Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hiệu quả bước đầu từ triển khai mô hình "xã thông minh" tại Thái Nguyên

Thanh Mai - 08:25 10/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tỉnh Thái Nguyên đã xác định công tác chuyển đối số là nhiệm vụ trọng tâm gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cũng là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Tỉnh đầu tiên trong cả nước có Ngày Chuyển đổi số

Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; lấy ngày 31-12 là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên đã mời gọi, thu hút, liên kết với các Tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông lớn tham gia vào quá trình chuyển đổi số, như: Tập đoàn Viettel; Tập đoàn VNPT; Tập đoàn Saigontel-NGS…

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022 với sản phẩm/giải pháp “Nền tảng Xã hội số - Ứng dụng Thái Nguyên ID”.

Xác định phát triển hạ tầng viễn thông là nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số, đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.500 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, 100% các tuyến sử dụng phương thức truyền dẫn cáp quang và được xây dựng đến hầu hết các xã, đảm bảo nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet băng rộng của người dân, với kết quả 100% cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế… được kết nối Internet băng rộng cố định; 99% khu vực dân cư được kết nối internet băng rộng (cáp quang và 3G, 4G). Mạng 5G đã chính thức có mặt tại Thái Nguyên là bước đột phá về phát triển nền tảng hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin.

Thái Nguyên được ghi nhận là tỉnh phát triển được nhiều nhất các ứng dụng số, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà trong xã hội, chính trị, trong các hệ sinh thái môi trường như C – Thái Nguyên, Sổ tay Đảng viên, ThaiNguyen ID, Mythainguyen… Hiện nay Thái Nguyên là tỉnh được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những kết quả đó đã Bộ Thông tin và truyền thông đánh giá về Chỉ số DTI 2021, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2020.

Đổi thay tích cực trong xây dựng “xã thông minh” nhờ chuyển đổi số

Xã La Bằng (huyện Đại Từ) và xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) được tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thí điểm xây dựng Xã thông minh (chuyển đổi số) là những nơi khó khăn nhất, được đánh giá là vùng lõm thông tin của tỉnh. Đến nay, sau gần 2 năm thí điểm, các xã trên đã có nhiều thay đổi tích cực. Trường học, trạm y tế và hàng nghìn hộ dân đã có thể tiếp cận tới những công cụ, dịch vụ tiện ích do chuyển đổi số mang lại.

Năm 2022, xóm Khe Cốc (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) được lựa chọn xây dựng Xóm nông thôn mới thông minh. Với kinh nghiệm trong xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu, xóm Khe Cốc đã triển khai thực hiện đến nhân dân. Ban đầu qua rà soát xóm đạt 6/10 chỉ tiêu, còn 4 chỉ tiêu chưa đạt. Ông Tô Văn Khiêm, Trưởng xóm Khe Cốc cho biết: “Đối với những tiêu chí chưa đạt, ngay sau khi rà soát chúng tôi đã đề xuất UBND xã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện rà soát và cập nhật thông tin về hộ gia đình trên địa bàn xóm, xã gửi Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đồng thời  tập huấn cho cho nhân dân, các hộ sản xuất kinh doanh về sử dụng nền tảng số, ứng dụng số, phối hợp với các Hội, đoàn thể xã hướng dẫn nhân dân mở tài khoản cho người trong độ tuổi lao động, cài đặt ứng dụng thanh toán trực tuyến của ngân hàng, cài đặt sử dụng các phần mềm, nền tảng số…”.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công hướng dẫn tra cứu thông tin khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Lương: “Nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 hiệu quả, huyện Phú Lương đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, phấn đấu 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử, 70% các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số”.

Các xã đã có Cổng Thông tin điện tử với đầy đủ các thông tin quan trọng về hoạt động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân; tuyên truyền các văn bản, chính sách mới; kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia thuận tiện để người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Bên cạnh đó, 100% cán bộ, công chức đã có máy tính nối mạng LAN, kết nối Internet cáp quang; hệ thống hội nghị truyền hình họp trực tuyến với huyện, tỉnh hoạt động thường xuyên, ổn định; 100% văn bản được gửi, nhận trên hệ thống quản lý văn bản; 90% cán bộ đã sử dụng chữ ký số.

Đối với lĩnh vực xã hội số, các xã “thông minh” cũng quan tâm và nỗ lực triển khai thực hiện. Qua đó, số người dân sử dụng mạng Internet, tỷ lệ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán tiền điện, nước, truyền hình ngày càng tăng. Trạm Y tế xã đạt chuẩn y tế mức độ I, đã được lắp đặt hệ thống tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa; quản lý phần mềm tiêm chủng, dược, bảo hiểm y tế. Các trường học đã được kết nối Internet, ứng dụng sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự, ứng dụng quản lý dạy và học trực tuyến..

Cán bộ xã Động Đạt (Phú Lương) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng số trên điện thoại thông minh.

Trong lĩnh vực kinh tế số, người dân đã trao đổi, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc sản của địa phương thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube… và trên các sàn thương mại điện tử. Các xã thí điểm chuyển đổi số đều là xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của tỉnh, với địa bàn chủ yếu là đồi núi, dân số phân bố không đồng đều nên gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Người dân hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người không biết nói tiếng phổ thông; tỷ lệ hộ nghèo khá cao, hoạt động sản xuất của người dân vẫn nặng tính tự phát… Đó là những khó khăn, thách thức trong thực hiện chuyển đổi số.

Hiện nay, phần lớn các xã thông minh tỉnh Thái Nguyên được phủ sóng mạng 4G, cáp quang được kéo đến tận nhà người dân; các hệ thống loa truyền thanh thông minh được lắp đặt tại trụ sở UBND xã và các điểm trung tâm của xóm. Nhờ vậy, chỉ với chiếc điện thoại thông minh và thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, người dân đã có thể tiếp nhận các thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.