Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Diễn đàn Mekong Connect 2023: Liên kết chuỗi giá trị nông sản khu vực đồng bằng Sông Cửu Long

Tú San - 07:18 17/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngày 15-16/11/2023, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn Mekong Connect 2023 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”. Chương trình do UBND Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Tham dự diễn đàn với sự có mặt của ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cùng đại diện là lãnh đạo cơ quan ban, ngành của các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại diễn đàn - Ảnh TTX

Tại phiên khai mạc ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UNBD TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm nay TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức diễn đàn và có sự tham gia của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long là một bước tiến của tinh thần Connect Mekong sau khi ký kết Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, diễn đàn Mekong Connect chính là dấu mốc quan trọng của năm 2023 khi đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UNBD TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc - Ảnh TTX

Thông tin về thực tế liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: “Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm như liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết ngành, cụm ngành hàng chủ lực; liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết hướng đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; liên kết vận tải - logistics; liên kết công nghệ thông tin”. Theo đó, việc xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ là giải pháp và động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trung tâm liên kết sẽ là “Một điểm đến đa dịch vụ” góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn với nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại diễn đàn -Ảnh TTX

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre lại cho rằng: “Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và trước những tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu, từng địa phương, từng vùng không thể ứng phó riêng lẻ mà phải đi theo xu hướng tất yếu là liên kết vùng”. Theo ông Nguyễn Trúc Sơn thì Bến Tre nằm giữa 2 trung tâm lớn là Tp. Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ, do đó khi hai địa phương này có cơ chế đặc thù để phát triển mạnh mẽ thì Bến Tre cũng được hưởng lợi. Ngoài ra, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho vùng trong những năm tới.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ cho rằng, để liên kết vùng hiệu quả, công tác quy hoạch tích hợp cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất quan trọng. Sau hai năm triển khai, quy hoạch vùng đã đạt được một số kết quả; trong đó nổi bật nhất là huy động được nguồn lực đầu tư cho vùng. Nhiều công trình đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi như: Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1; các tuyến giao thông huyết mạch gồm cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu… khi hoàn thành sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, mở ra không gian phát triển mới cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Một nội dung toạ đàm diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn - Ảnh TTX

Ngoài ra, trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2023 cũng diễn ra các buổi toạ đàm với các chủ đề thiết thực như "Kiến tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế xanh". Tại buổi toạ đàm này, các chuyên gia cho rằng, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đang dẫn đầu trong hệ sinh thái kinh tế xanh, là người tiên phong định vị và là "cánh chim" đầu đàn trong làn sóng "xanh"; trong đó, doanh nghiệp có thể khởi đầu ngay từ chính trong nội bộ của mình và truyền tải những câu chuyện chuyển đổi theo xu hướng xanh hóa sản xuất kinh doanh đến cộng đồng doanh nghiệp trong ngành cùng chuỗi cung ứng và người tiêu dùng. Đồng thời tại buổi tọa đàm "Những thị trường mới nổi: Tái chế và tín chỉ carbon", ông Nguyễn Huy, Tổng Giám đốc ngành hàng đảm bảo kinh doanh tại Việt Nam và Cambodia thuộc Tập đoàn Intertek cho biết, ở ngành dệt may, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm khai báo và đảm bảo các nội dung khai báo trên sản phẩm. Khác với những chứng nhận trước đây, hiện nay trên từng sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu tái chế phải đảm bảo tỷ lệ tái chế và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ từ nhãn sản phẩm gắn liền với bao bì sản phẩm nên doanh nghiệp phải nói thật, làm thật và cung cấp thông tin truy xuất được nguồn gốc. Bên cạnh đó, toạ đàm "Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024", một số đại diện viện, trường, hiệp hội chỉ ra rằng, xu hướng tiêu dùng xanh hiện tại Việt Nam và ngay cả trên thị trường toàn cầu đòi hỏi những giải pháp tiếp thị truyền thông hiện đại gắn với xu hướng E-S-G (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) của cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, những sáng kiến của hệ thống bán lẻ và công ty cung cấp ứng dụng giao hàng sẽ thúc đẩy tiêu dùng xanh và chuyển đổi xanh.

Cũng tại diễn đàn lần này nhiều doanh nghiệp cho rằng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long đều có Nghị quyết riêng về cơ chế để phát triển, nhưng xét cho cùng đây vẫn là những chính sách dành riêng cho từng địa phương, khu vực, chưa tạo ra cơ chế để liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm kinh tế lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh. Do đó các doanh nghiệp cũng mong muốn các địa phương thành viên của diễn đàn tích cực hành động hợp tác, phát huy lợi thế sản xuất nguyên liệu, chế biến nông, thuỷ sản của Đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm chế biến – tiêu thụ, xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh để để nâng cao chuỗi giá trị hàng hoá một cách bền vững.