Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đồng Nai: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là một trong những giải pháp then chốt

Tú San - 15:56 19/07/2023 GMT+7
Sáng ngày 18/7/2023, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị với chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” năm 2023. Dự hội nghị có ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và đại diện công ty Trang trại Việt.

Thực hiện Kế hoạch 110-KH/TU ngày 31/12/2021 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025", Ban Thường vụ Hội Nông dân đã tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch số 460-KH/HNDT ngày 17/5/2022 để triển khai đến Hội Nông dân các cấp trên địa bàn. Theo đó mục tiêu phấn đấu của tỉnh Đồng Nai đến năm 2025: Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% tổng giá trị toàn ngành, xây dựng được từ 2 đến 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mỗi huyện, thành phố đều có các cơ sở nông nghiệp ứng dung công nghệ cao với quy mô doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác là những mô hình điển hình đề các địa phương, người sản xuất học tập kinh nghiệm, nhân rộng trong sản xuất, dự kiến từ 30 - 40 mô hình trên lĩnh vực nông nghiệp; có khoảng 30 - 40 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội nghị - Ảnh TS

Tỉnh Đồng Nai xác định tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI. Chính vì vậy, Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ năng suất cao, có chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Đây cũng là hướng đi phù hợp được nông dân tích cực tham gia vì đây là giải pháp có tính khả thi cao nhất trong phát triển sản xuất tạo ra sản phẩm nông sản an toàn và bền vững.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm nhằm giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng những phương pháp ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, công nghệ thông tin … giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Theo báo cáo tại Hội nghi, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%,...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị - Ảnh TS

Trong thời gian qua phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Đồng Nai đã đạt một số kết quả như sau:

Về trồng trọt: Đến nay, toàn tỉnh có 140 mã số vùng trồng, 81 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu (chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm, chanh, sầu riêng, nhãn, vải, dưa hấu); đặc biệt năm 2022 đã thiết lập 12 mã số vùng trồng đối với 2 loại trái cây chủ lực của tỉnh để phục vụ xuất khẩu (5 vùng chuối và 7 vùng sầu riêng) và tổ chức Lễ xuất khẩu chuối tươi chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đầu xuân Quý Mão 2023 (trong quý II/2023 tổ chức lễ xuất khẩu đối với quả sầu riêng tại địa bàn Long Khánh), đây là cơ hội lớn cho thị trường nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Nai.

Về chăn nuôi: Duy trì khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; có 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90 % trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; khoảng 45% tổng đàn heo, 31 % tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc; 150 trang trại và 07 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP.

Về thuỷ sản: Một số mô hình nuôi tôm thâm canh tiếp tục được triển khai nhận rộng với diện tích đến nay là 302,5ha, tiêu biểu như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành đến nay có 77 hộ nuôi với tổng diện tích gần 156ha.

Có thể nói Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.