Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tiễn

07:59 26/12/2020 GMT+7
Nhằm nâng cao hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân (ND) tỉnh Lâm Đồng đã vận dụng các chủ trương, chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân. Đặc biệt, việc

Nhằm nâng cao hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân (ND) tỉnh Lâm Đồng đã vận dụng các chủ trương, chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân. Đặc biệt, việc gắn kết đào tạo nghề với thực tiễn là giải pháp hiệu quả nhằm phát huy năng lực, sáng tạo của nông dân.

Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề & Hỗ trợ Nông dân tỉnh phát biểu tại hội nghị về đào tạo nghề.

Phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề & Hỗ trợ Nông dân tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu về những hoạt động này.

Xin bà cho biết, vai trò của Hội ND tỉnh trong triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tại địa phương?

Nhận thức tầm quan trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 1946/QĐ-UBND ngày 25.8.2010 về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Quyết định số 1075/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án, đồng thời tổ chức Hội nghị toàn tỉnh để quán triệt và triển khai các văn bản của Trung ương và của tỉnh. Về phía Hội ND tỉnh đã cử một đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội làm thành viên ban chỉ đạo thực hiện và giám sát Đề án.

Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU về việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2020, và Thông báo 1047-TB/TU kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội ND tỉnh về tiếp tục thực hiện Kết luận 61-KL/TW ngày 03.12.2009 của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội ND Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” đã giao Hội ND phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng các ngành liên quan xây dựng chương trình thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”.

Để tổ chức triển khai tốt công tác dạy nghề, hàng năm, Trung tâm Dạy nghề & Hỗ trợ ND tỉnh tham mưu cho Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu đến các huyện, thành Hội về số lớp và số học viên. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh, các huyện, thành Hội khảo sát nhu cầu, phân bổ và thông báo đến các cơ sở. Căn cứ vào nhu cầu đăng ký của học viên ở các cơ sở, Trung tâm xây dựng kế họach mở lớp với nội dung và thời gian phù hợp với yêu cầu của từng địa phương.

Hội ND tỉnh cũng đã tham mưu kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo QĐ 673, QĐ 1956 và Quyết định 1946/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và dự thảo Đề án “Tổ chức và hoạt động của Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh” theo Kết luận 61 của Ban Bí thư.

Từ những chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Hội ND tỉnh đã triển khai công tác đào tạo nghề cho nông dân như thế nào?

Trên cơ sở chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh, hàng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch mở lớp với nội dung và thời gian phù hợp với nhu cầu của nông dân và kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương. Từ đó, các lớp đào tạo của Trung tâm được mở theo hai hình thức: Đối với những huyện, thành gần, Trung tâm mở lớp tại Trung tâm; đối với các xã vùng sâu, vùng xa, Trung tâm mở các lớp lưu động tại các xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc ăn, ở, đi lại cho học viên, đồng thời gắn với mô hình thực tiễn tại cơ sở, lấy nông dân dạy nông dân, hình thức cầm tay chỉ việc…

Từ thực trạng hiện nay, do cán bộ của Trung tâm ít và chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng theo yêu cầu, chính vì vậy Trung tâm đã thực hiện liên kết, hợp đồng, mời giáo viên ở các cơ quan có chuyên môn như các Trung tâm dạy nghề, trường Trung cấp kỹ thuật, Cao đẳng nghề, Trung tâm khuyến nông tỉnh và các huyện, thành phố, các doanh nghiệp để đào tạo nghề cho nông dân.

Là đơn vị sự nghiệp có thu, hàng năm Trung tâm được cấp kinh phí dạy nghề từ nguồn ngân sách Nhà nước còn rất ít, do đó Trung tâm đã chủ động khai thác thêm từ các nguồn dịch vụ để có thêm kinh phí cho công tác dạy nghề. Mỗi năm Trung tâm mở thêm được 2 đến 3 lớp cùng với nguồn ngân sách mở được 3 đến 4 lớp cho khoảng 400 học viên/năm.

Nhiều ND ở Lâm Đồng có kiến thức và vốn đã mạnh dạn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Trong công tác đào tạo và hỗ trợ nông dân, Hội ND tỉnh đã xuất hiện nhiều hội viên “có nghề và sống được bằng nghề”, từ đó có những hoạt động “nông dân đào tạo nông dân”. Xin bà chia sẻ thêm về những hoạt động này?

Qua hình thức đào tạo lưu động đã giúp cho bà con nông dân bố trí được thời gian đến lớp mà không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đồng thời gắn với mô hình thực tiễn tại cơ sở, lấy nông dân dạy nông dân, hình thức cầm tay chỉ việc đã đạt được hiệu quả. Nhiều lao động nông thôn sau học nghề cho biết “đã tiết kiệm chi phí sản xuất” vì thông qua học nghề đã áp dụng được các kiến thức để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu…. phù hợp và đáp ứng được sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP; UTZ, 4C….

Từ hình thức linh hoạt đó, trong ba năm qua, Trung tâm đã trực tiếp và phối hợp với Hội ND các huyện, thành phố, các ban ngành liên quan mở được 277 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.669 học viên tham gia từ nguồn kinh phí Trung ương. Trung tâm cũng mở được 03 lớp ngắn hạn và cấp chứng chỉ cho 100 học viên qua các chương trình đào tạo: Sửa chữa máy nông cụ; Kỹ thuật cắt may cơ bản; Kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm; Kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm; Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh dây; Cây cà chua; Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, tái canh cây cà phê; Chăm sóc sầu riêng…

Ngoài ra các học viên còn được bổ sung những kiến thưc về Sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, kỹ năng thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã…. Đặc biệt là, tại các khoá học, ngoài các giảng viên chính thức ra, chính những Hội viên của chúng ta cũng trở thành “giảng viên” đã giúp cho khoá học sinh động, thực tế hơn truyền tải những kinh nghiệm và kiến thức một cách hiệu quả tại lớp học.

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông thôn, theo bà, trong giai đoạn tới cần có những đổi mới như thế nào nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, phù hợp xu hướng phát triển trong giai đoạn mới?

Để hoạt động đào tạo nghề nông dân ngày càng nâng cao chất lượng, theo tôi, Trung ương Hội NDVN cần phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm ban hành Đề án về tổ chức, bộ máy và hoạt động của Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân theo Kết luận 61 của Ban Bí thư và Thông tư số 29/2010/TT-BLĐTBXH ngày 23.9.2010 của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội về hướng dẫn định mức biên chế của các Trung tâm dạy nghề công lập, nhất là các Trung tâm Dạy nghề & Hỗ trợ nông dân thuộc Hội ND các tỉnh để có một đội ngũ chuyên sâu làm công tác đào tạo nghề cho nông dân.

Đối với địa phương, Sở Tài chính hàng năm cân đối từ ngân sách từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lâm Đồng cấp trực tiếp cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh để chủ động lên kế hoạch dạy nghề ngay từ đầu năm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề, tổ chức các lớp dạy nghề và tạo việc làm cho số lao động sau khi học xong cũng như công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, ngành nghề học và đối tượng tham gia học nghề để mở các lớp dạy nghề phù hợp với nông dân.

Đồng thời, Sở LĐTB&XH, Sở Nông nghiệp &PTNT cần tăng cường phối hợp hơn nữa với Hội ND các cấp để triển khai các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn vừa đa dạng vừa thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng học nghề của nông dân.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hoàng Tuấn (thực hiện)