Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Tĩnh: Nâng cao nhận thức góp phần khai thác, bảo vệ nguồn nước sạch hiệu quả

Đức Cảnh - 10:09 08/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hà Tĩnh hiện có 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với công suất thiết kế 25.480m3/ngày đêm, trong khi tỷ lệ người dân sử dụng mới đạt hơn 26% số hộ. Hướng tới tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao tỷ lệ người sử dụng đã thúc đẩy Hà Tĩnh triển khai các giải pháp nhằm khai thác, bảo vệ hiệu quả nguồn nước.

Khơi thông nguồn nước sạch

Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên nước dồi dào, phong phú nhờ hệ thống sông suối hồ đập khá dày đặc. Với 266 hồ chứa có tổng dung tích trữ trên 600 triệu mét khối, Hà Tĩnh là địa phương được đánh giá có trữ lượng nguồn nước đứng đầu cả nước.

Nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, thời gian qua đã có 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, với công suất thiết kế 25.480m3/ngày đêm được xây dựng và đưa vào khai thác trên địa bàn. Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có 77.390/290.875 hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Hiệu suất hoạt động của các công trình cấp nước sạch nông thôn phổ biến đạt từ 56 - 91,3%.

Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên nước dồi dào nhờ hệ thống sông suối, hồ đập khá dày đặc

Đáng nói, Hà Tĩnh có điều kiện thuận lợi về nguồn tài nguyên nước nhưng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung vẫn ở mức thấp, rất nhiều người dân hiện nay rơi vào tình cảnh “đói nước sạch” để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.  Qua tìm hiểu được biết, ở các xã bãi ngang và xã vùng sâu, vùng xa dù tỉnh đã quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa phủ kín, đáp ứng được hết nhu cầu của nhân dân.

Theo khảo sát, để khai thác tối đa hệ thống cấp nước tập trung hiện có và từ các dự án cấp nước sạch đang triển khai đầu tư xây dựng dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2025 mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% số hộ. Trong khi đó, hướng tới tỉnh nông thôn mới vào năm 2025, Hà Tĩnh phấn đấu nâng tỷ lệ số hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình tập trung lên 50 % được đánh giá là tiêu chí khó khi nhìn vào các con số hiện nay.

Bàn giải pháp để nâng cao tỉ lệ sử dụng nước sạch tập trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh đề nghị mở rộng mạng lưới cấp nước đô thị của Công ty Cổ phần cấp nước Hà Tĩnh cho các xã nông thôn ven đô. Mở rộng mạng lưới để tăng thêm các hộ dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước sạch nông thôn đã đi vào hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ những dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, cấp nước sạch cho dân. Ngoài ra, tiếp tục thu hút đầu tư, kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước sạch trên địa bàn để cấp nước sạch cho người dân sử dụng.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân Hà Tĩnh được sử dụng nước sạch tập trung vẫn còn thấp, nhiều vùng  còn "khát" nước sạch sinh hoạt

Ông Nguyễn Văn Việt cũng chia sẻ thêm, để Hà Tĩnh về đích tỉnh nông thôn mới vào năm 2025 thì tiêu chí sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung phải đạt yêu cầu đặt ra (đạt tỷ lệ 50 % số hộ sử dụng). Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng tỉ lệ người dân sử dụng phải thực hiện quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời, nếu không sẽ rất khó đạt được.

Được biết, tổng hợp của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh, sáu tháng đầu năm 2024, Hà Tĩnh có thêm hơn 6.700 hộ gia đình được sử dụng nước sạch (tăng 2,31% so với năm 2023). Qua đó, nâng tỷ lệ người dân nông thôn hiện nay sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung ở địa phương này lên 26,79%.

Nâng cao ý thức bảo vệ, sử dụng nguồn nước

Có thể nhận thấy, phần lớn đại bộ phận người dân hiện nay đang nhận thức về nước là nguồn tài nguyên vô hạn và thoải mái sử dụng. Chính quan niệm sai lầm đó đã dẫn tới những khó khăn tại Hà Tĩnh nói riêng và nhiều địa phương khác trên cả nước nói chung trong việc điều phối nước.

Để có nguồn nước sử dụng đảm bảo, bền vững, Hà Tĩnh xác định cần phải nâng cao nhận thức của các đơn vị khai thác cũng như người dân trong việc sử dụng nguồn nước. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) Hà Tĩnh đã tổ chức trên 10 lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt người dân tham gia nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến sử dụng nước sạch.

Đại diện Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho rằng, trong thời gian tập huấn các học viên được được cung cấp tài liệu và được cán bộ Trung tâm tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về  nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh; nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước; ảnh hưởng của nguồn nước ô nhiễm đến sức khoẻ con người; các hình thức cung cấp nước; nguyên tắc xử lý và trữ nước an toàn tại hộ gia đình.

Hà Tĩnh đang nỗ lực đưa nước sạch tập trung đến với người dân vùng nông thôn, vùng xa bằng nhiều giải pháp 

Mặt khác, nhằm hạn chế ô nhiễm tác động vào nguồn nước, các chuyên gia cũng đã đưa ra giải pháp thực hành vệ sinh tốt nhằm hạn chế khả năng tái nhiễm bẩn nguồn nước mưa, nước giếng khoan, giếng đào; giải pháp thu gom, xử lý chất thải từ con người, gia súc, gia cầm hạn chế ngấm vào đất đai, nguồn nước, hướng dẫn cách thu gom, xử lý rác và nước thải; thông tin chi tiết quy định về chỉ tiêu nước sạch trong bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Theo dự kiến, trong quý III/2024, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh sẽ tổ chức thêm 7 lớp tập huấn tại các địa phương cho hàng trăm lượt người tham gia.

Hà Tĩnh tiếp tục kêu gọi xã hội hoá đầu tư các dự án nước sạch

Liên quan đến công tác nâng cao ý thức bảo vệ, khai thác nguồn nước trên địa bàn, lãnh đạo ở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, cho hay: Trong những năm qua đơn vị đã tăng cường công tác đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép hoạt động tài nguyên nước thực hiện lập hồ sơ cấp giấy phép theo quy định. Thông qua hoạt động cấp phép đã cơ bản kiểm soát được chất lượng, số lượng nguồn nước sử dụng, chất lượng nguồn nước tiếp nhận nước thải nhằm bảo vệ nguồn nước.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng hết sức quan tâm việc xả nước thải vào nguồn nước. Được biết, từ năm 2013 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã cấp khoảng 300 giấy phép xả nước thải.

Hà Tĩnh: Mô hình “Cây bưởi bảo hiểm” tạo điểm tựa về già cho nông dân
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hướng tới người nông dân có lương hưu, Hội Nông dân huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện mô hình “cây bưởi bảo hiểm”, qua đó góp phần thêm gắn kết của hội viên, nông dân và tổ chức Hội.