Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Để nông dân được tiếp cận, sử dụng và phát huy hiệu quả đất đai công bằng và bền vững

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư diễn ra nhanh chóng, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với nông nghiệp và nông dân, đòi hỏi trước hết người nông dân phải được tiếp cận, sử dụng và phát huy hiệu quả đất đai một cách công bằng và bền vững.
Ảnh minh họa.

Ở nước ta, nông nghiệp “tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia”; nông dân “đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất..., là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp”(1). Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện phát huy nguồn lực từ đất đai, đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản và một số nông sản khác. Tuy nhiên hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng và tính bền vững chưa cao, chưa phát huy tối đa lợi thế tiềm năng đất nông nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư diễn ra nhanh chóng, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với nông nghiệp và nông dân, đòi hỏi trước hết người nông dân phải được tiếp cận, sử dụng và phát huy hiệu quả đất đai một cách công bằng và bền vững.

Sử dụng đất nông nghiệp và một số kết quả chủ yếu

Tính đến hết năm 2020, cả nước có 27.983.482ha đất nông nghiệp, chiếm 84,45% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó có 11.718.391ha đất sản xuất nông nghiệp, 15.404.790ha đất lâm nghiệp, 786,184ha đất nuôi trồng thủy sản, 15.586ha đất làm muối và 58.532ha đất nông nghiệp khác. Diện tích đất nông nghiệp giao cho nông dân sử dụng là 15.004.503ha, trong đó có 10.541.229ha đất sản xuất nông nghiệp, 3.735.081ha đất lâm nghiệp và 685.339ha đất nuôi trồng thủy sản (tương ứng chiếm 53,62%, 89,95%, 24,25%, 87,17% so với tổng diện tích từng loại đất của cả nước)(2). Cả nước đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp lần đầu cho hầu hết các đối tượng đang sử dụng đất với trên 97% diện tích, trong đó đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 93%, đất lâm nghiệp đạt trên 98%, đất nuôi trồng thủy sản đạt trên 87(3).

Việc giao đất ổn định, lâu dài, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân đã tạo cho người nông dân yên tâm sử dụng đất, đầu tư phát triển sản xuất; các chính sách, quy định về giao đất, cho thuê đất với thời hạn sử dụng đất lên tới 50 năm, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân tối đa gấp 10 lần hạn mức giao đất(4) đã làm cho nông dân gắn bó hơn với đất, khuyến khích nông dân tập trung, tích tụ ruộng đất và hợp tác, liên kết trong sản xuất, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ (bình quân diện tích các hộ gia đình, cá nhân tích tụ, tập trung được dao động từ 1,5 - 10ha(5).

Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo các nghị quyết của Quốc hội (Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010, Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016, Nghị quyết 107/2020/QH14 ngày 10/6/2020) đã khuyến khích các hoạt động đầu tư sản xuất nông nghiệp, nông dân gắn bó hơn với nghề nông. Trong giai đoạn 2010 - 2020, trung bình mỗi năm Nhà nước đã miễn giảm cho trên 11,2 triệu hộ nông dân với tổng số tiền quy đổi theo giá thực tế là 2.837 tỷ đồng(6). Ngoài ra, các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã đã tạo điều kiện cho nông dân có vốn đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong sử dụng đất, việc khai thác tiềm năng đất nông nghiệp ngày càng hiệu quả với việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chất lượng cao, đóng góp quan trọng vào tiến trình hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2020, giá trị sản phẩm trồng trọt đạt 101,5 triệu đồng/ha, nuôi trồng thủy sản đạt 238 triệu đồng/ha, tăng tương ứng 1,76 lần và 3,08 lần so với năm 2008; năng suất lao động nông nghiệp tăng bình quân 5,9%/năm (năm 2020 đạt 53,5 triệu đồng/người, cao hơn 2 lần so với năm 2008)(7). Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2021 đạt 48,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,07 tỷ đô la Mỹ so với năm 2020(8) với hàng hóa nông sản có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp đáp ứng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp cũng như đất trồng lúa có xu hướng giảm do chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa là tất yếu (giai đoạn 2010 - 2020, đất trồng lúa giảm 202,93 nghìn hecta, đất trồng cây hàng năm khác tăng 531,81 nghìn hecta, đất trồng cây lâu năm tăng 1.261,65 nghìn hecta, đất nuôi trồng thuỷ sản tăng 98,08 nghìn hecta) song nhờ việc ứng dụng kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác và chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng nên nông nghiệp phát triển không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, tăng thu nhập cho nông dân mà còn đóng góp lớn cho xuất khẩu, đưa nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế trong các giai đoạn khó khăn.

 Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình kinh tế hộ nông dân sang kinh tế trang trại, hình thành và phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác trong nông nghiệp với sự liên kết ngày càng chặt chẽ hơn đã tạo điều kiện cho nông dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị; người nông dân có điều kiện tiếp cận và ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao. Đến hết năm 2021, cả nước có 18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 79 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, trong đó giai đoạn 2013 - 2020 thành lập mới 10.770 hợp tác xã, trung bình mỗi năm tăng gần 800 hợp tác xã; tỷ lệ các hợp tác xã được đánh giá xếp loại khá, tốt tăng từ 10% năm 2013 lên 60% vào năm 2020; doanh thu bình quân một hợp tác xã tăng mạnh đạt 2,4 tỷ đồng năm 2020 (tăng 255% so với năm 2013) trong đó lãi bình quân của một hợp tác xã đạt 383 triệu đồng(9).

Thu hoạch chè  ở  HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Trần Yến

Những hạn chế trong sử dụng đất nông nghiệp và rào cản trong tiếp cận đất đai của nông dân

Mặc dù nông nghiệp không ngừng phát triển, đời sống, thu nhập của người nông dân được nâng lên; tuy nhiên vẫn còn những hạn chế trong sử dụng đất nông nghiệp cũng như trong việc tiếp cận đất đai của nông dân, đó là:

Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; việc tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển (cả nước có khoảng 78 triệu thửa ruộng lớn, nhỏ, trung bình mỗi hộ có khoảng 2,5 thửa với diện tích khoảng 0,5ha; chỉ có khoảng 10% số hộ có thửa liền bờ; tỷ lệ hộ sử dụng đất trên 5ha chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng số 8,8 triệu hộ nông nghiệp; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp cả nước). Việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi dồn điền, đổi thửa cho các hộ nông dân còn vướng mắc(10).

Kinh tế hộ nông dân vẫn là chủ yếu, trong khi kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu; việc tham gia hợp tác, liên kết sản xuất chuỗi giá trị chưa nhiều, tính bền vững chưa cao, hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng còn thấp; chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng (năm 2021, số lượng hợp tác xã tham gia liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm chỉ chiếm 22% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước, số lượng hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao chỉ chiếm 12%)(11). Việc tiếp cận đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hưởng các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất của các hợp tác xã còn hạn chế, việc mở rộng quy mô sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguồn cung (trong tổng số 258 hợp tác xã được điều tra, chỉ có 1,4% hợp tác xã được miễn tiền thuê đất, 13,8% hợp tác xã nhận được ưu đãi về giá thuê đất và 15,2% hợp tác xã nhận được ưu đãi về thời gian thuê đất)(12).

Tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng đất diễn ra ở nhiều địa phương. Mặc dù di cư ra các đô thị để lao động nhưng người nông dân vẫn còn có tâm lý giữ đất, không muốn chuyển nhượng, cho thuê. Điều này không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn hạn chế đến quyền tiếp cận của các hộ nông dân khác có nhu cầu sử dụng đất (tình trạng bỏ hoang ruộng đất diễn ra trên 20 tỉnh, thành trong cả nước, nhiều nhất ở vùng Bắc Trung bộ chiếm tới 50%, tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,2% trong tổng số các trường hợp bỏ ruộng trong cả nước; chỉ tính riêng 5 tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình thì tổng số diện tích đất lúa bỏ hoang năm 2018 là 2.398ha, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2013, trung bình chiếm từ 0,3 - 2,4% tổng diện tích đất lúa của mỗi tỉnh)(13).

Việc quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp khi nhận chuyển quyền sử dụng đất là thời gian sử dụng đất còn lại của thời hạn sử dụng đất trước khi nhận chuyển quyền sử dụng đất(14) đã làm hạn chế các giao dịch về đất nông nghiệp, nhất là trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ nông dân có nhu cầu, ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định đầu tư sản xuất của người nông dân khi thời hạn sử dụng đất còn ít so với thời gian sử dụng tối đa 50 năm.

Việc thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chỉ quy định áp dụng đối với những hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường, thị trấn(15) đã làm hạn chế khả năng tiếp cận đất đai của những hộ nông dân có nhu cầu đất sản xuất.

Nhiều nơi vẫn còn tình trạng đồng bào thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, trong khi việc rà soát, thu hồi đất của các nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả để tạo quỹ đất bố trí cho các hộ thiếu đất còn chậm (năm 2019, cả nước có 24.532 hộ thiếu đất ở, 210.400 hộ thiếu đất sản xuất)(16).

Việc tiếp cận thông tin đất đai của nông dân còn rất hạn chế. Hầu hết nông dân không nắm được thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là thông tin về các ảnh hưởng, hạn chế đến thửa đất của mình do các yếu tố quyết định, tác động bởi cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác (các thông tin chủ yếu được đăng tải trên cổng thông tin điện tử và trưng bày tại trụ sở của các cơ quan hành chính, cơ quan quản lý đất đai các cấp trong khi phần lớn nông dân còn hạn chế về trình độ công nghệ thông tin và khả năng đáp ứng về thiết bị cũng như việc tiếp cận trực tiếp thông tin tại trụ sở của các cơ quan nhà nước)(17).

Thu hoạch dứa thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: N.Hân

Giải pháp để nông dân tiếp cận, sử dụng và phát huy hiệu quả đất đai một cách công bằng và bền vững

Một là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách đối với đất nông nghiệp và người nông dân:

Khuyến khích, ưu tiên nông dân tập trung ruộng đất thông qua các hình thức dồn điền, đổi thửa, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp, hợp tác để sản xuất; cùng với giải quyết tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi dồn điền, đổi thửa để đảm bảo quyền của người nông dân; cho phép nông dân không cùng xã, phường, thị trấn được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; phát triển mạnh thị trường thuê đất nông nghiệp với việc hình thành tổ chức có vai trò trung gian kết nối giải quyết nhu cầu thuê - cho thuê đất nông nghiệp giữa các hộ nông dân nhằm tập trung đất đai và khắc phục tình trạng bỏ hoang ruộng đất.

Đồng thời khuyến khích nông dân tích tụ đất nông nghiệp thông qua phương thức nhận chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất trên cơ sở xác định rõ thời hạn sử dụng đất lâu dài tối đa 50 năm tính từ thời điểm nhận chuyển nhượng, quy định rõ hơn về tình trạng quyền sử dụng đất của nông dân trong trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất sau khi hết thời hạn sử dụng đất. Trước mắt cần chú trọng tích tụ đất ở quy mô nông hộ với định hướng sử dụng đất theo hướng sản xuất hiệu quả theo từng loại sản phẩm, gia tăng thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất thay cho việc lấy gia tăng quy mô diện tích làm lợi thế. Về lâu dài cần hướng tới việc sử dụng các chế tài để đảm bảo việc sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, đúng mục đích thay cho việc hạn chế các giao dịch chuyển nhượng đất nông nghiệp; chuyển nhượng đất nông nghiệp phù hợp theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý, kiểm soát và hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo quyền, lợi ích của các hộ nông dân nhỏ, yếu thế.

Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bảo dân tộc thiểu số trên cơ sở đẩy mạnh việc rà soát, thu hồi đất của các nông lâm trường để bàn giao cho địa phương ưu tiên bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ. Bên cạnh đó, khi quy hoạch sử dụng đất phải bố trí quỹ đất đảm bảo đáp ứng nhu cầu về đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên giải quyết đất cho đồng bào trong thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương.

Có cơ chế phù hợp để xử lý các trường hợp không còn nhu cầu hoặc không còn khả năng sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn muốn giữ đất để tạo sự công bằng trong hưởng chính sách miễn, giảm thuế đất giữa nông dân đang sản xuất và nông dân bỏ hoang ruộng đất không sử dụng. Có cơ chế chia sẻ giá trị tăng thêm từ đất không phải do nhà đầu tư mang lại cho người nông dân có đất nông nghiệp thu hồi, đảm bảo phân phối công bằng giá trị tăng thêm từ đất giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất nông nghiệp thu hồi.

Hai là, tập trung phát triển mạnh hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, các hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân:

Nâng cao nhận thức của nông dân về kinh tế hợp tác, hợp tác xã để người nông dân thấy rõ bản chất khác nhau và tính ưu việt giữa hợp tác xã kiểu mới so với hợp tác xã kiểu cũ, giải tỏa tâm lý e ngại về kinh tế tập thể và thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân để thu hút nông dân tích cực tham gia hợp tác xã.

Cần chuyển biến mạnh về tư duy và hành động của các hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm thay vì số lượng; chủ động để phát triển thay vì ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bổ sung cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, các tổ hợp tác tiếp cận nguồn lực đất đai để mở rộng quy mô, chuyên môn hóa và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất chuỗi giá trị. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất nông nghiệp đối với các hợp tác xã. Có cơ chế, chính sách phù hợp để đăng ký thành lập các tổ hợp tác hoạt động lâu dài, tạo cho các tổ hợp tác có điều kiện phát huy lợi thế liên kết trong nông nghiệp.

Ba là, đổi mới các hình thức phổ biến, công bố thông tin đất đai của các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm để người nông dân dễ dàng tiếp cận thông tin phù hợp với trình độ và khả năng, có các hình thức thông báo để nông dân nắm được thông tin về các ảnh hưởng, hạn chế đến thửa đất của mình như các thông tin về thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch (phạm vi, ranh giới, diện tích đất thu hồi, thời điểm thu hồi, mục đích sử dụng đất được chuyển đổi), thông tin về chất lượng đất, khả năng suy thoái đất đai...

Bốn là, phát huy hiệu quả vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân; tuyên truyền để nông dân hiểu rõ lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp và vận động, thu hút nông dân tham gia; đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đổi mới nội dung, phương thức hỗ trợ nông dân và phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân trong phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã của nông dân trong kết nối thị trường đầu vào, đầu ra thông qua các diễn đàn kết nối nông sản, hội chợ xúc tiến thương mại, các trang web, sàn giao dịch điện tử. 

(1) Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII.
(2) Quyết định số 387/QĐ-BTNMT ngày 02/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020.
(3) Báo cáo số 11/BCSĐBTNMT ngày 05/7/2021 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
(4) Luật Đất đai năm 2013, Điều 126, Điều 130.
(5) Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai.
(6) Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 39/2021/QH15.
(7) Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
(8) Chính phủ.vn, Năm 2021-Ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả vượt bậc.
(9) Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 15/02/2022.
(10) Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai.
(11) Phạm Việt Dũng, Phát triển hợp tác xã kiểu mới-Thực tiễn sau gần 10 năm triển khai, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận-thực tiễn về phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới”, tháng 4/2022.
(12)Trần Quang Trung, Phát triển hợp tác xã nông nghiệp-Nhận diện các nút thắt và khuyến nghị chính sách, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận-thực tiễn về phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới”, tháng 4/2022.
(13) Báo cáo “Đổi mới cơ chế, chính sách trong việc khai thác, phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
(14) Luật Đất đai năm 2013, Khoản 1 Điều 128.
(15) Luật Đất đai năm 2013, Điểm b, Khoản 1 Điều 179.
(16) Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai.
(17) Phân tích thực tế so với các quy định tại các Điều 43, Điều 48 Luật Đất đai năm 2013.