Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông

Minh Anh - 07:37 03/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Vừa qua, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Đào tạo năm 2022 để tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo giai đoạn 2020 - 2022; đồng thời đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành Nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2025.
Xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Các cơ sở đào tạo của ngành Nông nghiệp đáp ứng nhu cầu dạy nghề

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay, thời gian qua, công tác đào tạo của ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, có đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu trong tiến trình phát triển của đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT có 11 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ, bao gồm 8 Viện nghiên cứu và 3 cơ sở giáo dục đại học với tổng số 38 chuyên ngành. Công tác đào tạo nghiên cứu sinh tại các viện và các trường của Bộ đã góp phần quan trọng vào đào tạo nhân lực trình độ cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, là nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng để có được nền nông nghiệp chất lượng cao, hiệu quả gắn với tăng trưởng xanh, đòi hỏi các chương trình đào tạo phải đổi mới theo hướng đào tạo cho người nông dân kỹ năng về nông nghiệp tuần hoàn; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp xanh và giảm phát thải khí nhà kính. Trong nhiều năm qua, hệ thống cơ sở đào tạo bồi dưỡng thuộc Bộ NN&PTNT tiếp tục được kiện toàn về tổ chức bộ máy hoạt động theo hướng không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. 

Hàng năm, các trường thuộc khối ngành Nông nghiệp tuyển sinh đào tạo trên 76 nghìn học sinh hệ cao đẳng, trung cấp và gần 15 nghìn sinh viên bậc đại học. Công tác đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp bước đầu đã gắn kết với thực tiễn sản xuất và doanh nghiệp trong huy động nguồn lực và định hướng đầu ra cho học sinh, sinh viên.

Nhiều trường đã chủ động tiếp cận thực tế và làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu lao động nông nghiệp, ký kết hợp tác đào tạo. Một số trường như trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh đã chủ động ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nước ngoài để đưa sinh viên đi thực tập, cam kết đào tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp.

Trước hết phải xác định những lĩnh vực trọng tâm của ngành Nông nghiệp từ đó đầu tư nâng cao. Trước hết là đầu tư cho chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, bên cạnh đó là kỹ năng của người nông dân, tiếp đến là phải đào tạo cho người nông dân gắn với thị trường, gắn với doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản.

Hướng đến đào tạo phải gắn với doanh nghiệp và thị trường

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực nông nghiệp, nông thôn.

Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định yêu cầu: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của  ngành, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo đột phá trong nghiên cứu…

Để thực hiện được mục tiêu này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm.

Thứ nhất, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong thời đại 4.0, công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo phải được nâng tầm, vừa đáp ứng được yêu cầu trong nước, vừa vươn lên tầm cỡ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ hai, trước yêu cầu nền nông nghiệp Việt Nam đang từng bước tiếp cận, trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, công tác đào tạo nghề trong nông nghiệp phải tiếp tục đổi mới theo hướng đáp ứng các yêu cầu của đất nước, đồng thời chuyển hướng sang gắn liền với các doanh nghiệp và thị trường để đảm bảo vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa giải quyết việc làm, đào tạo lực lượng nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp.

Thứ ba, Các cơ sở đào tạo của Bộ NN&PTNT phải gắn đổi mới, nâng cao chất lượng với vấn đề tăng năng suất lao động, tạo ra được các sản phẩm chất lượng, gia tăng giá trị, gắn với vấn đề tăng trưởng kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.

Liên quan đến vấn đề định hướng cho kinh tế nông nghiệp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, trước hết phải xác định những lĩnh vực trọng tâm của ngành Nông nghiệp từ đó đầu tư nâng cao. Trước hết là đầu tư cho chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, bên cạnh đó là kỹ năng của người nông dân, tiếp đến là phải đào tạo cho người nông dân gắn với thị trường, gắn với doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản.

Đó là những giải pháp để chuyển dịch sản xuất của nông dân sang kinh tế nông nghiệp. Một là sản xuất đạt yêu cầu chất lượng và có mẫu mã. Hai là phải giảm chi phí, gia tăng được giá trị. Và thứ ba là phải đáp ứng được yêu cầu thị trường. Đó là quá trình để hình thành cho người nông dân tiếp cận kinh tế nông nghiệp, tiếp cận với thị trường.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn cần gắn với nhu cầu thị trường, doanh nghiệp, HTX, qua đó đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

“Hiện nay, kinh nghiệm đã có, thành tựu đã có, vậy vấn đề quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy nhận thức và phải tiếp tục chủ động trong công tác đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác đào tạo phải gắn với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và thị trường. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi công tác đào tạo cần dẫn dắt và mở đường cho ngành Nông nghiệp phát triển trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh. 

Hiện, các cơ sở đào tạo đại học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 38 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ, 39 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ và 96 ngành đào tạo trình độ đại học. Trong đó, có các chương trình tiên tiến, hợp tác với các trường nước ngoài có chất lượng, giảng dạy bằng tiếng Anh”.
Theo Bộ NN&PTNT.