Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cuộc sống đổi thay nhờ nguồn vốn Hội

Trung Kiên - 07:08 06/02/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong những năm qua nhằm giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã vận dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Từ nguồn vốn đó đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn mới, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Từ ngồn vốn vay kịp thời anh Lương Văn Nam (áo đen - Xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã trở thanh nông dân trẻ xuất sắc trong làm kinh tế ở địa phương.

Trợ giúp nông dân thành công

Tính đến tháng 12/2021, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã giúp 22.481 hộ vay được 943.585 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang; 19 tổ liên kết vay vốn được 56.572 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang; Quỹ Hỗ trợ Nông dân đã giải ngân được 23,5 tỷ đồng cho 424 hộ vay.

Năm 2018, thông qua Hội Nông dân xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, anh Lương Văn Nam - Xã Tùng Bá đã tiếp cận được 30 triệu đồng từ nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vị Xuyên để nuôi gà đen. Đến nay anh Nam đã trở thành nông dân trẻ điển hình phát triển kinh tế ở địa phương.

Trước khi được vay vốn, anh Nam đã được Hội Nông dân xã hỗ trợ cho đi học tập lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gà. Chính vì vậy khi có tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đã mạnh dạn mua 500 gà giống. Áp dụng đầy đủ các kỹ thuật đã được học ở lớp: Úm gà, cho ăn, cho uống, tiêm phòng… chính vì đến khi xuất bán, tỷ lệ gà hao hụt rất thấp.

Với những đồng vốn vay rồi tiền lãi ngay từ lứa gà đầu tiên, anh Nam lại tiếp tục mở rộng, tăng đàn gà. Đến nay mỗi năm anh Nam nuôi 2 lứa gà đen, mỗi lứa 1.500 con và thu nhập đã đạt trên 100 triệu đồng.

Cũng như anh Nam, gia đình chị Nguyễn Thị Sen - Xã Phương Tiến (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) cũng đã có của ăn, của để từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vị Xuyên thông qua Hội Nông dân.

Chị Sen chia sẻ: “Năm 2018 được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình đã đầu tư nuôi lợn đen bản địa. Tận dụng đất vườn, nguồn thức ăn có sẵn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi mà đàn lợn đen phát triển khoẻ mạnh đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, trong chuồng có 5 lợn lái và 33 lợn con. Trung bình, mỗi năm gia đình xuất bán trên 30 con lợn thịt, thu về khoảng 100 triệu đồng”.

Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Để sử dụng nguồn vốn vay bảo đảm, đạt hiệu quả cao, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Giang chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân cơ sở tuyên truyền để người dân hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của người vay.

Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt 6 nội dung cơ bản về công tác uỷ thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách, gồm: Trách nhiệm của Hội Nông dân trong tổ chức, thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; Tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; Lập, lưu giữ hồ sơ, sổ sách, tài liệu và thông tin, báo cáo về hoạt động ủy thác; Danh mục chương trình tín dụng chính sách.

Từ nguồn vốn vay của Hội, nhiều vùng sản xuất quy mô lớn đã hình thành ở Hà Giang.

Hình thành vùng sản xuất hàng hoá lớn

Năm 2019, gia đình anh Đỗ Tiến Phúc - Tổ 3, phường Quang Trung (T.P Hà Giang, tỉnh Hà Giang) đã được vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Giang để tiếp tục phát triển vườn cây có múi. Giờ đây 2ha cam, bưởi mỗi năm cũng cho gia đình anh Phúc thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ đó đã góp phần tạo vùng sản xuất cây ăn quả quy mô lớn ở thành phố Hà Giang.

 “Đầu tư trồng cây ăn quả như bưởi, cam của gia đình là khá tốn kém, bởi thời gian được thu hoạch khá dài từ 5-6 năm trở đi mới ổn định; hơn nữa mỗi năm trồng đều phải chăm sóc, bón phân, cây ăn quả mà “đói phân” thì chỉ có hỏng. Vì vậy khi tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Giang với lãi xuất thấp, gia đình đã đầu tư toàn bộ mua phân bón. Từ nguồn vốn vay kịp thời của Hội đã trợ giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển kinh tế ổn định như ngày hôm nay”, anh Phúc nói.

Theo ông Đặng Thế Phong - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Giang, hiện nay, Hội Nông dân thành phố đang quản lý 1.730 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND. Hỗ trợ cho các dự án chăn nuôi lợn đen thương phẩm; chăm sóc, thâm canh cây có múi, cây na; nuôi gà bản địa; cá thương phẩm… Trong quá trình cho vay, Hội luôn khảo sát thực tế từ nhu cầu vay vốn của các hộ, ưu tiên những hộ có tinh thần trách nhiệm cao, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn.

Bà Nguyễn Thị Thuý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cũng cho biết thêm: Tất cả những nguồn vốn của Hội Nông dân tỉnh Hà Giang quản lý luôn đạt được hiệu quả cao là bởi sau khi giải ngân, việc sử dụng nguồn vốn như nào luôn chịu sự giám sát trực tiếp của chi hội nông dân thôn, xóm, khu phố và tổ, nhóm nghề nghiệp liên kết sản xuất.

Thông qua các hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Hà Giang các mô hình, dự án cho vay được đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Đã góp phần tạo nên những vùng sản xuất quy mô lớn như: Cam tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang); Yên Hà, Hương Sơn (huyện Quang Bình). Chăn nuôi trâu xã Vĩ Thượng (huyện Quang Bình), xã Quang Minh (huyện Bắc Quang); chăn nuôi lợn tại phường Ngọc Hà, Minh Khai, xã Ngọc Đường (TP.Hà Giang); Cây Thảo quả tại xã Tân Thành (Bắc Quang)… 

“Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2022 Hội Nông dân tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất của hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh, để kịp thời hỗ trợ về nguồn vốn luôn đồng hành cùng với nhu cầu sản xuất cho bà con”.
Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội ND Hà Giang.