Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Định vị vai trò của doanh nghiệp và hợp tác xã trong chuỗi liên kết nông nghiệp

22:17 27/11/2019 GMT+7
Để nền nông nghiệp của cả nước thực sự có sức khỏe tốt, thì việc hình thành phát triển các tổ hợp tác (THT), đặc biệt là các hợp tác xã (HTX) chuyên ngành và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương là rất cần thiết trong thời gian tới. Bởi lẽ, hàng

Để nền nông nghiệp của cả nước thực sự có sức khỏe tốt, thì việc hình thành phát triển các tổ hợp tác (THT), đặc biệt là các hợp tác xã (HTX) chuyên ngành và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương là rất cần thiết trong thời gian tới. Bởi lẽ, hàng triệu nông dân nhỏ rất khó có thể liên kết trực tiếp với các tập đoàn lớn một cách hiệu quả và bền vững được…

Đây là những nội dung trong cuộc trao đổi của Tạp chí Điện tử Làng Mới với Tiến sỹ Hoàng Xuân Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).

TS. Hoàng Xuân Trường.

Ông có nhận xét như thế nào về sự phát triển các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay?

Đứng trước sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, đòi hỏi nông nghiệp phải chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa, theo phương châm tăng giá trị, giảm đầu vào, hình thành các chuỗi giá trị trong một nền kinh tế nông nghiệp. Ở nước ta, từ tháng 6.2013, Chính phủ đã có Quyết định số 899/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với quyết định này đã tạo ra một thay đổi tích cực trong việc định hình lại ngành Nông nghiệp, đó là tập trung vào sản xuất nâng cao giá trị gia tăng, tăng chất lượng, tạo ra liên kết theo chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), giúp cho mọi tác nhân tham gia vào chuỗi đều được hưởng lợi.

Trong vài năm gần đây, một số tập đoàn lớn đã tham gia vào phát triển nông nghiệp và thị trường bán lẻ mạnh mẽ, như VinGroup, TH True milk, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát…. đây là tín hiệu đáng mừng và cũng hy vọng mỗi tập đoàn này sẽ xây dựng được một số chuỗi giá trị chủ lực của quốc gia, tạo được nhiều việc làm và đặc biệt là tăng được giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm nông nghiệp tại mỗi địa phương nơi các tập đoàn này hoạt động.

Để nền nông nghiệp của cả nước thực sự có sức khỏe tốt, thì việc hình thành phát triển các THT, đặc biệt là các HTX chuyên ngành và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương là rất cần thiết trong thời gian tới. Bởi lẽ, hàng triệu nông dân nhỏ rất khó có thể liên kết trực tiếp với các tập đoàn lớn một cách hiệu quả và bền vững được. Người nông dân thời kỳ mới phải liên kết với nhau và hình thành các THT, HTX có tổ chức, có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, khả thi, đặc biệt họ phải có có được các hoạt động chung (mua chung, sản xuất, sơ chế, chế biến, bán chung…), sản phẩm của họ tạo ra phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu của thị trường như: ATTP, truy xuất nguồn gốc và có tiêu chuẩn, lúc đó mới tạo được vị thế khi tham gia vào thị trường và mới thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn liên kết với mình.

Để nâng cao hiệu quả liên kết trong sản xuất nông nghiệp cần có sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách cụ thể. Ảnh tư liệu

Trong quá trình nghiên cứu về những mô hình chuỗi liên kết cụ thể, ông có thể kể ra những mô hình nào đang đạt được hiệu quả?

Hiện nay, ở mỗi tỉnh đều có các mô hình HTX, DN nhỏ và vừa hoạt động tương đối hiệu quả, tuy nhiên số lượng còn rất hạn chế. Một số mô hình HTX hoạt động có hiệu quả theo hướng chuỗi giá trị mà chúng tôi đã nghiên cứu, phân tích đánh giá trong những năm gần đây, có thể kể nêu lên. Như: HTX rau an toàn Tự Nhiên ở xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La), sản phẩm đã bán tại các cửa hàng, nhà hàng và Siêu thị tại Hà Nội 3-4 năm nay; HTX chế biến chè Phìn Hồ ở Hoàng Su Phì, Hà Giang có các sản phẩm chè organic đã xuất khẩu sang Đài loan, và một số nước châu âu, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi trà trong và ngoài nước; Công ty Trà Thành Sơn, thuộc HTX Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang là một DN trà, đã có liên kết chuỗi, gắn kết giữa không gian thưởng trà với du lịch vùng trà khá hiệu quả, đã sản xuất ra các sản phẩm như: trà, bột trà, cao trà, và cả viên nang trà; HTX sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt ở huyện Gia Lộc (Hải Dương) chuyên sản xuất và kinh doanh giống thủy sản, các chế phẩm sinh học và xử lý môi trường, diện tích sản xuất là 10ha. Với chưa đầy 10 năm hoạt động, HTX này đã không ngừng tăng trưởng cả về số lượng thành viên, diện tích sản xuất, với số vốn điều lệ hiện tại là 9 tỉ đồng và có tổng số 22 thành viên.

Xin ông cho biết, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi nông nghiệp ở nước ta hiện nay gặp phải những khó khăn, trở ngại nào?

Trên thực tế, mỗi một sản phẩm, mỗi HTX và DN và ở mỗi địa phương khi sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp đều có những khó khăn, trở ngại khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung những khó khăn đó là, nhận thức và hiểu biết về cách làm mới, phương pháp tiếp cận mới trong phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị của các tác nhân: từ lãnh đạo, tới cán bộ, tới người dân và doanh nghiệp, HTX còn hạn chế. Đầu tư vào nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do ngoại cảnh mang lại, đặc biệt ngày càng thách thức khi các hiện tượng cực đoan của thời tiết mang tới và lâu dài chính là biến đổi khí hậu (nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, giá rét…) đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong việc lựa chọn các loại cây trồng vật nuôi thích ứng được…

Khi xây dựng các chuỗi liên kết, việc xây dựng lòng tin giữa các tác nhân với nhau, đặc biệt là mối quan hệ giữa DN với nông dân và HTX cần rất nhiều thời gian và luôn cần có trọng tài ở giữa để đảm bảo lợi ích các bên và phát triển bền vững. Những khó khăn khác cũng thường hay gặp là: vốn, hạ tầng trong phát triển chuỗi giá trị. Năng lực của DN, HTX đầu tàu trong mỗi chuỗi giá trị thường hạn chế về công tác quản trị, xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể với từng tác nhân… Trong khi đó, về phía Nhà nước, các chính sách hỗ trợ thường khó tiếp cận, hoặc tiếp cận được nhưng không đủ, do nhiều tỉnh còn khó khăn chưa dành ngân sách cho việc phát triển chuỗi được đầy đủ. Nhiều địa phương không còn quỹ đất đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất sản phẩm hàng hóa và đạt các tiêu chuẩn của thị trường.

Theo ông, nên định vị lại vai trò của doanh nghiệp và HTX như thế nào trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi?

Bản chất nếu HTX thành lập và hoạt động theo đúng luật HTX thì không cần phải định vị lại, ở đây nên lưu tâm tới một số HTX được thành lập nhưng chưa hoạt động được hiệu quả hoặc hoạt động quá rộng quá sức của mình, do vậy các HTX này cần phải được định vị lại. Theo tôi, HTX nông nghiệp khi mới thành lập rất cần được tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và điều lệ thật chặt chẽ và nghiêm túc làm theo. HTX nên làm tốt khâu tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm tốt đáp ứng yêu cầu của thị trường, mà từng thị trường cụ thể, cũng cần chỉ ra thị trường chính và các thị trường tiềm năng.

Đối với DN, nên đẩy mạnh các khâu mà HTX khó thực hiện được. Với mỗi chuỗi giá trị thì vai trò của mỗi DN tham gia cũng khác nhau. Một số khâu mà DN nên quan tâm đầu tư và phát triển các khâu: sơ chế, chế biến sản phẩm, khâu phân phối và marketing, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

HTX Nông nghiệp Quốc Quân xã Thắng Quân (Yên Sơn) thành công trong việc xây dựng thương hiệu nông sản tại Tuyên Quang. Ảnh tư liệu.

Được biết, sắp tớp Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp sẽ khởi động Dự án “Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” do Quỹ IFAD tài trợ. Xin TS cho biết về Dự án này?

Dự án hướng đến mục tiêu chung: Tạo điều kiện trao đổi học tập có hệ thống giữa các quốc gia dựa trên tiếp cận nhất quán về chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH (CRVC) với sự tham gia của các nhóm nông dân nhỏ, các đơn vị chế biến và doanh nghiệp. Cụ thể, sẽ xác định và phát triển các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng BĐKH giữa nhóm nông dân, cơ sở chế biến và doanh nghiệp trong các dự án do IFAD tài trợ ở bốn quốc gia được chọn. Tăng cường năng lực và nâng cao kiến thức về chuỗi giá trị thông minh thích ứng thành công với BĐKH, những thực hành tốt nhất cho việc ứng dụng và nhân rộng trong tương lai cho tất cả các bên liên quan.

Dự án sẽ gồm nhiều hợp phần. Hợp phần 1 là, xác định và lựa chọn các thực hành chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH tốt nhất. Ở hợp phần này, sẽ tiến hành nghiên cứu đánh giá có tham gia để lựa chọn tối thiểu 20 thực hành sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu đánh giá có sự tham gia để lựa chọn ít nhất 20 doanh nghiệp nông nghiệp có các yếu tố thích ứng thông minh với BĐKH.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (ngoài cùng bên trái) khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Ninh Bình. Ảnh tư liệu

Hợp phần 2: Tăng cường năng lực và nhận thức. Chúng tôi dự kiến sẽ tăng cường năng lực cho 4 đến 10 đơn vị cung cấp dịch vụ phát triển chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu (CRVC) thông qua 4 chương trình tập huấn TOT nâng cao tại 4 nước. Sẽ tổ chức đào tạo 14 cán bộ của IFAD để thực hiện và nhân rộng các mô hình phát triển chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH thông qua các hội thảo và tham quan tại bốn nước tham gia dự án. Chúng tôi cũng dự kiến sẽ tổ chức 10 khóa đào tạo cho nông dân, hợp tác xã về chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH. Đồng thời, tổ chức hội thảo và tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến về CRVC giữa các đơn vị chế biến và nông nghiệp; Nghiên cứu về CRVC phục vụ cho chính sách môi trường và đối thoại chính sách.

Hợp phần 3: Phổ biến các sản phẩm và kiến thức liên quan đến chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH. Các kiến thức về công nghệ và thực hành nông nghiệp thích ứng với BĐKH được chọn trong phần 1 sẽ được phát triển thành các dạng tài liệu phổ biến kiến thực khác nhau. Các tài liệu tri thức liên quan sẽ được đăng tải lên các trang web tổ chức, và cổng thông tin về giải pháp nông thôn của IFAD tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và và ứng dụng rộng rãi, nhân rộng và phổ biến các sản phẩm tri thức trong các dự án IFAD trong khu vực.

Dự án mong muốn kết quả sẽ thiết lập được tối thiểu 20 thực hành sản xuất nông nghiệp thích ứng thông minh khí hậu ở 4 quốc gia được lựa chọn, trong đó tại Việt Nam ít nhất có 5 thực hành sản xuất nông nghiệp thông minh được lựa chọn. Chúng tôi cũng kỳ vọng có ít nhất 20 công nghệ chế biến và bảo quản được nghiên cứu và áp dụng thành công trong khuôn khổ dự án. Đồng thời, có ít nhất 20 doanh nghiệp nông nghiệp được lựa chọn tham gia vào xây dựng thành công các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Dự kiến sẽ có 4.000 nông hộ nhỏ sản xuất quy mô nhỏ, các hộ gia đình, các nhóm hợp tác và HTX được cung cấp các kỹ thuật và công nghệ CRVC được hưởng lợi, với thu nhập tăng cao hơn so với trước đây. Ngoài ra, dự án cũng xác định, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp thích ứng với BĐKH của các tỉnh như Bến Tre và Trà Vinh để báo cáo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn. Thông qua dự án, cán bộ ngành Nông nghiệp tại 4 nước (Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia) sẽ được tăng cường năng lực xây dựng chính sách và hỗ trợ hoạt động hiệu quả cho CRVC.

Doanh nghiệp và HTX có vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Ông có những đề xuất, khuyến nghị nào đối với Bộ NN&PTNT và các cơ quan Nhà nước có liên quan, doanh nghiệp, HTX về những cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất theo chuỗi nhanh hơn, đạt hiệu quả hơn?
Chúng tôi đề nghị Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan cùng các tỉnh vào cuộc để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị; ưu tiên xác định các sản phẩm chủ lực quốc gia, liên kết theo vùng. Cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm quốc gia và theo vùng. Nhà nước cần tăng nguồn lực đầu tư khoa học công nghệ để tăng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý phát triển chuỗi giá trị, xây dựng phát triển HTX và DN nhỏ và vừa tham gia vào nông nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, HTX nên có quá trình phân tích, đánh giá đầy đủ các điều kiện trước khi đầu tư phát triển chuỗi. Các kết quả là đề án hay thuyết minh phát triển chuỗi phải được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt, ở đây là UBND cấp tỉnh hoặc huyện. Các ban ngành phải cùng được tham gia vào quá trình phân tích, thẩm định và thực hiện kế hoạch phát triển chuỗi giá trị đó. Cần luôn có sự đồng hành của các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng tham gia vào quá trình hình thành và phát triển của từng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Xin cảm ơn Tiến sỹ!

Chu Khôi (thực hiện)