Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở Văn Giang

Hoàng Tính - 07:15 11/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Dựa trên thế mạnh về nông nghiệp, với truyền thống sản xuất lâu năm, nông dân ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đã nhanh nhạy trong tiếp cận với các loại cây trồng mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, giờ đây nông nghiệp huyện Văn Giang đã có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Phát triển nghề trồng hoa ở Xuân Quan.

Sản xuất nông nghiệp hiện đại

Nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Hưng Yên, bên bờ tả ngạn sông Hồng, huyện Văn Giang có vị trí địa lý thuận lợi, phía Nam giáp huyện Khoái Châu, phía Đông Nam giáp huyện Yên Mỹ và huyện Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên, phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Gia Lâm, phía Tây giáp huyện Thanh Trì và phía Tây Nam giáp huyện Thường Tín của thành phố Hà Nội.

Chính vì vậy, tốc độ đô thị hoá của huyện Văn Giang rất nhanh, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày một thu hẹp, vì vậy trong sản xuất nông nghiệp huyện Văn Giang đã phát triển đồng bộ, nông nghiệp được sản xuất tập trung theo hướng hiện đại, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Thực hiện chủ trương của tỉnh Hưng Yên, của huyện Văn Giang về việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang trồng hoa, cây cảnh, nhiều gia đình ở xã Xuân Quan đã có kinh tế khá giả, làm giàu ngay trên quê hương. Giờ đây Xuân Quan đã trở thành một làng nghề chuyên sản xuất và cung cấp hoa, cây cảnh cho toàn miền Bắc.

Có cuộc sống đổi thay từ nghề trồng hoa, chị Lê Thị Nghĩa ở thôn 4 (xã Xuân Quan) cho hay: Trước đây với diện tích 4-5 sào ruộng cấy lúa, dù có làm vất vả nhưng cũng chỉ đủ thóc gạo ăn. Nhưng từ khi chuyển sang trồng hoa, kinh tế gia đình đã đổi thay, so với trồng lúa thì trồng hoa cho thu nhập gấp 10 lần.

Không chỉ vậy, nhiều hộ gia đình ở xã Xuân Quan đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới vào để phát triển nghề trồng hoa, nổi bật trong đó có gia đình ông Phan Ngọc Oanh ở thôn 7 (xã Xuân Quan) từ năm 2015 đã đầu tư 2 tỷ đồng để mua thiết bị nhân giống, cân điện tử, kính hiển vi, máy cất nước, tủ tăng trưởng thực vật, máy hấp tiệt trùng, máy cấy đôi… trồng hoa theo phương pháp nuôi cấy mô Invitro. 

Ông Oanh cho hay, công nghệ nuôi cấy mô Invitro giúp bảo tồn nguồn gen các cây trồng, chống chịu các điều kiện bất lợi của ngoại cảnh (sâu bệnh, hạn hán) và điều kiện nghèo phân bón. “Giờ đây phòng nuôi cấy mô của gia đình tôi đã tạo được một số giống lan rừng, giống hoa đồng tiền từ ống nghiệm… chất lượng các loại hoa luôn ổn định, được khác hàng đánh giá cao. Mỗi năm từ việc bán các loại hoa chất lượng mà gia đình đã có thu nhập tiền tỷ” - ông Oanh bày tỏ.

Hiện nay, ở Xuân Quan có khoảng 35% diện tích trồng hoa, cây cảnh được trồng trong nhà lưới, nhà kính; 100% được làm đất, trộn, đóng bầu bằng máy; 100% có hệ thống tưới nước tự động và bán tự động, hệ thống phun thuốc trừ sâu bằng máy… giảm đáng kể chi phí chăm sóc, nhân công và hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu.… đi đôi với quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất hoa, cây cảnh phát triển theo hướng thâm canh và đa dạng hoá sản phẩm.

Đến nay, huyện Văn Giang có trên 1.350ha chuyên trồng hoa, cây cảnh các loại. Các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung quy mô từ 20ha/vùng trở lên tại Văn Giang được hình thành khá rõ nét với 3 vùng chính gồm: Vùng trồng hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao (trên 250ha); vùng trồng cây quả cảnh (trên 300ha) và vùng chuyên trồng cây nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hoa cây cảnh (trên 100ha).

Trên địa bàn huyện có 8 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh, trong đó 2 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (Làng nghề hoa Xuân Quan và làng nghề hoa, cây cảnh Phụng Công); 3 sản phẩm làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm “Quất cảnh Văn Giang”, “cam Văn Giang” và “Hoa Xuân Quan” giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Mỗi năm từ trồng hoa, cây cảnh huyện Văn Giang đạt xấp xỉ 900 tỷ đồng. Sản phẩm cây, hoa cảnh tại Văn Giang cũng được đưa xuất khẩu nhiều nước, từ đó mang lại cho huyện những ngôi làng, những gia đình tỷ phú.

Nghề trồng quất cảnh giúp nông dân làm giàu.

Liên tục tìm ra hướng mới

Cũng là giống cây trồng được chuyển đổi như cây hoa ở xã Xuân Quan trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhưng người dân xã Mễ Sở lại lựa chọn cây quất để phát triển, chuyên phục vụ trong các dịp Tết Nguyên đán.

Trên con đường bê tông dẫn vào khu đất bãi của xã Mễ Sở là bạt ngàn những vườn quất. Quất được trồng khắp nơi, với đủ loại lớn nhỏ, cành lá xum xuê. Điểm độc đáo của quất Mễ Sở đó là trái to tròn, mọng căng… Vì vậy, người chơi cây luôn quan niệm khi bày quất Mễ Sở trong ngày Tết sẽ mang lại cho gia chủ may mắn, tài lộc, phú quý.

Anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Hoàng Trạch (xã Mễ Sở) phấn khởi cho chúng tôi hay, mỗi năm gia đình anh trồng trên 1.000 gốc quất. Nhờ được chăm sóc cẩn thận, mà vườn quất luôn cho quả đẹp vào đúng dịp Tết. Vì vậy mà trước Tết 2-3 tháng gia đình thường có thương lái đến để đặt mua toàn bộ vườn.

Cũng như gia đình anh Thắng, phát triển với nghề trồng quất cảnh, gia đình bà Đỗ Thị Mai ở xã Mễ Sở đã phát triển và cho ra thị trường loại quất hồ lô mini.

Bà Mai cho hay, nhận thấy thị trường khách tiêu dùng có nhu cầu chơi các loại cây với trái độc lạ, gia đình đã chủ động làm thử “quất hồ lô mini”. Cây quất được lựa chọn kỹ càng, có độ tuổi từ 2 năm trở lên và được chăm sóc theo chế độ riêng. Quá trình chăm sóc người trồng phải nắm được thời gian nào phù hợp để thắt quả, tạo hình, người trồng cũng phải thật khéo léo, tránh làm xước vỏ khiến quả bị hỏng… với sản phẩm quất hồ lô khá độc đáo mà gia đình bà Mai đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc bán quất.

Những vườn hoa ở Xuân Quan hay những vườn quất độc lạ ở Mễ Sở là 2 trong số rất nhiều những mô hình hay, đem lại kinh tế khá giả cho người dân ở huyện Văn Giang. Từ đó đã khẳng định được thành công trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, không cần sử dụng nhiều về diện tích đất canh tác mà chỉ cần có cách làm, hướng đi đúng thì vẫn có thể làm giàu.

Với định hướng phát triển các vùng nông nghiệp cụ thể của tỉnh Hưng Yên, của huyện Văn Giang từ đó bà con nông dân cần bám sát để phát triển các loại cây, con phù hợp với từng địa bàn, vị trí địa lý, thổ nhưỡng, địa hình, tập quán canh tác, thế mạnh của từng khu vực. Cũng chính từ đó mà chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Văn Giang ngày một nâng cao… Năm 2021, giá trị thu trên 1ha đất canh tác trên địa bàn huyện Văn Giang đạt 354 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 85,5 triệu đồng/năm. Đời sống người dân ngày một nâng cao, huyện Văn Giang cũng đang tích cực thực hiện các tiêu chí để hoàn thành nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. 

”Trên cơ sở nhiệm vụ thực hiện của ngành Nông nghiệp tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Văn Giang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ về phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai, lợi thế của từng địa phương và nhu cầu của thị trường”.
Ông Nguyễn Quốc Trương – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang.