Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đẩy mạnh OCOP để phát huy tiềm năng du lịch

07:12 21/07/2021 GMT+7

Phú Thọ là địa phương có lợi thế phát triển các loại hình du lịch nông thôn. Từ khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh này đã gắn kết với các sản phẩm du lịch đã từng bước nâng cao giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cho các chủ thể.

Sản phẩm OCOP Gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung của Hợp tác xã sản xuất Gạo Nếp Gà Gáy Mỹ Lung (huyện Yên Lập). Ảnh: Nguyễn Liên

Lợi thế nhờ đa dạng bản sắc văn hóa

Là địa bàn giao thoa giữa đồng bằng và miền núi nên Phú Thọ hội tụ các giá trị văn hóa đặc sắc. Phú Thọ, là nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam; nơi có Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lợi thế của Phú Thọ là có 3 vùng sinh thái (đồng bằng, trung du, miền núi) đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông lâm thủy sản mang tính đặc trưng, đặc sản của địa phương gắn với phát triển du lịch sinh thái (rừng Quốc gia Xuân Sơn; đồi chè Long Cốc Tân Sơn; Ao Giời suối tiên, Ao Châu Hạ Hòa; nước khoáng nóng Thanh Thủy..), du lịch tâm linh về với cội nguồn (Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ,…) Hiện nay, Phú Thọ đang sở hữu nhiều sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến như: Bưởi Đoan Hùng, chè xanh, thịt chua Thanh Sơn, gà cựa Tân Sơn, chuối phấn vàng, gạo nếp Gà Gáy…

Để khai thác các lợi thế này, trên địa bàn tỉnh đã thành lập gần 500 hợp tác xã (HTX) (351 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) và hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 75 làng nghề có nhiều sản phẩm mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và thích hợp làm quà cho khách du lịch như: Bánh chưng, bánh giầy, bánh tai, mỳ gạo, tương, nón lá…

Theo ông Nguyễn Nam Cường – Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Phú Thọ, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có phát triển kinh tế nông thôn dựa vào thế mạnh vùng miền. Đây chính là lợi thế để Phú Thọ triển khai OCOP, từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm nông sản vươn xa.

Nâng tầm giá trị từ OCOP

“Triển khai chương trình với phương châm OCOP Phú Thọ nâng tầm giá trị chất lượng nông sản vì lợi ích cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc trưng có lợi thế ở từng địa phương. Nhờ đó, đến hết năm 2020, tỉnh Phú Thọ có 28 danh mục sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh (trong đó: 20 sản phẩn đạt hạng 3 sao; 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao)”- ông Nguyễn Nam Cường cho hay.

Để lan tỏa tầm quan trọng của OCOP, tỉnh này đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông đến các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh, coi OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong cộng đồng đặc biệt đối với khu vực nông thôn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia chương trình củng cố, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng giá trị các sản phẩm tham gia OCOP đáp ứng các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm theo quy định.

Tỉnh Phú Thọ cũng chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại và coi đây là bước then chốt của chương trình. Các hoạt động này được gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử. Tỉnh này còn xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; tổ chức thành công Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Phú Thọ năm 2020; hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh; chỉ đạo thúc đẩy liên kết trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn liền với thị trường tiêu thụ, khuyến khích các tổ chức kinh tế, cá nhân phát triển sản xuất nông sản thực phẩm hàng hóa đặc trưng có tiềm năng lợi thế của địa phương.

Theo ông Đặng Việt Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Công tác xúc tiến thương mại là bước then chốt trong việc đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. Sở Công Thương đã làm việc với siêu thị bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành, thị giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Hội chợ OCOP và các địa điểm đông khách du lịch tham quan nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Các nhân viên đang đóng gói sản phẩm OCOP tại HTX Thịt chua Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn). Ảnh: Nguyễn Liên

Giải pháp tiếp tục lan tỏa

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Ban chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh Phú Thọ cũng nhìn nhận một số khó khăn, hạn chế. Chương trình mỗi xã một sản phẩm là chương trình mới nên quá trình triển khai còn nhiều lúng túng; hoạt động của Ban chỉ đạo ở một số huyện, xã có các sản phẩm đặc trưng, đặc sản còn thiếu quyết liệt; chưa quan tâm, nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, vì vậy số sản phẩm tham gia và được công nhận chưa nhiều.

Bên cạnh đó là những khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ, phát triển và tiểu chuẩn hóa các sản phẩm theo quy định. Các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương có quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu sự liên kết trong sản xuất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi, một số các chủ thể OCOP còn ỷ nại vào sự hỗ trợ của nhà nước…

Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung vào các giải pháp chủ yếu như: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; Tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao từ tỉnh tới cơ sở; thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng để tạo động lực cho các chủ thể OCOP. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ các chủ thể trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý tốt nhãn hiệu sản phẩm OCOP đã được công nhận.

Phú Thọ cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm tiềm năng và nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được công nhận; khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (THT, HTX); hỗ trợ phát triển các làng nghề nông thôn gắn với dịch vụ du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được công nhận sản phẩm OCOP.

Mục tiêu của OCOP đặt ra không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn khơi dậy được những tiềm năng của địa phương. Quan trọng là khi các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được “đóng dấu” OCOP phải là những sản phẩm rất đáng tự hào, là một “sứ giả” mang nét đặc trưng riêng của con người, vùng đất Phú Thọ.

 Trọng Bình