Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đức ‘Mông Cổ’ từ tướng cướp đến tài tử điện ảnh

09:23 23/03/2017 GMT+7

 

Đức Mông Cổ trở thành tài tử điện ảnh

 

Trước năm 1975, cùng thời với Điềm Khắc Kim nổi danh chốn giang hồ ở Sài Gòn có Điền Thái Minh tức Đức “Mông Cổ”, một tướng cướp “nhà binh” cũng nổi danh không kém. Nhưng kết cục của Điềm Khắc Kim là cái chết thảm trong trại giam Chí Hòa, còn Đức “Mông Cổ” có hậu hơn, trở thành một tài tử điện ảnh nổi tiếng, đóng đến 60 phim chủ yếu là vai…tướng cướp dữ dằn.

Để có được kết cục sáng sủa như vậy Đức “Mông Cổ” đã sớm hoàn lương trở thành người lương thiện, nhưng để trở thành người lương thiện, sống tử tế đối với một tướng cướp khét tiếng đã khó, trở thành một diễn viên điện ảnh được nhiều người yêu mến lại càng khó hơn. Đức “Mông Cổ” đã vượt qua bi kịch của đời mình như thế nào?

Tuổi thơ và ám ảnh hận thù

         Quay lại thời gian năm 1953 của Sài Gòn. Thủa ấy ở chân cầu Hiệp Ân bến Ngyễn Duy (thuộc Q8), một trong những địa danh nằm dọc sông cầu Ông Lãnh xuôi về hướng Chợ Lớn, nơi có nhiều vựa lúa, chành gạo và lực lượng công nhân bốc vác đông đảo. Tất nhiên vây quanh đó là những khu dân cư tập trung người lao động nghèo tứ xứ về đây sinh sống. Bến Nguyễn Duy trên bờ đã thế, dưới sông cũng không kém phần nhộn nhịp với ghe thuyền xuôi ngược ngày đêm của giới thương hồ sông nước. Ở đó có một gia đình lao động nghèo xơ xác như nhiều gia đình nghèo khác, và cậu bé Điền Thái Minh đã sinh ra trong gia đình này với ông bố làm nghề ngược xuôi sông nước, trưởng một tàu kéo. Do mưa nắng, thời gian và sự lao lực quá mức đã cướp dần của ông thời trai trẻ nên cha của Điền Thái Minh đã chết sớm, để lại 5 đứa con và một bà vợ tảo tần cũng hom hem không kém ông chồng với một sạp hàng tạp hóa lèo tèo nhưng phải gồng gánh tới 5 miệng ăn.

Nhưng bà mẹ nghèo này vẫn bền gan chống chọi với cuộc sống cơ cực để nuôi những đứa con mất đi người trụ cột trong gia đình ăn học không một giây phút ngả lòng. Điền Thái Minh là anh cả trong gia đình, năm cha chết anh được 13 tuổi, và là một thiếu niên cao lớn ra dáng đàn ông ngoài giờ đi học ở nhà phụ mẹ gồng gánh nuôi mấy đứa em. Năm 1969, Điền Thái Minh đang học lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ), buổi tối sung vào lực lượng Nhân dân tự vệ xã phường đang ôm súng đứng gác trước cửa trụ sở, lúc đó tên trưởng khóm NDTV, sếp của Điền Thái Minh đi nhậu về xỉn quắc cần câu ngang qua chỗ mấy bà hàng xóm đang ngồi tán gẫu dưới chân cột đèn đường, trong đó có mẹ của Điền Thái Minh. Tên Ba Xê chẳng hiểu nổi điên chuyện gì mà ngoác mồm ra chửi tục, hăm dọa cho dân vệ bắt nhốt hết vì tội…khuya rồi mà không về nhà ngủ còn tụ tập ngoài đường để “nhiều chuyện”.

 

                               Đức Mông Cổ quyết “rửa tay gác kiếm” làm lại cuộc đời

Điền Thái Minh rất căm ghét sự hống hách của tên Ba Xê, coi người dân chẳng ra gì, dám xúc phạm đến những người đàn bà trong xóm mà trong đó có mẹ của mình nhưng chỉ biết nuôi mối oán hận này trong lòng chờ dịp trả thù chứ lúc đó không biết làm gì hơn. Để có cơ hội trả thù Ba Xê, Điền Thái Minh chỉ còn cách đăng lính, mà phải là thứ lính “ngầu” nhất thời chế độ cũ để một ngày đẹp trời mang súng trở về xóm nện cho tên trưởng khóm một trận, lúc đó tên Ba Xê mới ớn. Thế là vài ngày sau Điền Thái Minh bỏ học, bỏ luôn giấc mộng sau này làm kỹ sư để đăng vào binh chủng Thủy quân Lục chiến một trong những sắc lính “bặm trợn” thời bấy giờ là: Biệt kích dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân. Sau 3 tháng huấn luyện, Điền Thái Minh được đưa về đơn vị tác chiến và chỉ sau một thời gian ngắn binh nhì Điền Thái Minh trở về xóm cũ không phải là cậu học trò nhút nhát trước đây nữa mà trong sắc phục rằn ri của lính TQLC, đầu đội mũ bê rê xanh, bên hông xề xệ khẩu P38, bộ dáng khệnh khạng, miệng phì phèo điếu thuốc đi tìm tên Ba Xê để rửa hận.

Vừa gặp lại cậu thanh niên cùng xóm, từng là nhân dân tự vệ dưới quyền mình chưa hết ngỡ ngàng thì Điền Thái Minh đã nhảy xổ đến đấm đá ông trưởng khóm túi bụi. Trước sự hung hăng, dữ tợn của Điền Thái Minh trong bộ sắc phục TQLC rằn ri, và khẩu P38 đeo bên hông, ông trưởng khóm chỉ còn biết ôm đầu máu bỏ chạy thoát thân. Tất nhiên Ba Xê sau đó đó đi thưa và Điền Thái Minh bị quân cảnh bắt tống và quân lao giam chịu hình phạt kỷ luật. Sau một tuần lễ “kẻ tội đồ” được thả ra và với “chiến tích” đánh người của “nhà chức trách”, dù chỉ là một anh trưởng khóm quèn nhưng Điền Thái Minh đã được đánh giá là một “quân nhân vô kỷ luật” nên bị đưa ra vùng 1 chiến thuật sung vào tiểu đoàn 3 sư đoàn TQLC một tiểu đoàn đảm trách “tọa độ chết” ở thành cổ Quảng Trị. Binh lính bổ ung vào đơn vị này được xem như những “cảm tử quân” ra đi không về nên đều nhận tiền tử tuất trọn gói một lần. Do đó toàn đơn vị tiểu đoàn này xem như không còn gì để mất và cũng chính vì thế nên tập trung toàn “thứ dữ”, rất hung hăng, liều lĩnh và đánh đấm…thí mạng cùi. Dấu ấn này vẫn còn rất đậm nét về sau này trong trí nhớ của Điền Thái Minh. Đó là cuối năm 1969, thời điểm chiến trường thành cổ Quảng Trị khốc liệt nhất.

Tự bắn mình để được loại ngũ

       Là con người ai không sợ chết, dù lì lợm như Điền Thái Minh nhưng cũng phải run chân kh đối diện với cái chết treo lơ lửng trên đầu không biết sập xuống bất cứ lúc nào ngay trận tuyến khốc liệt trước mặt. Và lúc đó Điền Thái Minh mới thật sự hối hận nhận ra sai lầm nông nổi của tuổi thanh niên bốc đồng, nhìn thấy “đồng đội” lần lượt ngã xuống, không chết vì bị “nướng” trong bom đạn, cũng chết vì hút chích ma túy. Điền Khắc Minh quyết định tự cứu lấy mình bằng cách đào ngũ, đó là đầu năm 1970, anh bỏ đơn vị, liều mình băng rừng ra đường QL đón xe đò trốn về Sài Gòn.

Lúc bấy giờ khu vực cầu Hiệp Ân, bến Nguyễn Duy đã mọc lên rẫy các loại tệ nạn xã hội: các sòng bài, động mãi dâm, hút chích ma túy, cho vay nặng lãi, các snack bar và lẽ tất nhiên không thiếu những tay giang hồ cộm cán “ăn theo” làm nhiệm vụ bảo kê lấy tiền xâu thâu tiền tháng. Điền Thái Minh sẵn máu giang hồ, giờ có thêm máu liều của lính TQLC nên muốn “phất cờ” giành lãnh địa. Thế là, với bộ đồ rằn ri, gương mặt rổ hoa hầm hố, súng lận lưng và dao lê Mỹ giắt dưới ống giày “bốt đờ sô”, Điền Thái Minh hàng ngày đi…giành lãnh địa và lấy”số má”. Tướng Điền Thái Minh cao lớn dềnh dàng, mặc đồ rằn ri TQLC, “hàng nóng, hàng nguội” đầy đủ chơi keo nào là thắng keo đó, lấy số tay anh chị nào mà không để lại ấn tượng mới lạ. Chỉ trong thời gian ngắn, Điền Thái Minh đã trở thành một “đại ca” giang hồ lừng lững đẳng cấp, dưới trướng có nhiều đàn em toàn những sát thủ không run tay. Nhờ quyền lực thế giới ngầm Điền Thái Minh rủng rỉnh tiền bạc, cai quảng cả một “giang sơn” màu mỡ từ Q8 ra tới Nhà Bè (Q7 ngày nay) nhất là khu vực cầu Hàn (gần cầu Tân Thuận) Điền Thái Minh là một ông “vua con”, chỉ cần búng tay, gái giang hồ chạy tới vây quanh như ruồi, sẵn sàng phục vụ “đại ca” không dám lấy “công”. Chính giai đoạn này Điền Thái Minh đã “tao ngộ” với tướng cướp Điềm Khắc Kim khi tên cướp lừng lẫy này trốn truy nã của cảnh sát chế độ cũ về đây lánh nạn.

Mẹ của Điền Thái Minh dù rất nghèo, rất thương con nhưng biết được những việc làm của đứa con trai hư hỏng bà không chấp nhận, nhiều lần Điền Thái Minh mang tiền về đưa bà kiên quyết không lấy, dù một đồng mà nhiều đêm ngồi bên ánh đèn dầu leo lét trong căn nhà tồi tàn bà đã khóc hết nước mắt vì đứa con hư hỏng. Chính điều này đã khiến Điền Thái Minh ray rứt cả cuộc đời và tất nhiên đã tác động rất lờn tới ý nghĩ hoàn lương sau này của một tướng cướp đâm thuê chém mướn không hề run tay hay bận tâm về đối thủ mà mình thanh toán. Tội nghiệp cho bà cụ nghèo, giận con mà không làm gì được, mẹ của Điền Thái Minh đã chết vào năm 1990 trong căn nhà xơ xác và với bộ quần áo không lành lặn. Hình ảnh này đã làm Điền Thái Minh càng quyết tâm rửa tay gác kiếm làm một người lương thiện để “trả hiếu cho mẹ” theo cách nói của một tay giang hồ. Nhưng chuyện đó là về sau này, khi Sài Gòn giải phóng.

 

                                                                             Vợ chồng Đức Mông Cổ  với những tháng ngày hạnh phúc 

Trước đó, vào năm 1972, một đêm mọi người đang vui vẻ đón Tết. Điền Thái Minh đang ngồi nhậu đón xuân với đám đàn em dưới trướng ở xóm lò heo Chánh Hưng thì bất ngờ có một đoàn xe quân cảnh đông 15 chiếc hú còi chạy như bay vào xóm, cả trăm lính quân cảnh từ trên các xe nhảy xuống, súng M16 lăm lăm trong tay mở cuộc vây ráp bắt giang hồ, đào binh, trốn quân dịch… Điền Thái Minh cũng bị tóm và vì là đào binh nên bị trả ngay về đơn vị cũ: Tiểu đoàn 3 TQLC đóng ở Quảng Trị. Trở lại đơn vị “chết chóc” này Điền Thái Minh lại tìm cách trốn thoát, không phải đào ngũ như lần trước mà tìm lấy cơ hội để được loại ngũ. Một đêm, đang đứng gác ở chốt, mưa rừng lạnh cắt da, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ dồn đến không ngăn nổi Điền Thái Minh quyết định tự gây ra thương tật để được loại ngũ. Anh ghìm mũi súng AR15 xuống bàn chân trái rồi bặm môi siết cò.

Điền Thái Minh thừa biết rằng với cách tự hủy hoại thân thể để tìm cơ hội được loại ngũ mà bị phát hiện đối với quân nhân chế độ cũ là bị ra tòa án binh và bị xử tội rất nặng, chí ít cũng lãnh 10 năm tù ngồi quân lao. Nhưng thật may mắn cho anh ta đã gặp một Trung úy Quân y tốt bụng, vị bác sĩ này nhìn vết thương là biết ngay gã binh nhì gác chốt tiền tiêu này đã tự bắn vào bàn chân mình, một cách tự gây thương tật để được loại ngũ hợp pháp của binh lính chế độ cũ. Điền Thái Minh không còn cách nào khác đành phải thú nhận việc tự bắn vào bàn chân mình với lý do là quá căm ghét cuộc chiến tranh vô nghĩa, sợ chết chóc, thương mẹ già một mình sống trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ. Có lẽ khi đó Điền Thái Minh đã bộc phát khả năng “diễn xuất” và đột xuất nhập vai diễn rất hay nên vị Trung úy Quân y đã mũi lòng “ngó lơ” xem như gã binh nhì này bị thương do chiến tranh nên ký tên, đóng dấu vào hồ sơ, xác nhân Điền Thái Minh bị “thương trận”. Nhận sự chứng nhận này mà Điền Thái Minh thoát tội tù, được đưa về bệnh diễn dã chiến ở Bình Dương điều trị và khi vết thương vừa lành, được ra viện cũng là lúc anh ta cầm trên tay “Lệnh xuất ngũ” vì không còn đủ sức khỏe phục vụ trong quận đội. Một cuộc đào thoát tuy đau đớn nhưng lại khá…an toàn.

Trở về xóm lò heo Chánh Hưng năm 1972 thì 2 năm sau Điền Thái Minh cưới vợ, đó là cô gái tên Mè, người cùng xóm. Khi vợ anh mang thai vào năm 1975 thì cũng là năm giải phóng Sài Gòn, trong thời khắc chiến tranh chấm dứt thì không may tai họa lại ập xuống khu lò heo Chánh Hưng, trong đó có gia đình Điền Thái Minh vì những quả đạn pháo kích. Cả xóm tan hoang trong lửa đạn, căn nhà nhỏ của Điền Thái Minh cư ngụ cũng thành tro, khiến chút tài sản dành dụm được và mái ấm gia đình cho vợ con nương náu phút chốc tiêu tan. Điền Thái Minh với hai bàn tay trắng lại lao vào những khu vực chợ trời ngày mới giải phóng ở vùng Chợ Lớn Q5 để làm một con buôn bất đắc dĩ. Mặt hàng thời bấy giờ buôn bán khá rầm rộ là: đồng hồ đeo tay, máy cassette, ti vi, radio, xe đạp, quạt máy, bàn ủi… và sự cạnh tranh, giành mối ở đây lại nảy sinh, Điền Thái Minh trong môi trường chợ trời lại nhanh chóng trở về với thủ đoạn và quy luật “mạnh được yếu thua”. Thế là Điền Thái Minh với bản chất giang hồ vốn có, nhanh chóng nổi tiếng ở khu vực Đồng Khánh, Châu Văn Liêm với biệt danh Đức “Mông Cổ”.

Với biệt danh này, Điền Thái Minh đã có thêm hình xăm một con rồng màu xanh to lớn gọi là “Mãnh Long quá giang” nằm vắt trên tấm lưng dài thượt, gồ ghề. Nét xăm trổ rất sinh động, “có thần” chứng tỏ phải do một tay đàn em có đôi tay thiện nghệ trong nghề xăm chốn giang hồ rất nổi tiếng. Đó không ai khác hơn là Đực “Ba Thau”. Nhưng dù giang hồ thứ thiệt như Đức “Mông Cổ”, lừng danh khu chợ trời hay những tay du đảng cắc ké cũng không thể chống lại pháp luật mà đại diện là những anh công an, trật tự viên giữ an ninh trật tự xã hội, ổn định lòng lề đường. Do thường xuyên phải chạy trốn những cuộc vây ráp, rượt đuổi ở chợ trời Đức “Mông Cổ” quá chán ngán nên quyết định cùng bà mẹ già và vợ con bỏ thành phố ra Bà Rịa-Vũng Tàu lập nghiệp theo diện “kinh tế mới”. Ở đây, muốn đánh dấu một bước ngoặc khác cho cuộc đời mình, Điền Thái Minh tức Đức “Mông Cổ” quyết “rửa tay gác kiếm” thoát kiếp giang hồ làm một người dân lương thiện bằng cánh xăm hai đóa hoa hồng chồng lên vết xăm cũ có chữ TQLC trên cánh tay trái để tỏ rõ sự quyết tâm.

Lần này Đức “Mông Cổ” thực hiện được quyết tâm của mình. Với những ngày tháng chí thú làm ăn, lao động vất vả, cần cù nơi vùng đất mới Long Thành, Đức “Mông Cổ” dành dụm được số vốn nhỏ mở một cửa tiệm bán nồi niêu xoong chảo ở vị trí đắc địa ngay thị trấn Long Thanh và cuộc sống đi dần vào ổn định. Từ ngày làm ông chủ cửa hàng xoong chảo, Đức “Mông Cổ” sống vô tư hơn, hay cười dù gương mặt khá hầm hố và nếu khi gặp Đức “Mong Cổ” ở trần người ta sẽ dễ dàng nhận ra từ ngực, bụng, lưng, hai cánh tay…chỗ nào ông chủ cửa tiệm hàng xén cũng có những hình xăm ghê rợn, nhưng bản tánh lại rất hiền lành. Đó là khi Đức “Mông Cổ” đã…dứt nợ giang hồ mà dấu ấn một thời ngang dọc vẫn còn in đậm trên thân thể.

Nhưng giữa lúc Đức “Mông Cổ” quyết chí thú làm ăn nuôi vợ con, tập chịu đựng cơ cực, sống cuộc đời tự tại, thảnh thơi không vướng bận giang hồ thì đùng một hôm, Đức “Mông Cổ” biết được người vợ đảm đang, hiền thục lâu nay lại là một tay máu me cờ bạc, càng bất ngờ hơn nữa đang có chồng giang hồ thứ thiệt mà lại dám cặm sừng để dang díu với một gã du đãng nhãi nhép.  Người ta tưởng rằng sẽ có một cuộc “trả thù” tàn độc, kinh hoàng cho hai kẻ dám cả gan trêu chọc vào Đức “Mông Cổ” nhưng không, anh ta hoàn toàn cư xử ngược lại, chẳng một lời dọa nạt hay cãi vã to tiếng cùng nhau ra tòa li dị rồi đường ai nấy đi vào năm 1990. Vài năm sau đó khi chuyện cũ đã nguôi, Đức “Mông Cổ” lại lấy vợ, lần này là một cô gái bán cà phê ở gần nhà và hai vợ chồng đã có một đứa con trai. Năm nay đã trưởng thành.

Bất ngờ trở thành… tài tử điện ảnh

       Nhưng trước đó, thời điểm năm 1981, một bước ngoặc lớn đã bất ngờ đưa ông chủ cửa tiệm nồi niêu xoong chảo rẽ sang con đường…làm diễn viên điện ảnh. Đó là thời gian này đạoi diễn Xuân Sơn và nhà quay phim Trần Trung Nhàn có trách nhiệm đi chọn cảnh quay và tìm một người đàn ông tuổi trung niên có gương mặt, vóc dáng tương đối “ngầu” để đóng một vai …phản diện là tay đại úy cảnh sát dã chiến ngụy trong bộ phim sắp quay mà bí diễn viên đóng vai “ngầu”. Khi đến thị trấn Long Thành, ngang qua cửa tiệm nồi niêu xoong chảo, hai nhà làm phim đã tình cờ nhìn thấy “vai diễn” của mình đang ngồi trong cửa tiệm và đó chính là ông chủ cửa tiệm Đức “Mông Cổ”. tìm nhân vật đóng vai băm trợn mà gặp ngay Đức “Mông Cổ” thì…chuẩn không cần chỉnh, ngay từ khi gặp mặt anh ta, đạo diễn Xuân Sơn và tay máy Trần Trung Nhàn chấm ngay và rất phấn khởi vì gặp đúng người mình đang cần tìm. Vì không chỉ Đức “Mông Cổ” là một tướng cướp thật sự trong quá khứ mà là là một tướng cướp có… gương mặt tài tử xi nê từ trong bụng mẹ.

Thế là Điền Thái Minh tức Đức “Mông Cổ” bỏ ngang cửa tiệm nồi niêu xoong chảo để đi đóng phim. Khi một cảnh quay của bộ phim “Những khoảng cach còn lại” được thực hiện ở Long Thành thì mọi người rất ngạc nhiên khi nhìn thấy ông chủ cửa tiệm hàng xén mặt mày rất “ngầu” thường ngày bỗng dưng hóa thành…đại úy CSDC Lê Bình và đang có mặt trong đoàn làm phim ngồi chung với những tài tử gạo cội, nổi tiếng trong làng điện ảnh như Bắc Sơn, Hà Xuyên…và anh diễn viên tay ngang này lại đóng rất đạt vai phản diện cũng như những tên trùm du đảng, cầm đầu băng nhóm đen, tướng cướp dữ dằn…Đức “Mông Cổ” bén duyên với điện ảnh từ đó nhờ một cơ duyên và cũng từ đó anh đóng phim liên tục như một diễn viên chuyên nghiệp, có hơn 60 bộ phim với các vai phản diện khác nhau và vai nào cũng rất “ngầu”. Đến nỗi mọi người trong giới đều có chung nhận xét: hình như Điền Thái Minh sinh ra để …đóng những vai giang hồ!

Thật thế, qua hơn 60 bộ phim lớn nhỏ mà Đức “Mông Cổ” thủ vai, (có gần 100 vai diễn) hầu như đều là vai phản diện thuộc loại ác ôn côn đồ, không thì tướng cướp máu lạnh, sát thủ mắt ma…trong số ấy đạo diễn chỉ giao cho anh …2 vai tạm gọi là người lương thiện, tử tế. Nhưng qua con đường theo nghề điện ảnh, theo nghiệp diễn viên đã 20 năm, Đức “Mông Cổ” thực sự đã “giã từ dĩ vãng”, anh hoàn toàn hạnh phúc khi được lột xác, thóat kiếp giang hồ trong đời thật để làm diễn viên…giang hồ trong phim. Tuy việc đóng phim có khá hơn bán nồi niêu xoong chảo, nhưng Đức “Mông Cổ” vẫn nghèo, vẫn sống chật vật, nhưng anh rất vui vẻ, hạnh phúc , hài lòng với cuộc sống hiện tại bên vợ con. Bây giờ, ở ngưỡng tuổi 60, tóc hoa râm, ngoài việc đóng phim, thời gian còn lại Đức “Mông Cổ” phụ giúp vợ trông coi quán cà phê mở ngay tại nhà ở Phường Tân Hưng Q7.

Đối với một gã giang hồ có số má đã quyết tâm làm lại cuộc đời như Đức “Mông Cổ” như thế là quá đủ.

Quý Nhâm

 

      

 

 

 

  • Trên 100 cơ thủ sẽ tham gia Giải Billiard Báo chí khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 16
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 8/6 tới tại TP. Cần Thơ, Văn phòng đại diện Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị tại Hậu Giang tổ chức Giải Billiard Báo chí khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 16, với sự tham gia của trên 100 cơ thủ đến từ các báo, đài thường trú tại miền Tây Nam Bộ. 
  • Cơ hội lớn cho hội viên Hội Nông dân bứt phá
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1177/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch. Đây không chỉ là cơ sở, tiền đề hướng đến hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch mà nó còn mở ra một hướng phát triển kinh tế quan trọng cho hội viên Hội Nông dân trên phạm vi cả nước.
  • Gia Lai: Xã Bàu Cạn phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Sau khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2016, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai đã tiếp tục được Huyện uỷ giao nhiệm vụ nâng cao chất lượng và giữ vững các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được, tập trung tuyên truyền, huy động các nguồn lực cùng chung tay xây dựng NTM nâng cao.
  • Cảnh báo nguy cơ tử vong do nhiễm liên cầu lợn
    Thời gian gần đây xuất hiện nhiều ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong. Chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân nên ăn chín, uống sôi và không nên giết mổ lợn ốm chết.
  • Phát triển du lịch cộng đồng – hướng đi mới ở Tịnh Khê
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Rừng dừa nước xã Tịnh Khê được ví như “miền Tây” trong lòng thành phố Quảng Ngãi, việc phát triển du lịch cộng đồng giúp người dân vừa khai thác tiềm năng, lợi thế của cánh rừng ngập mặn và duy trì, bảo tồn di tích lịch sử của rừng dừa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc ở miền Đông huyện Sơn Tịnh (nay mở rộng thành TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).
  • An Giang: Khoác áo nông thôn mới cho xã vùng biên Lạc Quới
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 07/5, UBND huyện Tri Tôn đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang công nhận xã Lạc Quới đạt chuẩn “xã nông thôn mới” (NTM) năm 2024 và Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn công nhận xã Lạc Quới đạt chuẩn “Xã văn hóa NTM” năm 2024.
  • Hoàn thiện chính sách thu tiền sử dụng đất, thuê đất, đáp ứng yêu cầu cuộc sống
    Căn cứ Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định về việc thực hiện chính sách thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 đã có những nội dung thay đổi lớn liên quan đến tài chính về đất đai. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước theo các văn bản nêu trên có phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập cần sớm được khắc phục trong các bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024.
  • Về Đường Lâm thăm lăng mộ hai Vua
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Cách trung tâm Thủ đô chưa tới 50km, có một ngôi cổ trấn bình yên đã tồn tại hàng ngàn năm, đó là làng Đường Lâm. Ngôi làng cổ kính này không chỉ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách về kiến trúc, cảnh quan độc đáo mà còn là nơi sinh ra hai vị vua, hai vị Anh hùng Dân tộc đã để lại những mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.