Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyển đổi chuỗi thủy sản hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp

Ái Vân - 10:16 21/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 20/12, tại tỉnh Đồng Tháp, trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Startup lần thứ I năm 2022, đã diễn ra phiên thảo luận “Chuyển đổi chuỗi thủy sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp”.

Tham dự phiên thảo luận có ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương; cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng; lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh vùng ĐBSCL, cùng các chuyên gia- nhà khoa học của các viện trường và đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam…

Theo Tổng Cục Thủy sản, thời gian qua, ngành Thủy sản Việt Nam trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của đất nước. Để đạt được kết quả này, ngành Nông nghiệp đã chủ động, sáng tạo, tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất. Nhờ đó, nuôi trồng thủy sản tăng trưởng mạnh mẽ, kết quả, sản lượng thủy sản đến tháng 11/2022 đạt 8.253 ngàn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL phát triển mạnh và có sản lượng lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 65% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, riêng cá tra và tôm là 2 sản phẩm chủ lực của vùng. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao và làm thay đổi cơ cấu kinh tế vùng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: ĐVCC

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết: Hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản nhận được sự quan tâm lớn từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2045, định hướng phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học – công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Trong đó, nhấn mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng”.

Theo ông Ngô Tiến Chương, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) chia sẻ: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của toàn cầu đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các bộ, ngành Trung ương cần tạo cơ chế, chính sách cho kinh tế tư nhân, vốn quốc tế tham gia vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới; khuyến khích phát triển công nghệ gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng; phát triển kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu các chất gây hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải ra môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và năng lực, gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Để đề án ứng dụng nuôi tôm chất lượng cao đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 120/CP “ Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” rất cần cơ chế chính sách theo hình thức đặt hàng, bởi đầu tư cho hạ tầng vùng nuôi chưa được cụ thể hóa. Chuỗi liên kết phát triển tôm bền vững giữa “ Bạc Liêu- Sóc Trăng - Cà Mau” có nhưng còn chưa chặt chẽ, bất cập.

Ông Huỳnh Quốc Tịnh, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) chia sẻ: Tiềm năng mặt biển của Việt Nam rất lớn, tiềm năng nuôi kết hợp còn nhiều ví như: Để phát triển nghề nuôi rong biển, các bộ, ngành cần có giải pháp hỗ trợ các địa phương vùng ven biển nhận diện tiềm năng phát triển ngành rong biển. Cùng với đó, triển khai sớm chính sách giao mặt biển, lồng ghép phát triển ngành rong biển với 1 số ngành nghề khác như nuôi kết hợp với loài khác, kết hợp với du lịch, bảo tồn. Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư và phát triển chuỗi rong biển. Ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, chọn giống, quy trình nuôi trồng, xây dựng diễn đàn thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ nuôi trồng và chế biến.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham gia đã chia sẻ nhiều thông tin nhận diện chung và trọng tâm về bối cảnh, cơ hội, thách thức, bài toán với ngành hàng thủy sản nhằm kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển. Bên cạnh đó, các nhận diện chung và trọng tâm về giải pháp bước đầu và một số hành động ưu tiên để kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo cho ngành hàng thủy sản trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển; các giải pháp và hành động để phát huy vai trò SME/Startup.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết: Các giải pháp về cơ chế chính sách cho Starup còn rời rạc, thu hút đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, trước đây có Nghị định 57/CP và được thay thế bằng Nghị định 210/CP, sắp tới là các Nghị định mới, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận và hưởng lợi rất thấp.