Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gặp nông dân đổi mới phương pháp nuôi tằm ở Đăk Nông

08:19 29/07/2019 GMT+7

Chị Chung Thị Lân ở thôn Quảng Long (xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông) gần 11 năm qua đã tiếp tục duy trì và mở rộng nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhờ áp dụng phương pháp cải tiến, gia đình chị đã vươn lên làm giàu.

Thay đổi cách nuôi tằm truyền thống

Nghề trồng dâu, nuôi tằm có truyền thống lâu đời ở Việt Nam với bao thăng trầm nhưng vẫn được người nông dân gìn giữ. Do chi phí đầu tư cho trồng dâu, nuôi tằm không cao, một lần trồng dâu người nông dân có thời gian thu hoạch từ 15 đến 20 năm. Cây dâu lại không kén đất, chỉ sau từ 4-6 tháng trồng cây dâu, người nông dân đã có thu hoạch lá để nuôi tằm. Hiện nay chỉ sau 16-18 ngày nuôi đã cho thu hoạch một lứa tằm.

Được biết, do gia đình chị Lân đang áp dụng phương pháp nuôi tằm cải tiến và xác định nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại giá trị kinh tế cao. Phương pháp nuôi tằm cải tiến của gia đình chị Chung Thị Lân rất đặc biệt, khác với phương pháp nuôi tằm truyền thống như: nuôi tằm ngay trên nền xi măng (không sử dụng nong truyền thống), sử dụng né gỗ thay cho né tre truyền thống, nuôi tằm ở tuổi 3 (bỏ qua giai đoạn ươm trứng, nuôi tằm con)…

Chị Lân cho biết: “Hiện nay, giá kén trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên dao động từ 120 – 140 nghìn/kg nên nhiều năm qua, gia đình tôi đã quyết tâm đầu tư phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và xác định đây là nghề mang lại thu nhập cao, đầu tư ban đầu thấp và quan trọng là đầu ra luôn luôn ổn định khi nguồn cung cấp kén tơ tằm cho các nhà máy chế biến của Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam hiện đang thiếu trầm trọng.”.

Nhiều người đến tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình chị Chung Thị Lân.

Xác định nghề trồng dâu nuôi tằm không những mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định mà còn tạo công ăn việc làm, thu hút nguồn lao động nông nhàn, góp phần xoá đói giảm nghèo, chị Chung Thị Lân đã sẵn sàng chia sẻ những bí quyết của nghề khi các hộ nông dân muốn áp dụng phương pháp kỹ thuật mới.

Những cải tiến để nâng cao hiệu quả

Trong quá trình sản xuất gia đình chị Lân đã tích cực học tập, tiếp cận các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, xây dựng một số phương pháp cải tiến cách nuôi tằm truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Để nuôi tằm có hiệu quả cao, các hộ nông dân cần chú ý đến việc sử dụng giống dâu lai. Hiện nay, gia đình chị Lân đang áp dụng trồng 02 giống dâu lai cao sản (giống dâu S7-CB và VA-201). Đây là 2 giống do Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông – Lâm nghiệp Lâm Đồng, thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên tuyển chọn. Suốt nhiều năm qua, các giống dâu lai đã khẳng định về năng suất, chất lượng lá, đặc biệt là lá to, dày do đó chi phí về công thu hoạch cũng giảm rất nhiều so với các giống dâu khác.

Theo chị Chung Thị Lân, nuôi tằm theo truyền thống bao đời nay thường không thế thiếu các công cụ cần thiết như cái nong, cái né… và đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức. Giờ đây, con tằm đã có thể nuôi trực tiếp được trên nền xi măng, giảm thiểu công lao động, chi phí đầu vào, tăng thu nhập.

Người nuôi tằm trên nong theo truyền thống nặng công chăm, dâu phải hái từng lá, ngày nào cũng nâng nong lên, xuống để cho tằm ăn, làm vệ sinh nong… 4 lần/ngày. Nông dân nuôi tằm trên nong theo kiểu cũ còn phải hứng chịu hơi nóng của phân tằm bốc lên, tằm hay bị bệnh, chất lượng kén không cao.

Còn nuôi tằm trên nền xi-măng đơn giản hơn rất nhiều. Tằm từ 4 ngày tuổi nuôi trên nong 2-3 ngày cho quen, sau đó được nuôi trực tiếp trên nền xi-măng. Người nuôi không phải nhặt từng lá dâu mà có thể rải trực tiếp hoặc chặt cả cành dây để trên nền, tằm sẽ tự ăn. Tằm nuôi trên nền xi-măng mát mẻ, thoáng khí, không bị hấp hơi nóng như nuôi trong nong cũ, tránh đuợc nhiều bệnh…

Nuôi tằm trực tiếp trên nền xi-măng, người nuôi có thể chặt cả cành dâu cho tằm tự ăn chứ không phải hái từng lá như nuôi trên nong cũ.

Sau khoảng 7-8 ngày tằm chuẩn bị chín, căng lưới lên nền nhà và tằm sẽ tự bò lên lưới đẻ vào né. Đồng thời, người nuôi tằm trên nền xi-măng không phải thay phân, di chuyển tằm hàng ngày, tằm sẽ tránh được xây xát da, tằm ít chết và khoẻ, giảm tới hơn 60% công sức so với nuôi tằm trên nong. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư giảm rất nhiều vì chỉ xây nhà một lần nhưng nuôi tằm được vài chục năm, còn nuôi trên nong như cũ thì người nuôi tằm phải thay nong mới sau 2-3 năm.

Nhằm nâng cao chất lượng kén tằm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng dâu nuôi tằm, gia đình chị Chung Thị Lân còn cải tiến sử dụng né gỗ thay thế né tre truyền thống. Kén tằm được nuôi trên né gỗ sẽ không bị ảnh hưởng của phân và nước tiểu tằm trong quá trình kết kén. Vì vậy, kén tằm cho sợi tơ có độ bền cao hơn, không bị đứt khi xe tơ, lượng tơ lấy được nhiều, phế phẩm ít, không có kén tằm đôi… Kén tằm nuôi trên né gỗ bao giờ cũng được thu mua cao hơn kén tằm trên né tre 15-20 nghìn đồng/kg.

Cũng theo chị Lân, để tăng được lứa tằm nuôi trong một thời gian nhất định, hộ nông dân nên áp dụng phương pháp nuôi tằm ở tuổi 3, bỏ qua giai đoạn ươm trứng và nuôi tằm con. Khi áp dụng phương pháp này, thời gian nuôi tằm chỉ còn khoảng 16-18 ngày/lứa. Bình quân mỗi năm, các hộ nông dân có thể nuôi được 12-15 lứa, tăng thêm thu nhập.

Ngoài thu nhập từ nuôi tằm, sau khi đốn dâu hằng năm, các hộ nông dân còn có thể bán hom dâu thu tiền hàng chục triệu đồng/ha đồng thời người nuôi tằm còn có nguồn thu được phân tằm có giá trị cao để bón cho các cây trồng khác… Theo nhận định của chị Lân, mỗi ha trồng dâu nuôi tằm sẽ mang về cho người dân ít nhất khoảng 230 triệu đồng/năm.

 Thanh Luận

Chị Chung Thị Lân được mọi người quý mến bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác Đoàn kết, gồm các hộ dân thuộc 3 thôn của xã Quảng Khê (huyện Đăk Glong), không chỉ làm giàu cho mình, chị còn giúp nhiều người nghèo vươn lên.