Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí

Vân Nguyễn - 08:21 16/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều 15/3, tại TP. Hồ Chí Minh (HCM), Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức khai mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024. Diễn đàn gồm 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể khai mạc, bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.

Dự Lễ khai mạc có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Lưu Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập  Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Văn Mãi, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. HCM; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.

Cùng dự còn có ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng đại diện các cơ quan báo chí, quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, các địa phương…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: ĐVCC

Tại diễn đàn, các tham luận đã nhìn nhận, đánh giá về nền báo chí cách mạng Việt Nam đang tiến đến mốc 100 năm phát triển. Trải qua hành trình phát triển gần một thế kỷ, báo chí ngày càng thể hiện rõ tính định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước khẳng định tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng và làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại với sự ra đời nhiều chương trình, sản phẩm mới, lan tỏa sâu rộng trên các nền tảng số, có hiệu ứng tốt trong xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng dự báo, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các loại hình thông tin mới (mạng xã hội) nên hiện tại đang là thời điểm vô cùng khó khăn của báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Namchia sẻ: Kết quả khảo sát cho thấy tình hình phát hành báo in đang sụt giảm không chỉ ở phạm vi toàn cầu, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đối với nhiều cơ quan báo chí trong nước. Đối với xu hướng báo chí toàn cầu, khảo sát về tổng doanh thu từ độc giả chiếm khoảng 83%, tiếp đến là nguồn thu từ phát triển sản phẩm và tìm kiếm doanh thu khác, vốn là những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư hiện nay.

Thay vì bị động trước sự phát triển của AI hoặc bị thua cuộc trong cạnh tranh với AI thì báo chí trong nước nên chủ động tìm hiểu, ứng dụng AI vào hoạt động tác nghiệp của phóng viên báo chí. Hiện nay AI có thể cải thiện công việc của nhà báo trên nhiều phương diện, như: Tóm tắt những nội dung văn bản, tạo ra nội dung hỏi - đáp, cung cấp các câu trích, đặt tiêu đề bài viết, dịch nội dung sang các ngôn ngữ khác nhau.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Vân Nguyễn

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Thay đổi căn bản tức là tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Nếu thay đổi thành công thì tương lai của chúng ta sẽ nằm phía trên của đường kéo dài, nếu không thì sẽ nằm phía dưới của đường kéo dài này.

Vài năm trở lại đây, công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng đã tạo ra những việc mới. Vậy là báo chí phải làm những việc mới. Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là đưa tin “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu".

Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau quá nhiều những tin tức kia. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước.

Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.

Những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí - như một số người nghĩ - mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới, không thay đổi thì sẽ bị thay thế. Công nghệ số, internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Muốn đi xa thì phải về gần. Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về và giữ vững những giá trị cốt lõi và sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng. Giữ cái bất biến này để ứng vạn biến. Cái vạn biến này chính là cách mà chúng ta làm báo. Không gian sáng tạo vô hạn của chúng ta là ở đây. Công cụ để thực hiện sự sáng tạo vô hạn đó chủ yếu là công nghệ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: Quốc hội đã có cơ chế, chính sách cho TP. HCM bằng Nghị quyết 98. Đồng thời, để giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng thì hiện nay thành phố cũng tập trung các nguồn lực để tăng tốc hoàn thành, đảm bảo tiến độ đã đề ra. Do vậy, thành phố mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ đồng hành trong công tác tuyên truyền đến người dân và phản ánh sinh động quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.