Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Để đất đai thực sự trở thành nội lực, nguồn lực phát triển

(Tapchinongthonmoi.vn) - Đất đai là một lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Bên cạnh những thành tựu, Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn những hạn chế lớn, khiến đất đai chưa thực sự trở thành nội lực, nguồn lực để phát triển, chưa thật sự xuất phát từ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Vấn đề đặt ra
Như chúng ta đều biết, đất đai là một lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Điều 53 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Sở hữu toàn dân về đất đai được đề cập cụ thể trong Luật Đất đai (năm 2013): Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật.

Vấn đề cơ bản đặt ra đối với chính sách đất đai hiện nay là: Sử dụng đất đai còn lãng phí, chưa hiệu quả; tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn...

Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng: Tài nguyên đất được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hơn; an ninh lương thực được bảo đảm; đất cho sản xuất, phát triển đô thị, quốc phòng, an ninh được phân bổ hợp lý hơn; thị trường bất động sản mở rộng, các giao dịch chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất không ngừng tăng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; gắn kết công tác quy hoạch, kế hoạch với khai thác sử dụng đất và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; việc phân cấp, phân quyền được coi trọng, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí... Điều đó đã tạo động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế lớn, khiến đất đai chưa thực sự trở thành nội lực, nguồn lực để phát triển: “Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững… Chưa có cơ chế hữu hiệu và chưa kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng”(1).
“Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển… Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”(2).
“Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thật sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững. Giá đất do Nhà nước quy định thường thấp hơn nhiều so với giá đất giao dịch trên thị trường… Chưa có chế tài xử lý hành vi sai phạm trong xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất”(3).
“Năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu… Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; đơn, thư tố cáo về đất đai có xu hướng tăng; nhiều vụ việc chậm được xử lý, giải quyết, gây bức xúc xã hội”(4).
“Đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng đất nông nghiệp, đất dự án bị bỏ hoang còn nhiều. Chưa giải quyết cơ bản một số vướng mắc, bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh;…đất sử dụng nhiều mục đích”(5).
 Vấn đề cơ bản đặt ra đối với chính sách đất đai hiện nay là: Sử dụng đất đai còn lãng phí, chưa hiệu quả; tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; tình trạng suy giảm chất lượng, ô nhiễm, thoái hóa đất, xâm thực diễn biến phức tạp; quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập; chưa thực sự có sự thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương, chưa thực sự công khai, minh bạch và dựa trên cơ chế thị trường; tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, chậm được xử lý, giải quyết, gây bức xúc xã hội; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa thực sự ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững, số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương; chậm thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, còn chưa thật sự xuất phát từ lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Những vấn đề nói trên có nhiều nguyên nhân nhưng cần nhấn mạnh về chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Công tác tổ chức thực hiện và thi hành chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế; Chưa xử lý tốt các mối quan hệ lớn trong quản lý, sử dụng đất và những tồn tại vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, dứt điểm và chưa đúng pháp luật. Vai trò phản biện, giám sát, tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị chưa phát huy tốt.
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và sự tham gia của các cấp Hội NDVN
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những phương thức để Nhà nước quản lý, là căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan trực tiếp đến việc sử dụng đất của người dân nói chung và người sử dụng đất nói riêng. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở tất cả các cấp, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đều phải lấy ý kiến đóng góp của người dân.
Điều 43 Luật Đất đai quy định: Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh thì phải công khai thông tin về nội dung trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh để người dân biết và đóng góp ý kiến. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì vừa phải công khai thông tin về nội dung trên trang thông tin điện tử, vừa phải tổ chức hội nghị trực tiếp lấy ý kiến đóng góp của người dân.
Theo quy định, thời gian lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 30 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến. Cơ quan được giao nhiệm vụ lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân, xây dựng báo cáo tổng hợp và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phê duyệt.
Thực tiễn có thể xảy ra trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không thực hiện lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân thực hiện không đúng quy định về thời gian thì xử lý như thế nào? Trong trường hợp lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà cơ quan có trách nhiệm không tiếp thu, giải trình thì xử lý như thế nào? Nếu có trường hợp đa số người dân phản đối dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có phải làm lại không? Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quan tâm đến những trường hợp này. 
Về lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Việc lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Khoản 2 Điều 69 Luật Đất đai quy định như sau: 
a) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền;
b) Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
Luật quy định khá chặt chẽ nhưng thực tế cho thấy, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất luôn là một trong những vấn đề khó khăn, phức tạp, gặp nhiều trở ngại trong quá trình tổ chức thực hiện do người dân có đất bị thu hồi không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Do đó, việc lấy ý kiến của người dân trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, người dân có đất bị thu hồi thường không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, gây khó khăn trong quá trình thực hiện là do Luật Đất đai 2013 chưa cụ thể hóa quan điểm về việc lựa chọn nguyên tắc đồng thuận nào trong việc lấy ý kiến người dân, đồng thuận tương đối hay đồng thuận tuyệt đối, tỷ lệ % bao nhiêu trong ý kiến người dân bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì được coi là đồng thuận.
Mặt khác, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi ở nhiều nơi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí về chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống để người dân và các tổ chức đoàn thể giám sát việc thực hiện quan điểm nói trên.
Sự tham gia của các cấp Hội NDVN trong việc thực hiện Luật Đất đai
Trong văn bản Luật Đất đai có xác định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện Luật, chủ yếu là công tác vận động, thuyết phục, hòa giải, giám sát… Hội Nông dân Việt Nam là một thành viên nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có trách nhiệm trong việc nâng cao vai trò đại diện, phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân trong quá trình đóng góp ý kiến xây dựng cũng như tổ chức thực hiện Luật Đất đai. Sự tham gia của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc thực hiện Luật Đất đai là rất quan trọng. Vì vậy, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần bám sát, nắm tình hình thực tiễn để chủ động tham gia. Ví dụ: Trong trường hợp người sử dụng đất (hội viên, nông dân) trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với cơ quan làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Hội Nông dân cấp xã phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi và cơ quan làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức thuyết phục, vận động để hội viên, nông dân thực hiện. 
Để phát huy vai trò, sự tham gia của các cấp Hội Nông dân Việt Nam nói riêng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bao hàm một số nội dung:
Quy định về chế tài xử lý và trách nhiệm giải trình đối với các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không thực hiện trách nhiệm lấy ý kiến của người dân vào dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc tổ chức lấy ý kiến không thực hiện đúng quy định hoặc không giải trình đối với những ý kiến không đồng tình của người dân.
Quy định cụ thể việc lấy ý kiến của người dân bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong đó cần cụ thể tỷ lệ % ý kiến người dân đồng tình và không đồng tình đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trách nhiệm giải trình của cơ quan lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi mà phương án có đa số ý kiến người dân không đồng tình.
Quy định về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và cơ chế thực hiện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, các tổ chức thành viên khác và nhân dân. Quy định rõ đối tượng giám sát, hình thức người dân giám sát, trách nhiệm tiếp nhận, tiếp thu, giải trình của các cơ quan nhà nước khi nhận được ý kiến của người dân…
Tài liệu tham khảo:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.61-62.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.62.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.62-63.
(4), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.63
Xem: Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.
Xem: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), htpps://chinhphu.vn