Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững

Nguyễn Bắc - 07:21 16/11/2022 GMT+7
Để làm tốt việc gắn kết thị trường lao động và việc làm bền vững với giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi nhiều các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, trước tiên cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia thông qua công tác tuyên truyền vận động về về chính sách của Nhà nước, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN.

Nghị quyết số 35 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 xác định mục tiêu: “Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế…”, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ LĐTB&XH xây dựng, trình Chính phủ nghị định quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN.

DN tham gia tuyển dụng lao động tại sự kiện do Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ tổ chức.

Hoàn thiện cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành

Với những mục tiêu cụ thể, các cấp các ngành, đặc biệt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã và đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội làm rõ những quy định về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo, điều kiện thực tập tại doanh nghiệp và đóng góp tài chính nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo; Chính sách về thành lập và hoạt động của hội đồng tư vấn cấp quốc gia, ngành, địa phương và cơ sở đào tạo…

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách theo hướng tạo sự bình đẳng giữa cơ sở GDNN trong doanh nghiệp và cơ sở GDNN công lập, cụ thể là, hướng dẫn thực hiện miễn, giảm thuế các hoạt động đào tạo do doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thực hiện đối với người lao động của chính doanh nghiệp hoặc cho xã hội. Xác định chi phí đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề của người lao động nào được cho là chi phí hợp lệ. Được thu phí tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động theo nguyên tắc thỏa thuận với cơ sở GDNN có học sinh, sinh viên đi thực tập… Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, quy định về doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động: liên kết đào tạo với các cơ sở GDNN; tham gia vào tất cả các công đoạn của quá trình đào tạo như xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo, tiêu chuẩn nghề, xây dựng chương trình đào tạo; tham gia đào tạo tại cơ sở GDNN; đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Quy định danh mục ngành nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo; bảo hiểm thất nghiệp; danh mục các ngành nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp, hướng dẫn đào tạo tại doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho lao động trong doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Rà soát, sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động các nội dung liên quan đến học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo hướng quy định các chính sách khuyến khích người sử dụng lao động tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng, trình Chính phủ nghị định quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN. 

Thực hiện giải pháp gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững được đề ra trong Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong Đề án "Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2030" chỉ rõ, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế thị trường lao động; khung pháp lý để vận hành thông suốt và đồng bộ các thị trường, phát triển các yếu tố của thị trường lao động phù hợp với điều kiện trong nước và hội nhập quốc tế; hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm cho các nhóm lao động đặc thù;  Xây dựng kế hoạch lồng ghép một số dự án đào tạo nghề cho các đối tượng (lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ... ) với việc tạo và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đẩy mạnh công tác thông tin, phân tích dự báo thị trường lao động; xây dựng và triển khai Đề án “Dự báo cung – cầu lao động” nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường lao động; Xây dựng và ban hành các dự báo ngắn hạn và các ấn phẩm dự báo thị trường lao động đến năm 2020, 2025, 2030 theo ngành, nghề để làm cơ sở hoạnh định cho công tác giáo dục nghề nghiệp và định hướng phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Hoàn thiện các mô hình dự báo ngắn hạn và dài hạn phù hợp với điều kiện của thị trường lao động Việt Nam; Thu thập dữ liệu việc làm trống, thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; tăng cường phổ biến, cung cấp thông tin thị trường lao động, thông tin việc làm và nhu cầu sử dụng lao động cho các cơ sở GDNN; Chú trọng các phiên giao dịch việc làm lưu động thực hiện ngay tại các cơ sở GDNN; nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo…

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo (nhất là đối với 45 trường thực hiện đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao từ Đức); xây dựng một số mô hình thí điểm về đặt hàng đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo; Trình Chính phủ Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động thích ứng với cuộc CMCN 4.0; Xây dựng website kết nối doanh nghiệp phục vụ cho công tác thông tin, chỉ đạo, điều hành; tăng cường kết nối với doanh nghiệp thông qua các cơ sở dữ liệu kết nối (dữ liệu về cơ sở GDNN; dữ liệu về doanh nghiệp); thực hiện kết nối trực tuyến; phối hợp với Cục Việc làm tổ chức các hoạt động thông tin liên quan đến đào tạo gắn với việc làm và tuyển dụng trên website…

Ảnh minh họa.

Thực hiện các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp

Việc này, trước tiên cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia thông qua công tác tuyên truyền vận động về về chính sách của Nhà nước…

Trước tiên, phối hợp với VCCI, truyền thông nâng cao nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN, cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức các diễn đàn về thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động làm việc trong khu vực này; Tăng cường đội ngũ và năng lực cán bộ thống kê, phân tích thông tin và dự báo thị trường lao động; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết bị đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người, người tìm việc; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về năng lực sư phạm, năng lực quản lý đào tạo cho cán bộ làm công tác quản lý, giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập của doanh nghiệp; Chủ động gắn kết GDNN với việc làm, xem xét quy định các mẫu hợp đồng đào tạo; phối hợp với một số địa phương tổ chức các hội nghị gắn kết doanh nghiệp; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nhà giáo và bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người học tham gia các cuộc thi tay nghề quốc gia, ASEAN và thế giới…

Tiếp đó, các cơ quan, tổ chức và mỗi địa phương chủ động tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo gắn với việc làm, đáp ứng thị trường lao động để nắm bắt thực trạng sử dụng lao động đã qua đào tạo GDNN, xác định nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động đối với các nghề phổ biến; Tổ chức chuỗi các diễn đàn tham vấn về xây dựng, triển khai tổ chức đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo thích ứng đối với đội ngũ lao động theo yêu cầu của vị trí làm việc trong doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài; Tạo sự phối hợp giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và các đối tác tiếp nhận lao động ở nước ngoài trong việc đưa các nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường lao động ngoài nước…

Với những đơn vị đặc thù về cần chủ động tham gia xây dựng giáo trình chuẩn, chương trình, tổ chức thực hành, thực tập cho người học tại doanh nghiệp, thiết kế các chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghệp. Lựa chọn các cơ sở GDNN để tham gia các chương trình hợp tác lựa chọn doanh nghiệp để thí điểm đào tạo. Ngoài ra, cần triển khai các mô hình gắn kết cơ sở GDNN với doanh nghiệp để cung cấp lao động cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào thi tay nghề trong các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới thông qua việc bồi dưỡng tay nghề cho các cuộc thi. Hình thành ban/bộ phận phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, ở các cấp hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm với sự tham gia của VCCI, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện đơn vị sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp và đại diện cơ sở GDNN với chức năng tư vấn, tham gia việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển GDNN; hỗ trợ kết nối nhà trường - doanh nghiệp. Đặc biệt, sớm hoàn thiện quy trình thành lập hội đồng kỹ năng ngành trong một số lĩnh vực ưu tiên với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, các bộ, ngành, ký kết hợp tác đào tạo với các hiệp hội, tập đoàn kinh tế mạnh, doanh nghiệp lớn cũng như các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp có uy tín thuộc nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, CHLB - Đức... nhằm mục đích cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động tạo việc làm và thu nhập bền vững cho người lao động.