Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

"Chung sức, đồng lòng" giúp xã Thanh Phong đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Bùi Ánh - 16:26 17/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, cùng với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và Nhân dân trong xã, sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới nâng cao (NTM), đến nay toàn xã Thanh Phong (Thanh Chương – Nghệ An) đã đạt 19/19 tiêu chí.

Phát triển kinh tế nông nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân

Thanh Phong vốn là xã có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo, nhu cầu nguồn lực cần đầu tư là rất lớn. Do đó, quá trình phấn đấu để đạt chuẩn  nông thôn mới gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ sự đồng thuận của người dân và những định hướng đúng đắn của người đứng đầu cấp ủy đã tạo nên nhiều bước đột phá mới, đưa Thanh Phong hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn nâng cao vào năm 2022.

Các loại cây ăn quả có múi đang dần được người dân lựa chọn để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Thanh Phong được triển khai nhất quán theo quan điểm xây dựng nông thôn mới là phải nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được đầu tư đồng bộ, môi trường, cảnh quan, không gian làng quê luôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

Xác định rõ phát triển kinh tế là điều kiện tiên quyết để thành quả nông thôn mới nâng cao được bền vững, UBND xã đã xây dựng và triển khai thực hiện 2 đề án về phát triển nông nghiệp: 1 đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và 1 đề án về phát triển kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn xã để từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, có hiệu quả kinh tế cao. Xã đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông lâm, thủy sản, tăng cường công tác khuyến nông đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Mô hình nuôi gà của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Chung ở xóm 4, xã Thanh Phong cho thu nhập cao mỗi năm.

UBND xã đã chỉ đạo bà con nhân dân tăng cường đầu tư thâm canh, phát triển các loại cây, con truyền thống và cây con chủ lực:

- Với Cây lúa, duy trì ổn định diện tích lúa nước hàng năm: 325,32ha. Trong đó diện tích lúa lai chiếm 60 - 70 %. Cây lúa được bố trí đều các xóm trong toàn xã nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Đưa các giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng để tăng sản lượng trên đơn vị diện tích.

- Đối với cây ngô sử dụng các giống ngô lai có năng suất cao và biện pháp thâm canh trên diện tích trồng 60 ha/vụ. Năm 2022 là 97,5ha với năng suất 55,1 tạ/ha; sản lượng: 537,3 tấn.

- Đối với cây lạc - một trong những cây chủ đạo được bà con lựa chọn để tăng gia sản xuất - bình quân hàng năm được gieo trồng khoảng 20ha, năng suất bình quân: 25 tạ/ha đạt sản lượng 50 tấn....

Từ chủ trương đó, xã đã xây dựng được 2 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, gồm: Mô hình trang trại cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của Nguyễn Hữu Bằng  xóm 1 quy mô 3ha và mô hình trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Cảnh Phương xóm 5 với 5ha.

Chuyển đổi các loại cây trồng trên nền đất kém hiệu quả đã mang lại tín hiệu vui cho bà con nhân dân trong xã

Hiện nay tổng đàn gia súc, gia cầm trên toàn xã đạt 162.625 con; lợn 3.128 con;  gia cầm 157.400 con. Xác định, chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp xã,  nên để thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển, UBND xã đã thực hiện tốt các công việc như: Triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là bệnh dịch tả châu phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; mở 9 lớp tập huấn với hàng trăm lượt người tham gia về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ sâu bệnh cho các loại vật nuôi, hướng dẫn làm, sử dụng đệm lót sinh học, thực hành an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế tổn thất cho người dân; làm tốt công tác tiêm phòng dịch hằng năm nên công tác chăn nuôi phát triển tốt.

Nhờ tập trung vào phát triển kinh tế nông nghiệp, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, 95.03%  lao động nông thôn của xã đã có việc làm thường xuyên, góp phần nâng tổng thu nhập bình quân cho người dân nông thôn năm 2021 là 47 triệu đồng/người/năm, năm 2022 thu nhập bình quân  đạt 47,56 triệu đồng/người/năm.Tỷ lệ hộ nghèo  đầu  năm 2022 từ 2,86% đến cuối năm 2022 đã giảm xuống còn 1,09%. 

Phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân

Năm 2019, xã Thanh Phong đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, sau nhiều nỗ lực, đến năm 2022 tiếp tục hoàn thiện 19/19 tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Tiêu chí Quy hoạch, Giao thông, Thủy lợi và PCTT, Điện, Giáo dục, Văn hóa, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và truyền thông, Nhà ở dân cư, Thu nhập,  Nghèo đa chiều, Lao động, Hình thức tổ chức sản xuất, Y tế, Hành chính công, Tiếp cận pháp luật, Môi trường, Chất lượng môi trường sống, Quốc phòng và an ninh.

Chỉ có phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân thì xây dựng nông thôn mới ở Thanh Phong mới thực sự thành công.

Nói về kết quả này, ông Trịnh Xuân Thị - Chủ tịch UBND xã Thanh Phong  cho hay: Thực tế xây dựng NTM nâng cao hướng đến NTM kiểu mẫu ở Thanh Phong cho thấy, chỉ có phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân thì xây dựng nông thôn mới mới thực sự thành công. Người dân vừa là chủ thể tham gia, đồng thời là người thụ hưởng chính những thành quả của nông thôn mới, chung tay, góp sức gìn giữ và tiếp tục nâng chất các tiêu chí.

Chính quá trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, từ trông chờ, ỷ lại vào nguồn đầu tư của Nhà nước nay đã tự giác tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trên toàn xã. Hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được mở rộng thông thoáng. Hệ thống hạ tầng giáo dục được xây dựng mới, tu sửa đảm bảo cho việc dạy học. Đặc biệt, việc huy động được nguồn lực của nhân dân để đóng góp làm đường bê tông hóa giao thông nông thôn là một trong những thành công mới nhất trên tiến trình xây dựng NTM, NTM nâng cao mà Thanh Phong có được. Bởi Thanh Phong là xã có địa bàn rộng lớn, địa hình nhiều đồi núi, có một số tuyến đường giao thông thôn xóm kéo dài, nhưng số hộ dân ít nên việc đầu tư  để mở rộng, cứng hoá cần rất nhiều nguồn lực.

Nhiều tuyến đường được bê tông hóa hình thành từ tinh thần tự hiến đất, góp công, góp của từ Nhân dân

Nói về vai trò của người dân trong xây dựng NTM, nông dân Nguyễn Cảnh Phương – một người cải tạo vùng đất lâu nay khai thác kinh tế không mấy hiệu quả thành khu vườn cây ăn quả nổi tiếng trong vùng -  vui vẻ nói: Thực tình mà nói khi nghe nói đến xây dựng NTM ở xã, lúc đó chưa ai hiểu gì, nhiều điều còn rất mới, rất lạ với hầu hết người dân. Nhưng, nhờ các biện pháp tuyên truyền hiệu quả nhưkiên trì tổ chức các buổi họp, sinh hoạt đoàn thể để giải thích, tạo sự đồng thuận cao trong dân. Cán bộ từ xã tới xóm những ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật đều xuống tận từng thôn, từng gia đình hướng dẫn, cầm tay chỉ việc xây dựng vườn mẫu, làm đường bê tông... Từ đó, bà con ở các thôn xóm trong xã đã đồng thuận, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, hiến đất...để chung tay xây dựng đường làng, ngõ hẻm, từng con mương nội đồng với ý thức trách nhiệm và niềm vui như xây dựng công trình cho chính gia đình mình. Cũng từ định hướng tuyên truyền về hướng sản xuất mới của chính quyền mà tôi mới mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình sản xuất cho gia đình để có thu nhập vào loại khá như hiện nay.

Cơ sở văn hóa, khu vui chơi trên địa bàn xã khang trang hơn nhờ sức mạnh lòng dân và sự quan tâm của chính quyền các cấp.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, Đảng bộ và Nhân dân trên toàn xã nhất quán với phương châm "3 tự": Tự quản, tự bàn bạc và tự quyết định xây dựng nông thôn mới. Mọi việc làm đều "công khai, minh bạch" sẽ là cốt lõi nhằm phát huy tính dân chủ. Vì vậy, việc xây dựng NTM của xã Thanh Phong đã trở thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng trong thời gian tới.