Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Công bố 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngô Việt Dũng - 13:06 30/07/2022 GMT+7
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có 2 quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: 1- Tri thức dân gian Tri thức Lịch đoi (Lịch tre) của người Mường tỉnh Hòa Bình. 2- Lễ hội truyền thống Lễ hội Khai hạ của người Mường, huyện Tân Lạc, huyện Lạc Sơn, huyện Cao Phong, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Tri thức lịch Đoi (lịch Tre) của người Mường được hình thành qua hoạt động quan sát sự vận động của mặt trăng, dựa vào đặc tính của mặt trăng trong chu kỳ tháng cũng như sự vận chuyển của sao Đoi để phân định thời gian, ngày, giờ, tuần, tháng, năm và chế định ra 12 thẻ tre “còn gọi là lịch tre". Mỗi thẻ tre là một tháng, trong đó có số ngày trong tháng, ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió, ngày cá, ngày thú, ngày đại cát hay ngày xích khẩu… để đi làm ăn, làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong Mường.

Lễ hội Khai hạ của người Mường (còn gọi là Khuổng mùa) là là lễ hội dân gian truyền thống có từ rất lâu đời của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa-tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở 4 vùng mường lớn của tỉnh Hòa Bình: Bi, Vang, Thàng, Động. Đây là dịp để người dân bản Mường nghỉ ngơi, vui chơi và bày tỏ những ước vọng của mình về một cuộc sống tốt đẹp, bình yên.

Ngày lễ hội, dân bản đã chuẩn bị 3 mâm lễ cúng đưa từ nhà trưởng bản ra miếu nơi thờ đức mẹ Hoàng Bà - người có công truyền dạy cho dân Mường biết chăn nuôi gia súc gia cầm, khai mương mở nước, dẫn thủy nhập điền, cày bừa, cấy hái lúa, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải,  ... Miếu còn là nơi cúng cộng đồng gồm: Đức vị vua Cả, vua Quân Thái Hậu, vua 2 thành hoàng Quan Lang bản thổ, 3 vị vua Non.

Sau khi mâm lễ được bày biện xong, chức sắc già làng, trưởng bản, dân làng tề tựu đông đủ, thầy cúng bắt đầu hành lễ. Khi thầy cúng gieo quẻ âm dương, các vị thần linh đồng ý sẽ thực hiện nghi lễ rước Thánh ra sân hội. Trên sân hội diễn ra các hoạt động văn nghệ và trò chơi dân gian như: hát ví đối, đâm đuống, ném còn, thi đánh chiêng, đẩy gậy, bắt cá trong chum, bắn nỏ, chọi gà... Dân Mường thỏa thích vui chơi. Xung quanh sân hội có dựng các lán bày sẵn rượu và đồ ăn, ai đói vào ăn rồi lại ra tiếp tục vui chơi.


Dân làng rước Thánh ra sân hội. Ảnh minh hoạ 

Hội Khai hạ là dịp trai tài gái sắc gặp nhau để tìm hiểu và bày tỏ tình yêu đôi lứa. Trong phần thi hát đối, các chàng trai, cô gái gửi tới nhau những lời nhắn nhủ thầm kín trong lòng. 


Tái hiện nghi lễ xuống đồng, cầu năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh minh hoạ

Trong khi phần hội diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, Lễ thức xuống đồng được tiến hành. Lễ thức xuống đồng cày mở đầu cho một năm mới làm ăn thịnh vượng. Khi lễ thức xuống đồng xong, dân làng rước Thánh về miếu thờ. Thầy cúng thực hiện nghi lễ: “Con xin tấu lạy Đức mẹ Hoàng Bà, vua quân Thái Hậu, Vua Cun vua Hai. Xin phù hộ độ trì cho khắp bản khắp mường cuộc sống mạnh khỏe ấm no, đất trời mưa thuận gió hòa, dân làng yên ấm”.

Sau khi thực hiện nghi lễ 7 tuần dâng cơm và 4 tuần tế lễ, thầy cúng tiễn đưa đức mẹ Hoàng Bà và các vị thần linh về đất thánh. Dân làng lại tiếp tục tưng bừng các hoạt động vui chơi đến khi tan hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.