Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi

07:02 14/12/2021 GMT+7
Để hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Nhà nước đã có chính sách gì? Luật sư Vũ Tuân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) giải đáp như sau:
Luật sư Vũ Tuân.

Ngày 07/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 972/QĐ-TTg, “Phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi, giai đoạn 2020 -2025”, Một trong những nội dung đề cập trong kế hoạch này là chính sách hỗ trợ, đó là: “Rà soát, sửa đổi bổ sung, cập nhật các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chăn nuôi như cơ sở chăn nuôi của các tổ chức, cá nhân và lực lượng vũ trang bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra; các đối tượng tham gia công tác phòng, chống DTLCP. Triển khai các chính sách hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch DTLCP.”

Trước đó ngày 30/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2254/QĐ-TTg “ Về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi năm 2020”. Hiện nay Quyết định này vẫn còn hiệu lực thi hành; Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn Quyết định này.

Cụ thể, đối tượng, mức hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do Dịch tả lợn châu Phi được quy định ra sao, thưa luật sư?

Đối tượng, mức hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do Dịch tả lợn châu Phi được quy định tại Quyết định số 2254/QĐ-TTg cụ thể như sau:

- Người chăn nuôi, hộ chăn nuôi nông hộ, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ với mức:

+ Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi;

+ Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 35.000 đồng/kg lợn hơi.

- Doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn châu Phi với mức:

+ Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi;

+ Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 12.000 đồng/kg lợn hơi.

Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) và chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con lợn đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4, Điều 1, Quyết định số 2254/QĐ-TTg thì: Các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh: các quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi.

Lực lượng chức năng đưa heo nhiễm bệnh đi tiêu hủy ở Quảng Nam. Ảnh minh họa

Như luật sư đã nêu ở trên, các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại chỉ được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP. Vậy điều kiện đó là gì?

Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
Thứ nhất:  Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

Thứ hai: Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.

Thứ ba: Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

Thứ tư: Thời điểm xảy ra thiệt hại: Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch. 

Để được nhận hỗ trợ, người chăn nuôi phải làm thủ tục gì? Trình tự ra sao?

Trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP:
Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết theo quy định;

Hồ sơ xin hỗ trợ, gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh theo Mẫu số 4 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP; kèm theo Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có);  Bảng thống kê thiệt hại do dịch bệnh, có xác nhận của thôn, bản, khu dân cư.

Căn cứ vào hồ sơ trên, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện các bước theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP để làm các thủ tục hỗ trợ cho người bị thiệt hại.

Cảm ơn luật sư!

Theo thông tin của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2021 đến 16/11/2021, dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 2.265 xã của 57 tỉnh, thành phố. Số lợn phải tiêu hủy hơn 229.000 con, nặng nhất là Quảng Nam đã phải tiêu hủy hơn 35.000 con, sau đó là Hà Giang, Ninh Bình, Hà Nội, Tuyên Quang. 

Lê Chiên (thực hiện)