Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Bến Tre với du lịch sinh thái bền vững

Tú San - 07:15 05/11/2023 GMT+7
Ngày 3/11/2023 vừa qua, Hội ND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nông dân Bến Tre với du lịch sinh thái bền vững”.

Buổi hội thảo với sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Bàn - Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh Bến Tre cùng đại diện Sở TNMT, Sở NN&PTNT, Trường Cao đẳng du lịch Sài Gòn cùng Hội ND các huyện và các cơ sở du lịch tại địa phương.

Thuận lợi khi có điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái

Phát biểu mở đầu buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Bàn đã nêu bật những thuận lợi về địa lý của tỉnh Bến Tre gắn với phát triển sản nghiệp du lịch địa phương như lợi thế sông nước miệt vườn, kênh rạch đan xen cùng những vườn cây ăn trái ngọt lành, cùng với bề dày truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân Xứ Dừa, trong những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã và đang quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp một cách bền vững. Du lịch trải nghiệm ở nông thôn đang là hướng đi mới góp phần phát huy lợi thế, giá trị của nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp,góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bàn - Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bến Tre phát biểu mở đầu hội thảo - Ảnh TS

Bên cạnh những thời cơ đó, du lịch nông nghiệp hay nói cách khác “Nông dân làm du lịch” còn đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều nông dân vẫn đang gặp khó trong quá trình “lấn sân” sang làm du lịch. Tuy nhiên, các hộ dân làm du lịch trong tỉnh chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Sản phẩm du lịch nông thôn của nhiều địa phương còn chưa đặc sắc. Nhiều nông dân vẫn đang gặp khó trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang loại hình khác, do đó đã ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu của khách du lịch như cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện; cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch chưa đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trình độ quản lý; chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của du khách; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; lượng khách đến tham quan, trải nghiệm chưa ổn định; một số mô hình nông dân tự phát làm du lịch không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên, chưa khai thác các sản vật gắn liền với truyền thống và văn hóa bản địa đã làm giảm đi sức hấp dẫn du khách.

Chia sẻ thêm về những lợi thế của tỉnh nhà, đại diện Sở TNMT tỉnh Bến Tre cho rằng: “Du lịch sinh thái ngày càng trở thành xu hướng đáng chú ý. Du lịch sinh thái là đến các địa điểm mà hệ thực vật, động vật và di sản văn hóa là những điểm thu hút chính. Du lịch sinh thái là một kiểu du lịch đòi hỏi trách nhiệm cao của người trải nghiệm, đến các khu vực tự nhiên thúc đẩy để bảo tồn, mang lại sự hài hòa giữa các cộng đồng và duy trì cuộc sống của người dân địa phương. Phát triển du lịch sinh thái là một trong những giải pháp đem lại lợi ích kép thúc đẩy xây dựng và phát triển mô hình nông thôn mới, hình thành cơ sở kinh tế, dịch vụ, du lịch, đem lại lợi ích kinh tế cho chủ thể tham gia nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung”.

Cùng quan điểm trên, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh cũng nhận định: “Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra, thưởng thức các loại trái cây đặc sản, những món ăn của địa phương hay trải nghiệm làm nông thực tế ngay tại điểm du lịch mang đến sự thích thú, hào hứng cho du khách, từ đó nông sản được du khách biết đến nhiều hơn, khả năng kết nối tiêu thụ tốt hơn. Không chỉ là hoạt động tham quan, các dịch vụ đi kèm còn giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp còn góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; bảo tồn đa dạng sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Đây còn là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, tiến đến một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường”.

Các phương án phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp 

Thảo luận tại Hội nghị lần này, Thạc sỹ Phan Bửu Toàn – Phó Hiệu trưởng – Trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn đưa ra quan điểm nhằm phát triển hệ thống du lịch sinh thái nông nghiệp của tỉnh Bến Tre rằng du lịch sinh thái là loại hình du lịch đặc biệt tổng hợp các mối quan tâm đến môi trường thiên nhiên và tìm đến những vùng thiên nhiên nhiều tiềm năng về môi trường sinh thái để cải thiện kinh tế, phúc lợi xã hội, sức khoẻ và hưởng thụ, khám phá những cái mới, cái lạ, cái đẹp và sự trong lành của thế giới tự nhiên, tạo ra mối quan hệ hữu cơ, hoà đồng giữa con người với thiên nhiên, môi trường đồng thời hành động có ý thức trách nhiệm làm cho thiên nhiên môi trường bền vững, phong phú phục vụ trở lại lợi ích của con người cả ở hiện tại và tương lai.

“Theo quan điểm trên, nhìn lại trong những năm gần đây, du lịch sinh thái Bến Tre đã có những bước phát triển đáng kể và chiếm ưu thế trong cơ cấu sản phẩm du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, về mặt sản phẩm chưa phong phú chủ yếu khai thác sản phẩm du lịch miệt vườn, sông nước với nhiều tác động tới mội trường tự nhiên. Trong khi loại hình du lịch sinh thái còn đề cao việc tổ chức du lịch cần chú trọng bảo tồn môi trường tự nhiên mà du lịch đang sử dụng. Nâng cao ý thức của du khách để họ nhận rõ đặc điểm của môi trường tự nhiên trong khi du lịch đang hoà mình vào đó. Động viên trách nhiệm của dân cư địa phương tại khu du lịch, điểm du lịch có trách nhiệm quản lý bảo vệ và phát triển du lịch nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường du lịch và thiết thực tạo được lợi ích lâu dài” – Ông Toàn nhận định thêm.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các ban ngành, Hội nông dân cơ sở và doanh nghiệp - Ảnh TS

Ở góc nhìn cơ sở, đại diện Hội ND của các huyện như Chợ Lách, Hội ND Thành phố Bến Tre cũng đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực và sát với thực tế tại địa phương. Đại diện Hội ND Thành phố Bến Tre cho biết sẽ hoạch định chiến lược phát triển du lịch thành phố Bến Tre theo xu hướng mới mang tính bền vững nhằm tăng tính hấp dẫn và riêng biệt, tận dụng tối đa sự tham gia của cộng đồng. Đây là một trong những yếu tố mấu chốt của du lịch sinh thái. Cụ thể Hội ND Thành phố Bến Tre cũng đã đưa ra 5 tiêu chí để thực hiện, trong đó tiêu chí mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nông dân phục vụ du lịch chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, có khả năng bắt kịp xu hướng mới sẽ sớm được triển khai đến các hội viên nông dân trên địa bàn.

Hội ND huyện Chợ Lách cũng đã báo cáo về những đóng góp thiết thực sau khi Đề án Làng Van hoá du lịch Chợ Lách được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 30/3/2020 thì Hội cũng đã phát động phong trào thi đua trong hội viên, nông dân, xem phát triển du lịch là nghành kinh tế tổng hợp tao ra thu nhập cao và giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, làm du lịch để phát triển kinh tế hộ gia đình và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể có hiệu quả, thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp giảm nghèo… để vừa củng cố công tác tổ chức vừa nâng cao chất lượng các phong trào tại các ấp.

Bên cạnh đó, ý kiến của các cơ sở du lịch địa phương cũng nhận được đánh giá cao khi là đơn vị trực tiếp phục vụ khách du lịch.

Ông Nguyễn Tấn Vàng, đại diện cho cơ sở du lịch Người giữ rừng (ấp Phước Hòa, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại) chia sẻ: “Năm 2016, vợ chồng tôi đã bắt đầu kinh doanh với mô hình mang tên Người giữ rừng, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi thủy sản tự nhiên kết hợp và làm du lịch. Với niềm đam mê và sự ủng hộ của khách hàng, chúng tôi đã từ từ hoàn thiện và có được sự ổn định trong việc kết hợp du lịch. Nông nghiệp bền vững là giải pháp cho nông dân trong thời kỳ hội nhập 4.0. Nó mang lại cơ hội cho những người nông dân nhạy bén và cũng là thách thức buộc chúng ta phải thay đổi để phát triển chính mình. Kết hợp giữa nông nghiệp, du lịch và thương mại là cách để ổn định giá bán và phát triển bền vững, đến nay cơ sở du lịch Người giữ rừng đã đạt được một số thành công ban đầu với sứ mệnh của là thực hiện mô hình kinh doanh từ các sản phẩm của rừng ngập mặn, nhằm tạo ra tác động tích cực đến rừng”.

Hội thảo với sự tham gia của nhiều cơ quan ban, ngành và doanh nghiệp của tỉnh Bến Tre Ảnh TS

Kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bàn cho rằng các phương hướng cụ thể của Hội nông dân tỉnh Bến tre trong thời gian sắp tớp để phát triển ngành du lịch là cần phải bám sát chính sách từ Trung ương và phát huy được thế mạnh tại địa phương, theo đó để phát triển loại hình sinh thái tại Bến Tre một cách bền vững, lâu dài, khai thác hết tiềm năng của địa phương một cách hiệu quả và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tập trung nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển du lịch sinh thái trong sự phát triển bền vững của địa phương. Đảm bảo giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên… của địa phương trong quá trình khai thác và hoạt động du lịch.

Hai là, xác định hoạt động du lịch sinh thái không thể tách rời môi trường tự nhiên, chú trọng công tác bảo vệ môi trường; tăng cường các biện pháp quản lý kiểm soát nguồn gây ô nhiễm mới từ các hoạt động phát triển du lịch; kiểm soát chất thải, nhất là chất thải nhựa, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường xung quanh các điểm tham quan du lịch.

Ba là, đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng. Việc xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là điều hết sức quan trọng trong việc khai thác thị trường và thu hút khách du lịch.

Bốn là, cần có cơ chế chính sách đặc thù, các chính sách hỗ trợ về vốn, thị trường… để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư quy mô lớn tham gia đầu tư tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thông thoáng cho mọi thành phần kinh tế và người dân tham gia các dự án phát triển du lịch.

Năm là, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch sinh thái trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội chợ, hội thảo; kết nối các doanh nghiệp lữ hành tổ chức khảo sát, nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá thu hút khách du lịch.