Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng

Vân Nguyễn - 07:05 04/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - “Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và khả năng thực hiện của người dân. Khi thực hiện mô hình luôn có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện và phù hợp với xu thế phát triển kinh tế của huyện”, ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau khẳng định.

Mô hình nuôi tôm sinh thái, giúp nâng cao ý thức của người dân
Ông Phạm Thanh Trung, nông dân nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng thuộc ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: Thông qua mô hình nuôi tôm sinh thái, ý thức của người dân được nâng cao, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển, tạo được sự liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm và kết hợp nuôi các loài thuỷ sản khác để nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, nuôi tôm sinh thái gắn với phát triển kinh tế tập thể đã được lan tỏa rộng khắp và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Năng suất nuôi trồng thủy sản nuôi được nâng lên, các sản phẩm thủy sản khác mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất của người dân. 

Doanh nghiệp nước ngoài tham quan mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh An Minh
“Từ khi sản xuất theo mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, môi trường được cải thiện, đất đai được bảo vệ tránh ô nhiễm, giá tôm bán cao hơn… Tuy nhiên vẫn còn mô số hộ nuôi tôm công nghiệp xả thải vào nguồn nước gây ô nhiễm và chết tôm của các hộ dân nuôi tôm sinh thái”, ông Lê Ngọc Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản trên địa bàn chưa nhiều; các ngành nghề sản xuất thủy sản phát triển còn mang tính tự phát, nhỏ; kiến thức, trình độ, tay nghề của hầu hết người dân còn thấp. Các loại hình nuôi chủ yếu là nuôi sinh thái, nuôi quảng canh cải tiến, quảng canh truyền thống nên năng suất, sản lượng tăng chưa cao; xảy ra dịch bệnh trên tôm, cua kéo dài, diện tích dịch bệnh; tổ chức sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ; công tác chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình đến người dân còn chậm; người dân thực hiện dự án chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật…; ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trong sinh hoạt, trong cải tạo ao đầm của người dân còn hạn chế; dịch bệnh tôm nuôi càng diễn biến phức tạp. 
Tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ
Ông Lâm cho rằng, để mô hình nuôi tôm sinh thái gắn với phát triển kinh tế tập thể thời gian tới đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân cùng UBND các cấp và các ngành có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các tầng lớp nhân dân nâng cao giá trị gia tăng cho con tôm sinh thái góp phần nâng cao đời sống của nông dân và đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Các ngành các cấp tăng cường tập huấn về tiêu chuẩn, quy trình nuôi tôm sinh thái gắn với phát triển kinh tế tập thể cho nhân dân vùng nuôi đáp ứng quy định chứng nhận tôm sinh thái. Để khắc phục trình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún thì cần tạo điều kiện cũng như hỗ trợ tích cực cho nông dân liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo ông Lâm, thời gian tới, các cơ quan chức năng của huyện Ngọc Hiển cần phối, kết hợp nguồn vốn của các doanh nghiệp hoạt động chế biến, xuất nhập khẩu để xây dựng, duy trì vùng nuôi tôm được chứng nhận hữu cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng, kết hợp phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái cộng đồng, giúp nâng cao đời sống cho người dân hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản; phát triển hệ thống thủy lợi gắn chặt với hệ thống giao thông nông thôn; theo định kỳ tiến hành nạo, vét các tuyến kênh, rạch theo kế hoạch để phục vụ đi lại và cung cấp nguồn nước nuôi trồng thủy sản; thực hiện các giải pháp tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ để xây dựng mô hình nuôi tôm sú và kết hợp nuôi cua biển 2 giai đoạn dưới tán rừng, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nuôi thủy sản quy hoạch lại diện tích trồng rừng mới cho phù hợp theo quy định; từng bước tiếp cận ứng dụng khoa học và kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất, đa dạng hóa mô hình và đối tượng nuôi…; hợp tác với các doanh nghiệp tiếp tục phát triển mô hình nuôi dưới tán rừng hướng đến chứng nhận sinh thái gắn với xây dựng thương hiệu tôm sú Cà Mau…; hàng năm xây dựng các mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn kết hợp như: Ba khía, cá thòi lòi, cá nâu, vọp ốc len…; tổ chức tham quan thực tế các mô hình sản xuất có hiệu quả trong và ngoài tỉnh để học hỏi áp dụng tại địa phương…; hoàn thiện mô hình, phát huy hiệu quả nuôi xen canh cua, vọp, sò huyết... với nuôi tôm ở những nơi thích hợp; phát triển mạnh nuôi thủy sản ven sông và các nơi có điều kiện, từng bước tháo gỡ khó khăn, hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền người dân không sử dụng thuốc cá trong diệt cá tạp; khuyến cáo các phương pháp sên vét, cải tạo ao đầm; hướng dẫn người nuôi tuân thủ theo đúng lịch mùa vụ của ngành chức năng khuyến cáo…

Người dân huyện Ngọc Hiển sản xuất tôm khô từ tôm sinh thái nuôi dưới tán rừng ngập mặn.  Ảnh An Minh
Ông Lê Ngọc Lâm cho hay, thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên chế biến, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm ngành hàng chủ lực của địa phương để trở thành hàng hóa gồm: Tôm, cua, sò huyết, hàu, ba khía gắn với chứng nhận OCOP; tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để phát triển thị trường, hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển tiêu dùng nội địa; tăng cường các hình thức tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử; tiếp tục hướng dẫn sổ tay về quy trình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng… Trên cơ sở tổng kết 3 dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, huyện tổ chức nhân rộng, tham quan những mô hình quản lý, sản xuất có hiệu quả trong và ngoài tỉnh, giúp người nuôi có điều kiện học hỏi và bổ sung kinh nghiệm trong thực tế.