vậy, trong khi mảnh đất nằm nguyên không ai can thiệp phân chia gì, thì chỉ có một cách giải thích là huyện muốn lấp liếm các sai phạm lâu nay, hợp thức hóa phần diện tích đất bị đo thiếu ở gia đình chúng tôi”. Ông Thân chỉ rõ như vậy.

Ông Bửu nhìn nhận, nghi ngờ của gia đình ông đáng được quan tâm, bởi dự án đường tránh cứu nạn cao tốc nói riêng và cả cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi nói chung liên quan hàng trăm hộ dân phải giải tỏa đền bù. Nếu mỗi gia đình bị đo thiếu, đo sai vài chục m2, con số cộng lại không hề nhỏ. Quy chiếu vào các mức giá đền bù giải tỏa, nguồn tài chính ngân sách bỏ ra không ít.

Do đó, chúng tôi mong các cơ quan cấp trên hãy lưu ý những vụ việc tưởng như đơn lẻ ở các gia đình như chúng tôi. Cần có sự rà soát, xem xét lại toàn bộ con số đền bù, kiểm đếm trong các hộ dân khi dự án cao tốc triển khai. Phải chăng mặt đường cao tốc bị hư quá nhanh, là kết quả của những phần việc làm ăn tắc trách và phía sau, có thể có cả chuyện đo đạc, đền bù khỏa lấp, sai lệch so với thực tế”. Ông Bửu nhấn mạnh.

Nguyên Đức.